Cần tiếp cận vỉa hè một cách minh bạch

Đầu năm 2017, từ hai thành phố đầu tàu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đã rầm rộ ra quân “lấy lại vỉa hè” cho người đi bộ. Tuy vậy, nhìn dài hạn, thay vì chỉ tập trung phá bỏ những hàng tạm quán dựng, liệu chúng ta có tìm ra giải pháp nào để kinh tế vỉa hè hòa hợp được với không gian vỉa hè ở đô thị?

Hàng quán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên phố Hàng Dầu.
Hàng quán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên phố Hàng Dầu.

Kinh tế vỉa hè có từ đâu?

Có giả thuyết cho rằng, chuyện “buôn thúng bán mưng” ra đời vào cuối thời kỳ bao cấp, khi đất nước còn khó khăn, buộc nhiều người phải ra đường đi buôn nuôi sống gia đình. Sau quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thêm một lượng lớn lao động của khu vực quốc doanh về hưu non hoặc không có việc làm, khiến vỉa hè tiếp tục trở thành nơi lý tưởng để kinh doanh. Dần dà, nó biến thành một loại thể chế mềm mà mọi người đều coi sự tồn tại là đương nhiên.

Khi nền kinh tế Việt Nam càng phát triển, ruộng đồng biến thành nhà xưởng, quá trình đô thị hóa đẩy hàng triệu nông dân ra thành phố kiếm sống. Không tay nghề, không bằng cấp, không người thân thuộc, chốn nương tựa duy nhất cho những cô bán rau, những anh bán dạo, những bà bán nước chính là nơi hè phố. Tất cả những nguyên do đó, cùng với những hộ kinh doanh cá thể tận dụng mặt đường để kinh doanh, tạo ra một hệ sinh thái kinh tế vỉa hè vô cùng đa dạng.

Lý do tồn tại của hệ sinh thái này rất đơn giản: về mặt bên cung, chi phí “cố định hóa” việc kinh doanh, bao gồm đăng ký, mở cửa hàng chính thức,… là quá cao với những người kinh doanh nhỏ lẻ. Khi chỉ kinh doanh những sản phẩm thông thường như đồ ăn sáng, hoa, bán nước,… việc thuê một vị trí cố định với giá hàng triệu đồng/tháng là quá sức với họ. Những “doanh nhân” cỡ nhỏ này sẵn sàng trả các chi phí ngầm cho chính quyền để kinh doanh, miễn số tiền ít hơn con số bỏ ra khi họ chính thức đăng ký kinh doanh.

Về mặt cầu, vỉa hè phục vụ cho tư duy tiện lợi của người Việt. Nó kết hợp hoàn hảo với văn hóa xe máy: chúng ta dễ dàng sà vào một khu chợ ven đường để mua cân hoa quả ngày rằm khi đi làm về, mua bông hoa tặng bạn gái lúc sáng sớm đi học, hay tiện thể làm cốc trà nóng khi ngồi đợi bạn trước cổng cơ quan. Vỉa hè, có lẽ chỉ xuất hiện dưới thời Pháp thuộc với những quy luật giao thông được hình thành, chấp nhận nhượng bộ với văn hóa tiện lợi đã gắn bó hàng thế kỷ với chúng ta trước đó.

Đâu là giải pháp?

Thực ra, chúng ta không nên quan niệm rằng kinh tế vỉa hè là xấu. Vỉa hè là không gian công cộng, giống như bảo tàng, rạp chiếu phim, hay công viên, không chỉ là độc quyền sử dụng cho đối tượng thụ hưởng. Vỉa hè hoàn toàn có thể dùng để kinh doanh một cách chính thức và có đóng thuế, miễn là chừa đủ không gian tối thiểu cho người đi bộ. Những nền kinh tế châu Á phát triển hơn chúng ta, như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công... đều cho phép tồn tại “kinh tế vỉa hè” ở những dạng thức khác nhau.

Ngay cả ở trong nước, những con phố đi bộ và chợ đêm tấp nập, với vô số các mặt hàng đa dạng bày bán trên vỉa hè ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt,…cho thấy giữa vỉa hè có thể mang lại tác động tích cực cho cả bốn bên: hộ kinh doanh bán được hàng, khách hàng mua được hàng, người đi bộ vẫn có không gian, và nhà nước thì vừa quản lý vừa thu được thuế. Một ước tính kinh tế sơ bộ và lạc quan còn cho rằng, số tiền thu được từ việc cho thuê vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh có thể lên đến 350 tỷ đồng/tháng.

Vì thế, vấn đề không thể chỉ giải quyết bằng việc cẩu xe, bứng sư tử đá, phá hàng rào dựng tạm. Đó chỉ là những giải pháp tức thời cho những vấn đề tức thời: những thứ chướng tai gai mắt chúng ta nhìn thấy trên vỉa hè. Nhưng khi không giải quyết được vấn đề dài hạn hơn là thay đổi tư duy nhất cử lưỡng tiện kiểu “vỉa hè” của người dân, và tạo ra mô hình kinh tế phù hợp cho những người kinh doanh nhỏ, tôi sợ rằng khi phong trào vỉa hè kết thúc mọi thứ sẽ đâu lại vào đó.

Vì thế, cần tiếp cận vỉa hè với góc nhìn hệ thống và minh bạch hơn. Khi giành lại vỉa hè, chính quyền cần cân nhắc khía cạnh thương mại và sức sống của nó. Trước hết, có thể phân ra những nhóm sử dụng vỉa hè khác nhau, với cách xử lý khác nhau. Thí dụ như với nhóm cố định (kinh doanh nhà mặt phố có dùng vỉa hè), cần bắt buộc đăng ký giấy phép kinh doanh và đóng tiền thuế sử dụng vỉa hè. Với nhóm lưu động (gồm các phương thức buôn bán ngay trên vỉa hè như quán nước, gánh hàng rong, quán ăn, bán vé số…), cần khu trú họ lại thành những khu vực có thể kinh doanh, với hình mẫu tương tự như khu chợ đêm.

Điều này hẳn nhiên sẽ làm bất tiện cho cả người bán lẫn người mua, nhưng văn minh không thể đến mà không mất đi chi phí nào. Ở các nước phát triển, nhiều không gian công cộng được dành cho người bán rong, trở thành tụ điểm văn hóa nổi tiếng và thu hút khách du lịch như quảng trường Alexanderplatz (Berlin), hay những quảng trường có đài phun nước ở Roma (I-ta-li-a). Mô hình tập trung này là thứ mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi. Những mô hình kinh tế để giải bài toán vỉa hè là không thiếu, phần còn lại phụ thuộc vào việc chúng ta quyết tâm đến đâu để có những đô thị vừa thịnh vượng, vừa văn minh.