“Bông lúa” và “mùa vàng”

Trong những năm qua, tại các kỳ thi kỹ năng nghề trong nước và quốc tế, thí sinh của Việt Nam đạt giải khá cao và được đánh giá tốt. Song thực tế chất lượng dạy nghề cũng như năng suất lao động trong thực tế sản xuất lại cho thấy một khía cạnh khác đáng để suy nghĩ.

Hoạt động dạy nghề tại các cơ sở giáo dục được cho là chưa gắn kết chặt chẽ với thực tế.
Hoạt động dạy nghề tại các cơ sở giáo dục được cho là chưa gắn kết chặt chẽ với thực tế.

Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 vừa diễn ra với kết quả ở các hội đồng có 290 thí sinh đạt giải (tổng số 474 thí sinh dự thi), trong đó có 71 thí sinh đạt Huy chương vàng, 28 Huy chương bạc, 69 Huy chương đồng, 122 thí sinh đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc. Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LÐ-TB&XH), Trưởng Ban Tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, đánh giá: Số lượng thí sinh tham gia dự thi, thành tích có mặt bằng chung cao hơn so những kỳ thi lần trước. Các thí sinh dự thi đông ở những ngành nghề mũi nhọn và đang cần nhiều nhân lực, đây chính là sự chuẩn bị cho trước mắt và lâu dài.

Thí sinh được đánh giá cao ở các kỳ thi tay nghề, song lại có ý kiến điều đó không tương thích với thực tế hiện tại, là chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và năng suất lao động của người qua đào tạo nghề nhìn chung lại thấp. Phải chăng đã có chuyện “học tủ” của thí sinh? Trả lời câu hỏi này, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho biết: “Trong thi đấu thể thao, âm nhạc, học sinh giỏi… người ta cũng phải chọn những thí sinh tốt để ôn luyện. Bởi thế nhìn chung về chất lượng thí sinh đi thi kỹ năng nghề cao hơn so chất lượng học sinh, người lao động là đương nhiên. Vài trăm thí sinh đi thi có kỹ năng tốt, nhưng hàng vạn người khác thiếu kỹ năng thì chẳng làm tăng năng suất của một bộ phận nền sản xuất. Một bông lúa chín chẳng làm nên mùa vàng”.

 “Thêm nữa, năng suất lao động cao hay thấp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, là công nghệ, dây chuyền của doanh nghiệp (DN). Người có tay nghề cao mà dây chuyền không tốt hoặc cơ sở vật chất của DN kém thì cũng không cho năng suất cao. Thứ hai, phụ thuộc vào từng lĩnh vực sản xuất. Thí dụ: một công nhân trong DN công nghệ cao, sản xuất 10 phút thì được một chiếc ti-vi, lãi được 10 triệu đồng sẽ khác rất nhiều so với DN 10 phút mới may xong một chiếc áo và chỉ lãi 200 nghìn đồng…”, TS Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.

Ðể khuyến khích nhiều người học nghề hơn, TS Phạm Xuân Khánh cho rằng, chúng ta nên học tập nhiều nước trên thế giới có nhiều hình thức khuyến khích cả học viên và DN. Ngay như việc đi thi kỹ năng nghề, nhiều nước có hình thức tôn vinh thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi kỹ năng, tạo thành những trào lưu phấn đấu học nghề, nâng cao tay nghề.

Ðòi hỏi từ thực tế

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 7,3% của Xin-ga-po, 37% của Thái-lan, 19% của Ma-lai-xi-a, 44,8% của In-đô-nê-xi-a, 55,9% của Phi-li-pin. TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Ðào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung nguồn lực cho GDNN, đổi mới tư duy dạy nghề, kết hợp tốt hơn với DN trong đào tạo nghề. Ở Ðan Mạch cũng có đến 70% số DN vừa và nhỏ, nhưng họ vẫn làm được một điều là có Quỹ đào tạo nghề nghiệp, bất cứ đơn vị nào cũng phải đóng góp hằng năm cho Quỹ đó. DN nào tham gia đào tạo được cùng nhà trường thì không phải đóng góp”.

Ðồng quan điểm ấy, TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN cho rằng, có ba yếu tố khiến GDNN hiện nay chưa có cơ hội bứt phá để nằm trong tốp cao của ASEAN. Ðó là năng lực thực tế, kỹ năng của đội ngũ giáo viên chưa cao; năng lực kết hợp giữa nhà trường và DN thấp; DN vừa và nhỏ chưa nhận thức được vai trò trong việc cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo về nhân lực để thấy việc bắt tay với trường nghề là cần thiết.

Thực tế đang đặt ra đòi hỏi toàn bộ hệ thống GDNN phải thay đổi theo hướng tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng dạy nghề để từ đó cung cấp ra thị trường những lao động đáp ứng được đòi hỏi của công việc, nhất là lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LÐ-TB&XH, đến năm 2020 đã xây dựng và ban hành được 600 chuẩn đầu ra trình độ cao đẳng, trung cấp cho gần 300 ngành, nghề phổ biến, trọng điểm, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.