Bước tiến mới của vắc-xin “made in Việt Nam”

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được 11/12 loại vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sản xuất được vắc-xin phòng bệnh cho người.

Thử nghiệm lâm sàng thành công vắc-xin Sởi - Rubella là dấu mốc quan trọng đối với công nghệ sản xuất vắc-xin Việt Nam.
Thử nghiệm lâm sàng thành công vắc-xin Sởi - Rubella là dấu mốc quan trọng đối với công nghệ sản xuất vắc-xin Việt Nam.

Dấu mốc thành công

Hiện nước ta đã có bốn nhà máy sản xuất vắc-xin, sản xuất được 12 loại vắc-xin gồm: Vắc-xin lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy do Rota virus.

Với dịch bệnh trong nước, vắc-xin nội đã từng bước thực hiện sứ mệnh to lớn của mình là thanh toán được bệnh bại liệt - bệnh dịch từng là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ người Việt, vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh; khống chế được bệnh tả, bệnh viêm não Nhật Bản... Việt Nam còn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về NRA (hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin) công nhận đạt tiêu chuẩn về hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin theo tiêu chuẩn của WHO với kết quả rất xuất sắc, tất cả các chức năng đều đạt trên 90%, trong đó có ba chức năng đạt 100%, bình quân cả sáu chức năng NRA đạt 95%.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc đạt được NRA sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu vắc-xin của Việt Nam, chúng ta sẽ góp phần cung cấp vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và toàn cầu. Chưa kể, ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm Y tế, Bộ Y tế vừa cho biết, hiện Trung tâm đã thử nghiệm lâm sàng thành công vắc-xin phối hợp sởi - rubella. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong công nghệ sản xuất vắc-xin của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vắc-xin trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vắc-xin sởi - rubella… Dự kiến đến năm 2017, vắc-xin sởi - rubella do Việt Nam sản xuất sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, miễn phí cho trẻ.

Vẫn còn những khó khăn

Dù đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất vắc-xin song vẫn phải khẳng định Việt Nam mới chỉ chủ yếu sản xuất được các vắc-xin đơn lẻ. Một số vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” vẫn chưa thể thực hiện được do những khó khăn nhất định về công nghệ, vốn. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Vabiotech thừa nhận, dù có thành tích về xuất khẩu vắc-xin song việc xuất khẩu những sản phẩm vắc-xin trên mới chỉ dừng lại với quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được giá trị thương mại cao.

Còn ông Phạm Ngọc Đính, chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, do chưa sản xuất được vắc-xin tổng hợp nên thời gian vừa qua việc khan hiếm vắc-xin dịch vụ trở nên trầm trọng khiến số trẻ chưa được tiêm phòng đúng lịch chiếm tỷ lệ cao. Việc bùng phát dịch bạch hầu, ho gà thời điểm giữa năm 2015 đầu năm 2016 là hậu quả của việc các bậc cha mẹ chờ đợi vắc-xin dịch vụ, bỏ qua thời điểm vàng trong tiêm chủng của trẻ. “Tình trạng khan hiếm vắc-xin khiến nhiều người dân nghĩ tới việc mua vắc-xin “xách tay”, hoặc đưa con sang nước ngoài tiêm phòng. Cả hai biện pháp này đều tốn kém kinh phí, chưa kể việc tiêm vắc-xin “xách tay” lại tiềm ẩn nhiều rủi ro tới sức khỏe của trẻ”, ông Đính nói.

Ngoài ra, theo thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Việt Nam đang trải qua giai đoạn thu nhập trung bình, người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào vắc-xin được sản xuất trong nước. Một bộ phận còn có tâm lý, thói quen sính ngoại. Do vậy vắc-xin của Việt Nam tự sản xuất ra chủ yếu phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng, 100% miễn phí từ ngân sách Nhà nước.

Hướng tới tự chủ sản xuất

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thị trường vắc-xin toàn cầu có giá trị rất lớn, vì vậy trong định hướng nghiên cứu, sản xuất vắc-xin “made in Việt Nam”, cần phải chuyển các giá trị khoa học trong lĩnh vực vắc-xin “nội” thành hàng hóa có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bộ Y tế đề ra định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất bảy loại vắc-xin đáp ứng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia, thay thế vắc-xin nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, dạng vắc-xin đa giá (5 trong 1 và 6 trong 1) phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vắc-xin mới tại Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, việc nâng cao công nghệ để tự sản xuất được các loại vắc-xin hỗn hợp là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn sắp tới. “Vấn đề nghiên cứu ứng dụng công nghệ ở trình độ cao để có thể chủ động cung ứng từng loại vắc-xin đang là một thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần có giải pháp phù hợp. Bởi hiện khó khăn lớn nhất là sự phối hợp giữa các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Các đơn vị chưa có sự kết hợp để nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm chất lượng và an toàn nhất”, ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị.

Dự kiến trong khoảng thời gian 2017-2018, Việt Nam sẽ hoàn thành việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin 6 trong 1 và đến năm 2020, vắc-xin thương phẩm sẽ được sản xuất thành công và đưa vào sử dụng.