Cầm vàng chớ để vàng rơi

Ở một số nước trên thế giới, quá trình già hóa dân số diễn ra 50 - 70 năm, nhưng tại Việt Nam quá trình này diễn ra chỉ trong khoảng từ 20 - 30 năm. Quyết định số 588/QÐ-TTg phê duyệt "Chương trình Ðiều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ ký cho thấy những điều chỉnh quan trọng trong chính sách dân số.

 Ðón bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Ngọc Diệp
Ðón bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Ngọc Diệp

Từ 4-2-1 đến 1-2-4

TP Hồ Chí Minh đang được xếp vào nhóm địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, với tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 1,39. Mức sinh thấp này sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số của thành phố trong tương lai, khi tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng dẫn đến gia tăng tốc độ già hóa dân số.

Ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tuổi kết hôn lần đầu của người dân thành phố cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng hai tuổi. Ðộ tuổi kết hôn muộn dẫn đến mức sinh thấp ở độ tuổi 20 - 25 và tập trung nhiều ở độ tuổi 25 - 34, khi các cặp vợ chồng có xu hướng đầu tư chuyên môn cao cho sự nghiệp. Ðây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc các cặp vợ chồng này lựa chọn chỉ sinh một con.

Quan trọng nhất, ông Trung cảnh báo: Nếu hôm nay "mỗi gia đình chỉ sinh một con" với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới đáng lo hơn theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Bên cạnh đó, mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc khuyến khích "mỗi gia đình nên sinh đủ hai con" để duy trì mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Vì trẻ em chính là tương lai

Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, hơn 10 năm qua, cả nước đã duy trì mức sinh thay thế (2 - 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ), nhưng hiện đối mặt mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại các đô thị. Bên cạnh 33 tỉnh, thành phố hiện có mức sinh vẫn cao (với chín tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế là 2,1 con), thì hiện còn 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. "Việt Nam khuyến khích sinh ở các vùng có mức sinh giảm thấp vào thời điểm này đã là muộn. Ở những vùng có mức sinh thấp như Ðông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, đã đến lúc phải có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, với các gói dịch vụ gia đình kèm theo, hỗ trợ các gia đình trẻ có hai con mua nhà ở xã hội, hỗ trợ tiền học tại các trường công lập và các ưu tiên khác nhau để tăng tỷ suất sinh ở những vùng này", ông Tú nói.

Còn theo PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Trường ÐH Giáo dục (ÐH Quốc gia Hà Nội), về mặt xã hội, chủ trương bãi bỏ chính sách sinh ít con và khuyến khích sinh đủ hai con sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, đồng thời kéo dài giai đoạn cơ cấu "dân số vàng", cũng như ứng phó thực trạng và xu hướng già hóa dân số nhanh trong tương lai. Ðây là cơ hội rất tốt để trong khoảng 10 - 15 năm nữa, nước ta sẽ có một thế hệ mới, một lực lượng "dân số vàng" tiếp theo, đáp ứng công cuộc phát triển đất nước.

Ði cùng chính sách dân số, rất cần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm quyền trẻ em, để mọi trẻ em đều được sinh ra khỏe mạnh, được quyền vui chơi, giải trí, các biện pháp hỗ trợ cần phải đồng bộ và thiết thực. Ðồng thời, phải có chế độ đãi ngộ lao động, cải thiện giờ làm, mức lương, để giới trẻ yên tâm kết hôn, sinh con. Cũng không thể buông lơi công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức về giới, cân bằng tỷ lệ sinh giữa bé trai và bé gái; cùng với các giải pháp làm chậm tốc độ già hóa, phát huy lợi thế "dân số vàng" cũng như phát triển các dịch vụ y tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi, đi đôi với cơ chế tận dụng nguồn lao động cao tuổi có trình độ cao, nhằm giảm áp lực cho nền kinh tế.

Quyết định số 588/QÐ-TTg, trong đó có đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới hai con). Ở một số địa phương có mức sinh thấp sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như giảm thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ các gia đình trẻ có hai con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.