Cần “bàn tay sắt” chống thực phẩm bẩn

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 2: Từ sản xuất đến bàn ăn

Bất chấp các đợt thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng, những sản phẩm thiếu an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng vẫn len lỏi trong bữa ăn của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần một “bàn tay sắt” tuyên chiến với thực phẩm bẩn và giải pháp căn cơ là chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn cung cấp đến bàn ăn của người dân.

Giết mổ gia súc, gia cầm... là mắt xích quan trọng trong chuỗi quy trình bảo đảm vệ sinh ATTP, song nhiều người kinh doanh còn quá xem nhẹ quy trình xử lý này. Ảnh chụp tại lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì,
Giết mổ gia súc, gia cầm... là mắt xích quan trọng trong chuỗi quy trình bảo đảm vệ sinh ATTP, song nhiều người kinh doanh còn quá xem nhẹ quy trình xử lý này. Ảnh chụp tại lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì,

Ðể không có những cái chết được báo trước

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm cả nước có hơn 75.000 người chết vì căn bệnh ung thư, nghĩa là mỗi ngày có trung bình hơn 200 người chết mà 35% nguyên nhân gây ung thư được các chuyên gia đầu ngành về y tế xác định do thực phẩm bẩn. Ðây là con số khủng khiếp cảnh báo hệ lụy khôn lường do thực phẩm bẩn gây ra.

Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương bày tỏ sự lo ngại: Từ nay đến năm 2020, với tình trạng thực phẩm bẩn nếu vẫn chưa được kiềm chế, giảm thiểu, thì nguy cơ Việt Nam phát sinh thêm 200.000 ca ung thư mới hoàn toàn có thể diễn ra, trong đó, có 30% số ca ung thư có thể do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.

Một dẫn chứng đáng lo ngại khác, dẫn số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật, với 4.100 loại thương phẩm khác nhau, thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là mối nguy cơ trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân. PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học, Ðại học Bách khoa Hà Nội cung cấp thông tin thêm, khi những cái tên như vàng ô, salbutamol vừa kịp trở nên quen thuộc, thì loại chất cấm mới là Cysteamine đã xuất hiện trên thị trường. Ðây là chất tiền hoóc môn tạo nạc có tác dụng tăng trọng cho gia súc, gia cầm có tên trong danh sách cấm sử dụng tại Việt Nam. Theo ông, với sản xuất nông sản, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang được nhiều người thực hiện một cách thiếu nguyên tắc, không tuân thủ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sản phẩm cung cấp cho thị trường.

An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho hay, Quốc hội đã có chương trình giám sát về ATTP. Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến việc có nhiều hành vi vi phạm ATTP được hình sự hóa. Nạn thực phẩm bẩn đã được Quốc hội đánh giá là một trong những “trận chiến” lớn của nước ta. Có sáu điểm yếu được nêu ra trong Nghị quyết của Quốc hội: Văn bản pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể; tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật còn yếu; công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành chưa theo kịp tình hình; đầu tư nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước chưa cao; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết.

Cần “bàn tay sắt” chống thực phẩm bẩn ảnh 1

Việc dán tem lên sản phẩm thịt gà giúp người tiêu dùng truy xuất rõ nguồn gốc, là một trong những giải pháp chống thực phẩm bẩn. Ảnh: Nguyễn Trí

Tăng hậu kiểm, siết chặt quản lý

Theo ý kiến của các chuyên gia, cần phải truy xuất rõ nguồn gốc mới chống được thực phẩm bẩn. Cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường. Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc. Ðây sẽ là cơ sở để phát hiện thực phẩm này xuất phát từ đâu. Từ đó người sản xuất mới gắn được trách nhiệm của họ vào sản xuất. Tại nước ta, việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề bất cập, từ đó người nông dân lạm dụng việc sử dụng hóa chất. Nếu quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất thì người nông dân sẽ giảm bớt sử dụng hóa chất bừa bãi, không ý thức.

Mặt khác, khi nói đến bảo đảm ATTP, chúng ta mới quan tâm nhiều tới khâu tiền kiểm. Vì vậy, vấn đề bảo đảm ATTP chưa thật sự đi vào chiều sâu. Ðể khắc phục tình trạng này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Ðiểm đặc biệt lưu ý của Nghị định mới là quy định chuyển mạnh mẽ theo hướng kiểm soát chất lượng ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ðây là một bước chuyển rất lớn về tư duy và phương pháp tiếp cận đối với ATTP, kể cả với người sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước.

Ðể làm tốt việc này, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý nhà nước, cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm căn cứ hậu kiểm và làm căn cứ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm, bởi hậu kiểm thể hiện tính tự giác của người sản xuất. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước trong hậu kiểm rất quan trọng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm sẽ giúp người tiêu dùng kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm trên thị trường.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin, Bộ này đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương triển khai công tác hậu kiểm ATTP từ các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm); các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm, bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát ít nhất một lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn. Riêng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các tỉnh, thành phố tập trung hậu kiểm việc chấp hành quy định chung về bảo đảm ATTP; các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP; việc sử dụng phụ gia thực phẩm…

Ở một khía cạnh khác, theo Chi cục trưởng Chi Cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, vấn đề ATTP vẫn đang nhức nhối, để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, các xã, thị trấn có vai trò quan trọng trong giám sát. Do đó, theo ông Giang, thành phố Hà Nội xem xét có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, tiếp tục xây dựng các khu giết mổ tập trung bảo đảm ATTP ở các huyện, thị xã với mục đích giảm bớt vi phạm, tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong giám sát, kiểm tra. Ðể xử lý triệt để nạn thực phẩm bẩn không chỉ cần sự vào cuộc mạnh tay từ phía cơ quan chức năng mà hơn hết cần tới cái tâm của người kinh doanh. Quan trọng hơn hết là phải làm thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Nếu họ vẫn coi trọng lợi nhuận hơn là sức khỏe của người tiêu dùng, của chính đồng loại thì cuộc chiến với thực phẩm bẩn sẽ còn rất gian nan.

Với người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng cần được bảo vệ các quyền của mình. Ðó là quyền thông tin. Hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế. Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Ðiều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiện phát triển. “Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn nhưng phải an toàn. Nhưng số tiền bỏ ra đó có mua được sản phẩm chuẩn hay không là cả vấn đề. Có thể nói giữa người sản xuất và tiêu dùng chưa “gặp” được nhau”, ông Hùng nói. Và quyền nữa của người tiêu dùng đó là quyền an toàn. Như trên đã nói, hiện nay rất nhiều thực phẩm của chúng ta vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc thực phẩm.

Người tiêu dùng hãy kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Một khi cả xã hội vào cuộc quyết liệt, thực phẩm bẩn chắc sẽ không còn đất sống.