Đẹp và Cuộc sống

Cách nhìn mới về văn hóa Hà Nội

Hà Nội được ghi danh là Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019. Đây là danh hiệu mới có thể đáp ứng những kỳ vọng cho sự phát triển Thủ đô nói chung, văn hóa Thủ đô nói riêng. Sáng tạo không chỉ khơi dậy nguồn cảm hứng, tạo ra sức sống mới cho di sản, bao trùm các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, mà còn điều chỉnh cả thói quen, lối sống, cách ứng xử của người dân đô thị, đem lại diện mạo mới cho một thành phố đáng sống, trái tim của cả nước. Quanh câu chuyện đó, PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh bên), Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chia sẻ nhiều giải pháp.

Cách nhìn mới về văn hóa Hà Nội
Cách nhìn mới về văn hóa Hà Nội -0
Trung tâm hỗ trợ phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio) là không gian sáng tạo đầu tiên thuộc một cơ quan nhà nước quản lý, đã tổ chức được nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật đương đại chất lượng cao.

- Khoảng vài chục năm gần đây, sự bùng nổ về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đã khiến cho nhiều không gian văn hóa - nghệ thuật bị thu hẹp, thậm chí biến mất, làm ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của người dân ở các đô thị. Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Quá trình phát triển đô thị nói chung, không riêng gì ở Hà Nội, luôn đặt ra những vấn đề thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, cả ở các không gian văn hóa - nghệ thuật đến từng hành vi ứng xử văn hóa. Chính vì thế, các đô thị luôn cần có quy hoạch và chiến lược bảo vệ di sản phù hợp để không chỉ giữ gìn những nét đẹp mà còn tôn vinh bản sắc đô thị. Gần đây, các thành phố trên thế giới đều hướng đến việc xây dựng các không gian sáng tạo để biến mình thành các đô thị đáng sống. Điều quan trọng ở đây là, các không gian văn hóa - nghệ thuật có mối quan hệ hữu cơ với văn hóa ứng xử, theo đó, nhờ có các không gian này đã tạo điều kiện hình thành nên văn hóa ứng xử đề cao cái đẹp, sáng tạo nơi công cộng, và ngược lại, chính văn hóa ứng xử hướng tới chân - thiện - mỹ một lần nữa lại thúc đẩy việc hình thành các không gian văn hóa - nghệ thuật. Đặt trong bối cảnh chung như vậy để chúng ta dễ bàn hơn về Hà Nội. Thủ đô là niềm tự hào của cả nước, là biểu tượng của dân tộc, vì thế, văn hoá của Hà Nội nói chung, văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của cả nước cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ở đây, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan một chút, theo đó, Hà Nội ngày hôm nay không phải là Hà Nội ngày xưa và cũng sẽ không thể nào quay trở lại như cũ. Trong văn hóa có một điều gần như hiển nhiên là: không thể so sánh. Nói như vậy không có nghĩa rằng, Hà Nội bây giờ vẫn đẹp và không có điều gì cần phải thay đổi trong văn hóa ứng xử, hoặc những lời chỉ trích là không đúng, mà ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng, nét thanh lịch đã trở thành ấn tượng của người Hà Nội xưa chắc chắn vẫn cần tôn vinh, nhưng chắc sẽ cần có cách thể hiện mới, phù hợp hơn với bối cảnh xã hội ngày nay.

- Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, theo ông, cần có những giải pháp gì để các quy định đi sâu vào đời sống hơn nữa?

- Thực tế, việc ban hành và thực hiện tương đối quyết liệt của Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong văn hóa ứng xử ở Thủ đô. Danh hiệu công dân Thủ đô Ưu tú, gương người tốt, việc tốt hay danh hiệu vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô đã có tác dụng nhân rộng điểm sáng, trong khi những ứng xử không phù hợp đã bị lên án, từ đó hình thành dư luận xã hội ủng hộ văn hóa ứng xử lành mạnh, phê phán các hành vi phản văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải chứng kiến những hành vi ứng xử không phù hợp trong cả gia đình, nhà trường, nơi công sở và ngoài xã hội; thói quen văn minh trong ứng xử văn hóa vẫn chưa thật sự bền vững; thậm chí có lúc, có nơi, có người còn thực hiện quy tắc ứng xử một cách đối phó. Điều đó cho thấy, từ việc ban hành văn bản tới thực hiện và biến nó trở thành thói quen của nhân dân là một con đường rất dài, khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực để đạt được thành công như chúng ta mong đợi.

Để làm được điều đó, theo tôi, chúng ta cần chú ý đến mấy vấn đề sau: Thứ nhất là tăng cường nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Việc xây dựng văn hóa ứng xử này không chỉ của Hà Nội, cho Hà Nội và vì Hà Nội, mà còn có ý nghĩa đối với cả nước. Việc xây dựng này không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn là cách chúng ta tri ân quá khứ và làm nền tảng cho xây dựng tương lai. Việc xây dựng này không chỉ là của mỗi cá nhân mà của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Trong một cách xem xét nhiều chiều và nhiều ý nghĩa như vậy, chúng ta mới có thể nhận thấy tầm quan trọng và từ đó có thêm quyết tâm trong việc xây dựng văn hóa ứng xử của Thủ đô. Chúng ta cũng cần có những bài học làm gương. Khi cán bộ, đảng viên làm gương, sẽ tạo tác động lan tỏa lớn đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử. Cùng với đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hình thành các không gian văn hóa - nghệ thuật, sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành môi trường thuận lợi cho việc phát triển nhân cách con người. Chính những môi trường văn hóa và các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có chất lượng cao này giúp con người hướng thiện, sáng tạo, góp phần xây dựng Thủ đô - thành phố sáng tạo trở thành đô thị đáng sống.

- Vậy nhưng, quá trình đô thị hóa quá nhanh chóng đang khiến cho Hà Nội ngày càng trở nên chật chội, và gần như không còn chỗ cho các không gian công cộng?

- Theo nghiên cứu của chúng tôi, đến nay có khoảng 190 không gian sáng tạo. Con số này tăng gấp hơn ba lần chỉ sau bốn năm. Những địa điểm như phố đi bộ Bờ Hồ, các phòng trưng bày nghệ thuật, triển lãm, bảo tàng, khu vui chơi... đã tạo ra sức sống mới cho Thủ đô. Các không gian sáng tạo, đặc biệt là các không gian sáng tạo nghệ thuật là một hướng giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, các không gian sáng tạo không chỉ khiến cho các văn nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo kết nối với nhau và kết nối với công chúng, điều quan trọng hơn, các không gian này thể hiện sự hấp dẫn của một đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo và yêu cái đẹp - những yếu tố quan trọng giúp xây dựng đạo đức cho mỗi con người và toàn xã hội.

- Việc xuất hiện một số trung tâm, không gian sáng tạo do các cá nhân, tổ chức khởi xướng và vận hành những năm gần đây là tín hiệu vui cho văn hóa và đô thị. Tuy nhiên, nhiều địa chỉ trong số này luôn trong tình trạng bấp bênh, chông chênh, tồn tại được nhờ vào nỗ lực hết mình của những người sáng lập mà thiếu đi những cơ chế hỗ trợ hiệu quả từ phía cộng đồng và cơ quan chức năng?

- Đó thật sự là điều mà chúng tôi băn khoăn đối với sự phát triển của các không gian sáng tạo ở các đô thị Việt Nam nói chung, trong đó có Hà Nội. Khó khăn đầu tiên đến từ cơ chế chính sách khi chúng ta chưa có một chính sách đủ mạnh để hỗ trợ cho việc phát triển các không gian sáng tạo. Các chính sách này liên quan đến các quy định về địa vị pháp lý, thuế hay những ưu đãi về thuê mặt bằng, đất đai. Các không gian này phần lớn được hình thành từ sáng kiến, ý tưởng của các cá nhân yêu nghệ thuật và mong muốn kết hợp ý tưởng sáng tạo và thử nghiệm kinh doanh, nhưng chỉ đam mê là không đủ để duy trì sự vận hành của các không gian này. Khi nỗi lo về tài chính khiến những đam mê nghệ thuật, sáng tạo không thể bù đắp được, sức sống của các không gian này sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, chúng ta cần có sự chung tay, góp sức của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc duy trì sự tồn tại của các không gian sáng tạo ở Thủ đô.

Đối với các nhà quản lý, đó có thể là những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các không gian sáng tạo trên cơ sở địa vị pháp lý, miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho thuê các mặt bằng. Hà Nội có rất nhiều các địa điểm tốt cho các không gian sáng tạo, từ các khu chung cư, nhà máy cũ đã/đang di dời ra khỏi nội đô, tới các vùng ven, khu bãi giữa sông Hồng. Nhiều khi đó cũng chỉ cần là sự quan tâm tham dự các sự kiện do các không gian sáng tạo tổ chức để động viên và lắng nghe nguyện vọng từ chính các không gian ấy. Đối với cộng đồng, đó là sự chia sẻ, cùng tham gia các sự kiện, nhờ đó, những thông điệp về sáng tạo, cái đẹp được chia sẻ rộng rãi cho toàn xã hội.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.