Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông:

Cần đột phá từ yếu tố con người

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2019, đã có không ít tin tức đau lòng như vụ xe công-ten-nơ ở Long An đâm vào người đang dừng đèn đỏ làm bốn người chết, 19 người bị thương, vụ ô-tô tông năm xe máy ở TP Hồ Chí Minh, vụ tai nạn giao thông xe ô-tô chở khách trên đèo Hải Vân rơi xuống vực sâu làm một người chết, 21 người bị thương…Tại sao đã có rất nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn những người trở thành nạn nhân oan uổng, vẫn còn những gia đình chịu tai họa do tai nạn giao thông (TNGT)?

Hiện trường vụ tai nạn do xe đầu kéo công-ten-nơ tông vào 25 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ gần cầu Bến Lức thuộc Km 1934+670 quốc lộ 1, ấp 3, xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức (Long An). Ảnh: Lê Trai
Hiện trường vụ tai nạn do xe đầu kéo công-ten-nơ tông vào 25 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ gần cầu Bến Lức thuộc Km 1934+670 quốc lộ 1, ấp 3, xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức (Long An). Ảnh: Lê Trai

Rủi ro TNGT vẫn còn rất cao

Mức độ thảm khốc của những vụ TNGT như ở Long An thật là khủng khiếp. Có một nguyên tắc quan trọng của khoa học an toàn. Nguyên tắc này, có thể nhìn nhận như là biểu hiện cụ thể của nguyên lý triết học về quan hệ "Lượng đổi - chất đổi" nêu rõ ràng, xét theo chiều từ thấp đến cao, cứ có nhiều rủi ro, nhiều nguy cơ mất an toàn thì sẽ có tai nạn xảy ra. Ngược lại, theo chiều từ cao đến thấp, thì một TNGT khủng khiếp như vậy không thể xem là đơn độc, trái lại, đó là dấu hiệu báo động rằng còn rất nhiều rủi ro xảy ra những TNGT khác với các mức độ nghiêm trọng khác nhau, có thể từ tử vong đến thương tích hay tổn hại vật chất.

Thực tế, dù đã áp dụng nhiều giải pháp, nhưng rủi ro TNGT vẫn ở mức cao, thậm chí người đi xe máy dừng chờ đèn đỏ cũng bị xe tông. Như vậy, vụ tai nạn do xe công-ten-nơ ở Long An nhắc chúng ta rằng, rủi ro TNGT vẫn rình rập người tham gia giao thông ở mọi lúc, mọi nơi.

Ðiều rất rõ ràng là nhiều năm nay, từ trung ương đến địa phương, đã có rất nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hạn chế TNGT. Nhiều chủ trương, chính sách và rất nhiều kế hoạch đã được đưa ra. Chỉ riêng 2018, một cơ quan trung ương đã ban hành 45 kế hoạch, hơn 450 văn bản chỉ đạo. Hệ thống giao thông bao gồm bốn thành phần: người lái, hạ tầng đường sá, phương tiện xe cộ và môi trường luật pháp. Bất cứ một điều bất ổn nào trong các thành phần này cũng đều dẫn tới rủi ro TNGT. Trên thực tế, những nỗ lực của chúng ta đã bao phủ khá đầy đủ tất cả các thành phần này. Theo công bố chính thức, các chỉ tiêu TNGT về số vụ, số người chết, số người bị thương liên tiếp giảm từ năm này sang năm khác.

Những nỗ lực ấy đã giữ lại sự sống, sức khỏe cho hàng chục nghìn người. Chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc kiềm chế TNGT. Thành công nhất, một bước đột phá đặc biệt, đã xảy ra khi chỉ sau một đêm (14 rạng 15-12-2007) từ chỗ lẻ tẻ vài chục phần trăm, nay gần như tuyệt đại đa số người đi xe máy thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, cũng còn không ít chủ trương, chính sách, kế hoạch không đi vào thực tế cuộc sống. Chỉ nêu một thí dụ, đó là chủ trương từ ngày 1-1-2018 sẽ thu hồi xe máy cũ nát, quá "đát"…

Ở một góc độ khác, có lẽ, không nhiều người biết rằng, để có thành công đột phá năm 2007 về mũ bảo hiểm, chúng ta đã trải qua không ít khó khăn, thậm chí thất bại. Từ năm 1995, Nghị định 36-CP ngày 29-5-1995 đã quy định "người ngồi trên xe mô-tô phải đội mũ bảo hiểm", thế nhưng điều này không được thực hiện ngay trên thực tế. Trong khi đó, số lượng xe máy tăng nhanh cỡ 2 triệu xe/năm (giai đoạn 2000 - 2006) khiến TNGT tăng vọt. Mãi 12 năm sau, đến cuối 2007 quy định này mới được áp dụng thành công và thành công một cách bền vững cho tới nay mặc dù số lượng xe máy vẫn tăng và tăng nhanh hơn (cỡ 3 triệu xe/năm). Bước đột phá năm 2007 đã làm giảm TNGT đường bộ một cách đáng kể và bền vững. Số người chết từ con số 12.800 (năm 2007) đã giảm ngay từ năm 2008 và liên tục đến nay đã xuống tới con số 8.079 (năm 2018). Ðây thật sự là một bước ngoặt về chất trong sự nghiệp bảo đảm TTATGT.

Như vậy, rất cần có những nghiên cứu phân tích làm rõ nguyên nhân, từ đó rút ra những bài học từ những thành công và những việc chưa thành công này.

Giải pháp kiểm soát người lái

Các cơ quan có trách nhiệm đều đã vào cuộc. Nhưng rõ ràng không ai dám nói chắc rằng những nỗ lực ấy là đủ. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần và có thể có một bước đột phá tiếp theo, nhằm giảm một cách thật sự, một cách bền vững các vụ TNGT, nhất là các vụ có tử vong hoặc bị thương nặng.

Bài học quan trọng từ thành công năm 2007 là bên cạnh những biện pháp về nhiều mặt, từng giai đoạn, chúng ta cần có những giải pháp đột phá. Ðây cũng là vận dụng nguyên lý triết học đã nhắc trên. Lượng đã đến ngưỡng thì cần thay đổi về chất. Nếu không, TNGT, nhất là những vụ đặc biệt nghiêm trọng sẽ vẫn xảy ra, thậm chí ngay trong nay mai!

Trong bốn thành phần của hệ thống giao thông nêu trên, yếu tố con người luôn là quan trọng nhất. Vụ TNGT ở Long An ngày 2-1-2019, các dấu hiệu chỉ ra rằng có nguyên nhân từ người lái - nhất là người này dương tính với ma túy (!), còn trong vụ TNGT ngày 30-7-2018 ở Quảng Nam, nguyên nhân là người lái thiếu ngủ. Mặc dù chưa có con số chính thức, nhưng hiện tượng lái xe, nhất là lái xe đường dài sử dụng ma túy, lái xe khi có nồng độ cồn, lái xe trong tình trạng thiếu ngủ không phải là hiếm. Không phải người lái xe không biết tác hại của ma túy, của rượu bia, của việc thiếu ngủ nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn phải dùng, đặc biệt là nhiều người có tâm lý "tai nạn xảy ra với ai chứ, nhưng nó chừa mình ra" (hiệu ứng Titanic).

Bước đột phá sắp tới, theo nhiều phân tích, chính là nhằm vào yếu tố người lái, cụ thể hơn nhằm bảo đảm người lái phải đủ tỉnh táo khi điều khiển phương tiện. Chúng ta biết rằng, có những cách thử độ tỉnh táo rất đơn giản, gần như không tốn kém gì. Những cách thử này nếu được triển khai rộng rãi, kết hợp với các thiết bị hiện dùng sẽ đem lại hiệu quả đáng kể.

Còn nhiều việc cần làm. Nhưng bài học từ thành công về việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm năm 2007 đã cho thấy, nếu hiểu và chọn đúng vấn đề mấu chốt, cộng với quyết tâm, chúng ta có thể giảm số người chết, bị thương do TNGT với một bước tiến mang tính đột phá.