Bồi thường đúng và đủ cho người bị tai nạn lao động

Tai nạn lao động không chỉ cướp đi sinh mạng con người, mà còn khiến sức khỏe và kinh tế của các nạn nhân bị kiệt quệ, giảm sút. Hiện các cơ quan chức năng không chỉ nỗ lực thúc đẩy về an toàn vệ sinh lao động, mà còn hoàn thiện hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm thực hiện đầy đủ bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Hỗ trợ, thăm hỏi nạn nhân tai nạn lao động ở Đồng Nai.
Hỗ trợ, thăm hỏi nạn nhân tai nạn lao động ở Đồng Nai.

Nhiều vụ việc ám ảnh

Theo Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tình hình tai nạn lao động (TNLÐ) vẫn diễn ra thường xuyên với những vụ đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của nhiều người và  có chiều hướng tăng. Mỗi năm xảy ra hàng nghìn vụ khiến nhiều người chết.

Giữa tháng 5-2020, một vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng, làm sập đoạn tường nhà xưởng dài hơn 100 m, cao 12 m của Công ty AV Healthcare tại KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), đã cướp đi mạng sống của 10 người và làm 14 người bị thương. Không lâu sau, đầu tháng 6, TNLĐ xảy ra tại công trình khai thác mỏ đá tại tỉnh Điện Biên khiến ba người chết và mất tích. Được biết, cả ba nạn nhân này đều là người lao động của Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh, có trụ sở tại TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Những vụ việc thương tâm để lại nỗi đau cho thân nhân người chết, làm sức khỏe cũng như tâm lý của người gặp nạn bị ảnh hưởng, khó được chữa lành.

Các tỉnh xảy ra nhiều vụ việc là Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, trong năm tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Bình Dương đã xảy ra 277 vụ TNLĐ, trong đó: có 32 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 1% đến 4%, có 193 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 30%, có 41 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 92% và 11 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 13 người. 

Địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn làm nhiều người thiệt mạng. Theo Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm 2020, thành phố đã xảy ra 29 vụ làm chết 32 người, bị thương hai người. Riêng số vụ TNLĐ có người chết phát sinh trong tháng 5-2020 là 10 vụ, làm chết 13 người, bị thương hai người, ít hơn một vụ so cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân các vụ việc phần lớn đều do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không xây dựng các biện pháp an toàn, không cử người kiểm tra giám sát trong quá trình làm việc bảo đảm an toàn. Việc thực thi pháp luật còn kém như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy; không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có… Bên cạnh đó, ý thức của người lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc thương tâm. 

Cần chế tài đủ mạnh

Trước thực trạng trên, để chủ động phòng ngừa TNLĐ, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là đối với an toàn lao động trong thi công xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác này. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ TNLĐ. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động, TNLĐ; đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng…

Theo Công ty luật Minh Khuê, trong thời gian nhân công bị tai nạn phải điều trị, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả đủ tiền lương, tiền bồi thường hoặc tiền trợ cấp TNLĐ cho nạn nhân. Nếu không là vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng lao động. 

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo lần hai Thông tư quy định chi tiết về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện chi trả chi phí y tế, tiền lương, chế độ bồi thường, trợ cấp đối với người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Theo các chuyên gia về an toàn, vệ sinh lao động, để nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp đi vào thực chất, rất cần các cơ quan chức năng có chế tài cũng như kiểm soát, xác định được những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trong các vụ TNLĐ; thực hiện đầy đủ việc bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân trên tinh thần bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất cho người bị thiệt hại. Thực tế có trường hợp, người lao động bị tai nạn trong khi đang làm việc mà không do lỗi của chính họ gây ra nhưng nhiều chủ sử dụng lao động đùn đẩy trách nhiệm, trốn tránh việc bồi thường.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng An toàn lao động, số vụ TNLĐ đang tăng lên, đặc biệt trong khu vực như nông nghiệp, làng nghề… Thống kê năm 2019 cho thấy, khu vực không có quan hệ lao động có hơn 350 người chết. Năm 2020, để đạt được mục tiêu tiếp tục giảm tần suất TNLĐ từ 5-7%, Bộ LĐ-TBXH đã có nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, đổi mới hoạt động của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo hướng tăng cường đối thoại theo chuyên đề đối với doanh nghiệp… 

Tuy nhiên, do có đến hơn 60% số người lao động Việt Nam là phi chính thức, khả năng cập nhật quy định của pháp luật còn hạn chế, trong khi các hình thức tuyên truyền pháp luật đến người dân hiệu quả chưa cao, nên nhiều người lao động chịu thiệt thòi trong việc nhận bồi thường, trợ cấp khi xảy ra tai nạn.