Xử lý rác thải

Bức xúc và nguy cấp lắm rồi!

Trước một số vụ việc người dân chặn xe chở rác vào bãi rác ở một số địa phương, PGS, TS Phùng Chí Sỹ (ảnh nhỏ) - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), trong cuộc trao đổi với chúng tôi, cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác và các nhà máy xử lý rác thải. Đây là hệ quả của sự bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch, về kỹ thuật, về tài chính và cả nhận thức của cộng đồng.

Rác thải ùn ứ trong nội thành Hà Nội khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: TOÀN VŨ
Rác thải ùn ứ trong nội thành Hà Nội khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: TOÀN VŨ

- Thưa ông, mỗi năm Việt Nam sản sinh 25,5 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó hơn 75% được xử lý bằng chôn lấp. Quỹ đất dành cho việc chôn lấp ở nhiều tỉnh, thành phố ngày càng hạn hẹp. Tại Hà Nội có tới 85 - 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Nhiều bãi rác như bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đang trong tình trạng quá tải. Như vậy chắc chắn sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về môi trường?

- Chúng tôi đã có dịp điều tra, khảo sát nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải (XLRT) tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam và có một nhận định chung là phần lớn các bãi chôn lấp, nhà máy XLRT đang trong tình trạng quá tải. Mùi hôi từ các bãi rác gây ô nhiễm cho khu vực lân cận. Một số bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn (từ một đến vài nghìn tấn/ngày) gây ô nhiễm cho cả khu vực rộng lớn với khoảng cách xa tới cả chục km. Nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp không được thu gom, xử lý triệt để, kịp thời đã gây ô nhiễm các nguồn nước mặt, thấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Đó là chưa kể vấn đề phát sinh ruồi nhặng, gây rất nhiều phiền phức cho sinh hoạt của người dân sống tại các khu vực lân cận các bãi chôn lấp.

Tại nhiều nhà máy xử lý rác đang tồn đọng hàng chục nghìn (thậm chí hàng trăm nghìn) tấn rác thải chưa xử lý, được chất đống tại các bãi hở, không có mái che, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, nước mưa chảy tràn, không có biện pháp xử lý mùi hôi. Đây đang là những nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bức xúc và nguy cấp lắm rồi! ảnh 1


- Nguyên nhân của tình trạng trên là gì, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác và các nhà máy xử lý rác thải, trong đó có vấn đề về mặt quản lý, quy hoạch, về kỹ thuật, về tài chính và nhận thức của cộng đồng.

Yếu về công nghệ được coi là một trong những nguyên nhân chính (nhưng chưa phải là nguyên nhân quan trọng nhất). Câu hỏi đặt ra là bên cạnh các bãi chôn lấp rác, các nhà máy XLRT quá tải, gây ô nhiễm môi trường, thì tại sao vẫn có một tỷ lệ nhất định các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh (thí dụ: Một số bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu …), có một tỷ lệ nhất định các nhà máy XLRT làm phân bón hữu cơ vi sinh (tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà máy đốt rác thải kết hợp phát điện (tại TP Cần Thơ) hoạt động hiệu quả, đạt các quy chuẩn môi trường? Điều này cũng đồng nghĩa với việc không phải tại Việt Nam không có công nghệ chôn lấp hay công nghệ xử lý rác phù hợp. Vấn đề đặt ra là phải lựa chọn được công nghệ thích hợp trong từng điều kiện cụ thể, phải đầu tư kinh phí để mua được thiết bị có chất lượng tốt, vận hành nhà máy XLRT đúng yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm thực tế cho thấy vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất mang tính quyết định hiện nay trong XLRT tại Việt Nam không phải kỹ thuật, mà là tài chính. Do đơn giá XLRT quá thấp, nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ cao, đồng thời cũng cản trở quá trình đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này.

- Hiện nay có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý chất thải rắn: Bộ Y tế quản lý về chất thải trong hoạt động y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp; Bộ Giao thông vận tải quản lý về chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa…; Bộ Xây dựng quản lý chất thải rắn từ hoạt động xây dựng, đồng thời còn được giao trách nhiệm trong công tác quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng… Như vậy có dẫn đến chồng chéo không?

- Trong thời gian qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải nguy hại, nhưng với các loại chất thải rắn khác, đang có sự tham gia quản lý của nhiều bộ, cơ quan liên quan, chưa thống nhất được cơ chế quản lý. Cho đến nay, chưa có các quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan khác trong việc quản lý chất thải rắn. Vì vậy, việc quản lý chất thải rắn thời gian qua đã có nhiều bất cập, chồng chéo, gây bức xúc tới cộng đồng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự như đang xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương khác.

- Vậy, theo ông, cần có giải pháp gì để cải thiện tình hình, giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn trong vấn đề XLRT đối với vệ sinh môi trường và đời sống xã hội?

- Trước tình hình quản lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, chồng chéo, trong phiên họp thường kỳ tháng 1 - 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (số 09/NQ-CP ngày 3-2-2019) giao Bộ TN-MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và XLRT trên địa bàn; Giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước.

Trong thực thi nhiệm vụ, Bộ TN-MT đã ban hành Kế hoạch triển khai bao gồm các nội dung chính như: Rà soát, trình ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về chất thải rắn theo hướng Bộ TN-MT là đầu mối, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trên phạm vi cả nước; Rà soát, kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước; Tổ chức hội nghị toàn quốc về chất thải rắn; Xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn tại Việt Nam; Xây dựng Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; Xây dựng Đề án về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về chất thải rắn.

Vấn đề XLRT, ô nhiễm môi trường bức xúc lắm rồi. Với các giải pháp nêu trên, hy vọng vấn đề quản lý chất thải rắn tại Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!