Bắt đầu từ bầu tiêu, vịt biển…

Đợt mưa bão kỷ lục thử thách sức chịu đựng của người dân các tỉnh miền trung, cuối cùng, cũng đã chấm dứt. Vượt lên những đau thương, mất mát tàn khốc, người dân các vùng chịu thiên tai đang gắng gượng nỗ lực ổn định lại cuộc sống. Lúc này, rất cần sự chung tay của cả chính quyền và cộng đồng, để có thể giúp những người dân nơi đây bắt đầu một hành trình khôi phục lại sinh kế từ đống đổ nát.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị hướng dẫn nông dân chăm sóc vườn tiêu sau lũ. Ảnh: VIỆT TOÀN
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị hướng dẫn nông dân chăm sóc vườn tiêu sau lũ. Ảnh: VIỆT TOÀN

Những con số thiệt hại vẫn chưa dừng lại

Những ngày này, sau khi bão số 13 tan, mưa dứt, bà con nông dân trên toàn tỉnh Quảng Trị bắt đầu khẩn trương khôi phục sản xuất sau lũ, nhưng vì thiệt hại quá lớn nên nhiều người dân thật sự chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Vùng trồng hồ tiêu, loại cây lâu năm của xã Gio An, với 65 héc-ta tiêu hữu cơ liên kết với Công ty Oganis More xuất đi châu Âu có nguy cơ mất trắng. Theo thống kê ban đầu, đã có gần 500 gia đình ở xã Gio An có 18 nghìn cây tiêu đang cho thu hoạch bị chết do úng và diện tích hồ tiêu bị chết vẫn chưa dừng lại. 

Không chỉ ở xã Gio An, người trồng tiêu nhiều xã của vùng miền tây Gio Linh rất cần được hỗ trợ tiền để mua ươm giống kịp thời trồng dặm với tỷ lệ 3.200 bầu/héc-ta trên tổng diện tích hơn 100 héc-ta. Với cây hồ tiêu phải mất đến 5 năm mới tái lập được vườn, cây cho thu hoạch trở lại. Cùng với tiền mua giống, người dân rất cần các chế phẩm sinh học để phòng, ngừa bệnh và phục hồi sinh trưởng cho những vườn tiêu bị ảnh hưởng nhưng có khả năng cứu được. Các xã vùng đông của huyện Gio Linh tổ chức sản xuất vụ đông-xuân này trên diện tích 4.500 héc-ta lúa nên cần 360 tấn lúa giống (định mức 80 kg/héc-ta). “Hiện tại nông dân đang thiếu hụt 270 tấn lúa giống để gieo trồng đủ diện tích. Ngoài ra người dân rất cần hỗ trợ phân bón đạm u-rê với định mức 200 kg, lân su-pe 400 kg, ka-li 160 kg/héc-ta lúa với tổng diện tích trên”, ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh cho biết.

Tạo sinh kế bền vững

Nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm khắc phục thiệt hại thời gian qua, UBND huyện Hải Lăng đã chủ động triển khai sản xuất, trong đó tập trung tổ chức rà soát nguồn giống còn lại trong dân sau lũ, diện tích trồng lúa và rau màu vụ đông-xuân, trên cơ sở đó để xác định lượng giống cần thiết nhằm tổ chức tái sản xuất bảo đảm kế hoạch. Vận động nhân dân khẩn trương khôi phục diện tích đồng cỏ bị thiệt hại do mưa lụt; tăng cường trồng mới diện tích cỏ để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc trong mùa giá rét. Trên cơ sở xác định nhu cầu cần thiết của người dân, UBND huyện Hải Lăng đã đề nghị tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 450 tấn giống lúa, 10 tấn giống ngô, ba tấn giống rau đậu các loại; 200 nghìn con gia cầm; 2,5 triệu con cá giống và 600 kg giống cá bố mẹ để khôi phục chăn nuôi và thủy sản. “Ngoài chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, huyện Hải Lăng còn hỗ trợ giống lúa sản xuất cho nông dân với mức 400 nghìn đồng/héc-ta theo phương thức bằng tiền mặt thông qua UBND xã, thị trấn…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện - ông Dương Viết Hải cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất ở Quảng Trị lúc này là kịp thời tổ chức sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021. Hiện đã qua giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp, tỉnh Quảng Trị chuyển sang các biện pháp hỗ trợ phục hồi, tái thiết. Vì vậy, các sở, ngành đã phối hợp các huyện, thị; chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm kê thiệt hại chi tiết từ cơ sở hạ tầng đến tất cả các lĩnh vực chuyên ngành để có kế hoạch tái thiết phù hợp. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh trước mắt cần khẩn trương tổ chức triển khai ngay sản xuất vụ đông muộn năm 2020. Để thúc đẩy sản xuất, tỉnh cũng đã đề nghị các bộ, ngành trung ương trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trước mắt cho ngành nông nghiệp Quảng Trị các hạng mục khẩn cấp gồm: cây trồng, con nuôi để kịp thời khôi phục sản xuất. Cụ thể, hỗ trợ 100% các  nội dung, hạng mục cấp thiết để khôi phục sản xuất sau bão lũ, gồm 1.000 tấn giống lúa, 60 tấn giống ngô, 12 tấn giống rau; một triệu giống gia cầm nuôi thịt…

Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, trên cơ sở sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh sẽ kịp thời hỗ trợ giống cây trồng lúa, ngô, rau đậu; các giống cây ăn quả các loại, các giống gia súc, gia cầm để người dân sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm sinh kế; bảo đảm nguồn cung trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp đến. Cùng đó, cần chú trọng bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế sau thiên tai. Tập trung hỗ trợ cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp để sản xuất ngô vụ đông muộn, rau các loại, lúa và lạc đông xuân. Với những vùng đất cao, không ngập úng cần nhanh chóng triển khai làm đất, mở rộng tối đa diện tích sản xuất ngô, rau đậu các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, tạo thu nhập giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đối với vùng cát ven biển cần tập trung sản xuất lạc, nén (hành tăm), rau màu các loại... Đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ các giống thủy cầm nuôi thịt như vịt Super meat, vịt biển cho người dân, phù hợp để phục vụ tái sản xuất, bảo đảm từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có nguồn thực phẩm cung ứng cho thị trường, vừa tạo sinh kế cho người chăn nuôi sau thiệt hại do bão lũ.

Thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Quảng Trị có gần bốn nghìn héc-ta lúa, hoa màu; 250 héc- ta cây trồng lâu năm; 1.100 héc-ta cây trồng hằng năm; 650 héc-ta cây ăn quả tập trung bị hư hỏng. Có đến gần 700 tấn giống lúa và hơn 50 nghìn tấn lương thực bị trôi, ướt, ẩm; hơn 1.600 héc-ta ruộng bị đất cát vùi lấp; hàng trăm nghìn con trâu, bò, dê, lợn, gia cầm chết; 25 công trình thủy lợi sạt lở; gần một nghìn mét đê điều, 110 mét kè, hơn 68 nghìn mét kênh mương và 17 nghìn mét bờ sông sạt lở.