Cách tiếp cận mới về chính sách cho lao động di cư

Thực tế cho thấy, hơn 70% số lao động di cư không biết, hoặc biết rất ít về quyền và lợi ích cơ bản của mình. Ðã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng chính sách đối với nhóm đối tượng này.

Lao động di cư khó tiếp cận hệ thống an sinh xã hội dù làm việc trong môi trường có nhiều rủi ro.
Lao động di cư khó tiếp cận hệ thống an sinh xã hội dù làm việc trong môi trường có nhiều rủi ro.

Có chính sách, nhưng…

Sáng mất bốn tiếng làm công nhân lau dọn cho một tập đoàn, chiều bán hoa quả, nhưng chị Huỳnh Thị Thành, thuê trọ tại khu Bạch Bằng, phường 2, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) chỉ tích cóp mỗi tháng được hai triệu đồng. "Từ Hậu Giang hai vợ chồng lên đây ở trọ, làm thuê, bán hàng quần quật cả ngày. Chồng tôi thì làm công nhân, cứ hằng tháng gửi tiền về cho má tôi, chăm cho thằng nhỏ. Chúng tôi có biết về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng cũng không còn tiền để mua. Vả lại, lúc này còn sức thì cũng chưa nghĩ đến việc phải mua. Bây giờ cứ lo kiếm tiền đã!?". Cũng thuê trọ trong khu vực này, chị Trần Thị Hoa, làm nghề nhặt ve chai, chia sẻ rằng, những người như chị tiền đến đâu thì thuê trọ đó, không cố định ở một nơi, đến đăng ký tạm trú cũng chỉ ít ngày thì nói gì đến tìm chỗ mà mua bảo hiểm.

Chị Thành và chị Hoa chỉ là hai trong hàng vạn lao động di cư có đời sống khá khó khăn, đang phải ở thuê tại các khu nhà trọ giá trẻ ở TP Hồ Chí Minh. Với họ, mưu sinh đã quá nhọc nhằn, không dám nghĩ xa xôi chuyện được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 càng khiến nhóm lao động di cư chịu ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều. Mặt khác, do cuộc sống bấp bênh, họ cũng là đối tượng gặp rủi ro bởi "dễ" tiếp cận vay vốn "tín dụng đen", và dễ sa vào tệ nạn xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, lao động di cư nội địa hiện nay chiếm 8,4% tổng số lao động trong cả nước, trong đó Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ lao động di cư cao nhất (35,8%), tiếp đến là TP Hồ Chí Minh (22,6%), Hà Nội (16%). Theo PGS,TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, sự dịch chuyển nơi ở để tìm kiếm việc làm khiến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo hộ khẩu không đạt hiệu quả. Trong khi đó người lao động không chỉ mất đi sự hỗ trợ ở quê hương, họ còn khó có thể tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tại nơi đến.

Những năm qua nhóm lao động di cư nội địa này đã trở thành đối tượng điều chỉnh của một số luật như Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… nhằm giúp họ có thể tiếp cận một số dịch vụ an sinh thiết yếu. Song theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), nhóm lao động di cư tham gia bảo hiểm rất ít, do hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện không cao, cần phải thay đổi phương pháp tuyên truyền để đưa chính sách tới đúng đối tượng.

Cần những giải pháp căn cơ

Ðánh giá cao vai trò của lao động di cư trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý, cần phải có những giải pháp hỗ trợ đắc lực cho họ. Chẳng hạn như, cần tuyên truyền pháp luật, giới thiệu việc làm để người lao động di cư có khả năng tiếp cận thông tin và việc làm trong những khu vực lao động chính thức, lao động có hợp đồng, chế độ đi kèm. Ðặc biệt, cần hỗ trợ họ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT. "Ngoài việc thay đổi chính sách hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách an sinh, đề án, dự án hỗ trợ, thì bản thân lao động di cư cũng phải chủ động nâng cao hiểu biết, đấu tranh cho quyền lợi của mình", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Liên quan nhận thức của lao động di cư đối với chính sách BHXH tự nguyện, hiện còn những tồn tại khiến cho chính sách chưa đủ sức thuyết phục người mua bảo hiểm. Theo đại diện Mạng lưới hành động vì lao động di cư (M.net), chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, do điều kiện phải đóng tới 20 năm mới được hưởng lương hưu hằng tháng, đã tạo cho người lao động tâm lý không muốn tham gia. Ðể tháo gỡ nút thắt này, M.net đã xây dựng đề án BHXH tự nguyện và đề xuất ba gói bảo hiểm ngắn hạn bổ sung vào BHXH tự nguyện (thai sản, ốm đau, trợ cấp gia đình/trẻ em)… nhằm hỗ trợ lao động di cư có thêm sự lựa chọn trong ngắn và trung hạn.

Ðối với việc mở rộng khả năng tiếp cận chính sách cho người lao động, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) đang xin ý kiến thành lập các tổ chức công đoàn, hội phụ nữ... trong nhóm lao động di cư để đứng ra đại diện cho họ khi cần thương lượng về các vấn đề việc làm, tiền lương, thuê nhà... Vấn đề này đang được thảo luận để đi đến thống nhất.

Ðược biết, từ năm 2017, Bộ LÐ-TB&XH đã triển khai Dự án "Phát triển thị trường lao động và việc làm", trong đó có nội dung "Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên". Tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế chưa được như yêu cầu đặt ra. Ðặt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gây tác động lớn đến người lao động di cư, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả của dự án trên. Các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để hỗ trợ việc làm cho nhóm đối tượng này. PGS,TS Nguyễn Hữu Chí (Trường đại học Luật Hà Nội), đề xuất: "Nhiều thanh niên ra đô thị tìm kiếm việc nhưng có trình độ thấp, do đó, phải nâng cao hơn hiệu quả giáo dục, dạy nghề, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư để có thể đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động nơi đến".

Thúy Hà

Nhiều chuyên gia đưa ra giải pháp, cơ quan BHXH cần ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình trong giải quyết các chế độ BHXH, đúng quy định của pháp luật...