Bình Dương xây dựng thương hiệu vùng chuyên canh

Bên dòng sông Bé và sông Đồng Nai, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đang nở rộ mô hình trồng cây có múi cho trái nghịch mùa giúp nông dân bội thu. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở huyện tăng nhanh tạo thành vùng chuyên canh. Nhằm nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực xây dựng thương hiệu nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi Bắc Tân Uyên phát triển ổn định.

Vườn cam hữu cơ của ông Trần Thành Có ở huyện Bắc Tân Uyên.
Vườn cam hữu cơ của ông Trần Thành Có ở huyện Bắc Tân Uyên.

Tăng nhanh diện tích

Trên những tuyến đường vào huyện Bắc Tân Uyên, đập vào mắt chúng tôi là những vườn bưởi, vườn cam, vườn quýt trĩu quả chạy dài tít tắp, vắt lên những triền đồi một mầu xanh tươi tốt. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại tổng hợp của mình ở xã Tân Định, ông Đoàn Minh Chiến chỉ tay vào vườn bưởi da xanh VietGAP rộng 15 ha, cho biết: Nhờ sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ nên chất lượng ngon, sản lượng cao, đạt 40 tấn/ha/năm nên doanh thu vườn bưởi ngót nghét cả chục tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lời hơn phân nửa. Ông Chiến chia sẻ, với kỹ thuật trồng an toàn phòng ngừa sâu bệnh theo phương pháp hữu cơ, ông không phun thuốc trực tiếp mà dùng đèn dụ côn trùng bên ngoài vườn cây rồi diệt. Cách này giúp ngăn ngừa hiệu quả các loại côn trùng, giúp trái bưởi bóng láng, để được thời gian lâu và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, khách hàng luôn tin tưởng và đặt hàng quanh năm, giúp tạo đầu ra ổn định cho vườn bưởi.

Nỗ lực sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, vườn cam xoàn 19 ha của ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức ở xã Hiếu Liêm, được công nhận đạt chuẩn hữu cơ và ký hợp đồng phân phối trên hệ thống cửa hàng hữu cơ toàn quốc vào năm 2018. Theo ông Trần Thành Có, hiện giá bán cam trồng theo phương thức hữu cơ cao gấp 2-3 lần so cam cùng loại trồng theo cách bình thường và giảm được 60% chi phí so cách làm cũ, quan trọng hơn là đất không bạc màu và cho ra sản phẩm sạch. Mỗi ha cam mang lại lợi nhuận 750 triệu đồng mỗi năm đã tạo động lực để ông Có và các thành viên HTX Nhân Đức chuyển đổi tất cả diện tích hơn 50 ha cam sang trồng theo phương pháp hữu cơ.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, cây bưởi đã được trồng từ lâu; còn cây cam, cây quýt chỉ mới phát triển hơn mười năm qua khi những nông dân từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa cây cam, cây quýt lên “vùng đất hứa”. Là người góp phần đưa cây cam từ đất Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp lên Bắc Tân Uyên, ông Lâm Thành Thương hiện có vườn cam thuộc diện lớn nhất tỉnh Bình Dương với hơn 120 ha cho lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Chia sẻ về cách trồng cho trái nghịch mùa, ông Thương cho biết: “Vùng đất này màu mỡ và thoáng khí, có cao độ tốt, dễ áp dụng phương pháp dùng tấm bạt ni-lông phủ lên những liếp cam, tạo khô hạn tạm thời, rồi tưới nước giúp cây ra hoa, kết trái nghịch mùa. Nhờ vậy, nông dân chủ động cho trái bất kỳ thời điểm nào trong năm nên bán được giá cao, không sợ được mùa mất giá. Đây cũng là bí quyết “ép nước” cho hiệu quả cao với cây cam, cây quýt giúp người trồng chủ động và kiểm soát được nguồn nước tưới, phân bón cho cây.

Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân huyện Bắc Tân Uyên phát triển vùng cây ăn trái có múi. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Hồ Trúc Thanh cho biết: Thông qua các dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây có múi theo hướng VietGAP, tỉnh hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi, hỗ trợ trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP, hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thâm canh, mở rộng quy mô sản xuất... Nhờ vậy, diện tích cây có múi của nông dân tại huyện Bắc Tân Uyên đã tăng nhanh, từ 671 ha vào năm 2013 lên hơn 2.232 ha như hiện nay.

Theo UBND huyện Bắc Tân Uyên, hiện cây ăn trái có múi như cam, bưởi da xanh, quýt và chanh dây không hạt là cây trồng chủ lực của huyện, và đã hình thành được những vùng tập trung chủ yếu tại các xã: Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định và Hiếu Liêm. Về hiệu quả kinh tế, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên lợi nhuận trên một ha đất trồng cây ăn trái có múi đạt khoảng 600 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm. Chuyển hướng phát triển cây có múi tại huyện còn giúp đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá, nhiều nông dân vươn lên làm giàu, tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động nông thôn tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người tại huyện cuối năm 2018 đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng thương hiệu nhằm phát triển bền vững

Để cây có múi phát triển căn cơ, Huyện ủy Bắc Tân Uyên đề ra Chương trình Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi ở những vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi; hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi gắn với bảo vệ môi trường, nâng giá trị cây ăn trái có múi canh tác đạt bình quân một tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên. Đến năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho địa phương. Mới đây, tháng 9-2019, Nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên tiếp tục được cấp chứng nhận. Với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, trái cây có múi Bắc Tân Uyên được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bình Dương xây dựng thương hiệu vùng chuyên canh ảnh 1

Thu hoạch trái cây có múi của nông dân huyện Bắc Tân Uyên.

Để cây có múi phát triển căn cơ trong thời gian tới, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên Nguyễn Văn Thuận, cho biết: Huyện tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây ăn trái có múi; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thương mại; tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đến nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ phát triển, chăm lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: Với kinh nghiệm của nông dân, với hỗ trợ của Nhà nước về kỹ thuật, nông dân tỉnh Bình Dương đã sản xuất cây có múi không còn thời vụ, giúp thu nhập tăng cao và có cuộc sống rất tốt. Tuy nhiên, để đầu ra cây có múi nói riêng và các loại cây trồng của nông dân phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khảo sát, đánh giá vùng đất nào thích hợp với cây gì, chi phí đầu tư ra sao để từ đó tính toán hiệu quả kinh tế mà khuyến cáo nông dân cân nhắc trước khi trồng.

Bên cạnh đó, nhận thức nếu phát triển tràn lan, không định hướng được thị trường thì sẽ khó tránh khỏi những rủi ro, thất bát. Vì vậy, tỉnh Bình Dương đã định hướng: Thứ nhất, định vị thương hiệu của cây có múi Bình Dương. Thứ hai, hướng dẫn cho nông dân phương pháp sản xuất an toàn. Thứ ba và quan trọng nhất, giúp người nông dân tiếp cận được thị trường chính ngạch. Để khai thác hiệu quả cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, cần xây dựng mô hình kết nối nông dân, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh vì họ có công nghệ sau xử lý, có công nghệ sau thu hoạch, có công nghệ đóng gói sản phẩm và có thị trường. Với định hướng này, thông qua việc tổ chức sự kiện Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) hồi cuối năm 2018, tỉnh đã giới thiệu một số đoàn doanh nghiệp đến vùng cây có múi Bắc Tân Uyên để nghiên cứu về sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ và quy mô sản xuất đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu… Từ sự định hướng đúng đắn, những vùng cây có múi của tỉnh sẽ phát triển bền vững hơn.