Bình đẳng cho lao động nữ

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách cũng như hướng tới hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Ðã xuất hiện những doanh nghiệp lựa chọn đưa bình đẳng giới vào trong lao động việc làm, như một trong những tiêu chí thể hiện trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia trên thế giới. Còn theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013 (MDG 2013), mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong ba mục tiêu thiên niên kỷ đã được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015.

Ðiểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật ở trong nước. Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng.

Đặt vấn đề bình đẳng giới trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ với thế giới, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch mạng lưới doanh nghiệp (DN) Việt Nam hỗ trợ quyền năng phụ nữ, cho rằng: Bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện liên quan tới xã hội, mà là câu chuyện của mỗi DN, vì nó liên quan tới giá trị thương hiệu và văn hóa DN.

Hiện tại các DN trong nước cũng như FDI luôn quan tâm tới đời sống của nhân viên bằng nhiều chế độ phúc lợi tốt để họ có điều kiện thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Samsung Việt Nam là một thí dụ khá điển hình. Với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm tới 70% và có số lượng khoảng bảy nghìn nhân viên mang bầu mỗi năm, Samsung Việt Nam luôn chú trọng đến môi trường làm việc, không gian nghỉ ngơi hợp lý và ưu ái nhất cho nhân viên mang bầu bằng việc thiết kế các ghế ngồi phù hợp để họ có thể thoải mái làm việc và thai nhi phát triển tốt. Tại đây, ngoài việc phục vụ nhu cầu vắt sữa, các nhân viên nữ mang bầu có thể ăn thêm, cũng như nghỉ ngơi trong thời gian làm việc.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói riêng và các mục tiêu phát triển bền vững khác nói chung sẽ giúp DN tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường vững chắc hơn, bởi chứng nhận “phát triển bền vững” tựa như “tấm giấy thông hành” giúp DN dễ dàng thâm nhập thị trường phát triển. Sử dụng lao động nữ và quan tâm đến lao động nữ không chỉ là trách nhiệm xã hội của DN mà còn là tiềm năng tăng trưởng, động lực và biện pháp để họ thâm nhập thị trường thế giới tốt hơn.

Nói về bình đẳng giới tại nơi làm việc, dưới góc độ quốc tế - bà France-Massin, đại diện ILO cho biết, lồng ghép các vấn đề về giới vào xúc tiến và tạo việc làm giúp nâng cao hiệu quả và tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững và giảm thiểu đói nghèo. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa bình đẳng giới trong lao động việc làm thành hiện thực.