Bất cập quy hoạch vùng dân cư

LTS: Liên quan đến việc ổn định đời sống cho người dân các vùng dễ tổn thương do thiên tai, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai ở các bộ, ngành và địa phương vẫn còn những hạn chế khiến các mục tiêu đặt ra khó được bảo đảm. Thực tế thiệt hại lớn do bão lũ ở miền trung những ngày qua có một phần do việc quy hoạch dân cư chưa tính đến các yếu tố về sạt lở đất, biến đổi khí hậu (BÐKH)… Báo Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc tiếp xúc với các nhà quản lý, chuyên gia để làm rõ vấn đề trên

Sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Sơn
Sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Sơn

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Bố trí dân cư còn chưa sát yêu cầu thực tế

Thực hiện Quyết định số 1176/QÐ-TTg ngày 21-11-2012 Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2020, cả nước đã phê duyệt được 707 dự án, trong đó hoàn thành 411 dự án, đang triển khai 221 dự án, còn lại chưa có vốn đầu tư hoặc dự kiến sẽ mở mới. Tổng số hộ đã được sắp xếp ổn định là 105.352 hộ, đạt 65,85% so mục tiêu đề ra (160.000 hộ). Riêng việc bố trí dân cư ở vùng thiên tai, đã sắp xếp ổn định cho 70.912 hộ, đạt 77,67% so mục tiêu của chương trình (91.300 hộ). Trên thực tế, đời sống của các hộ dân vẫn còn rất khó khăn.

Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn này, tổng nhu cầu bố trí ổn định chỗ ở cho 335.191 hộ dân, riêng với vùng ảnh hưởng và dễ ảnh hưởng bởi thiên tai là 220.266 hộ dân. Song, mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021 - 2025 bố trí ổn định cho 90.033 hộ, trong đó 60.192 hộ vùng thiên tai, 8.416 hộ vùng đặc biệt khó khăn. Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 là gần 14.000 tỷ đồng. Về quy hoạch cần xây dựng kế hoạch ưu tiên, nơi có nguy cơ cao về thiên tai phải được bố trí trước. Ðể đạt mục tiêu đề ra, chương trình cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và cả người dân.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng):

Sẽ khảo sát thực tế miền trung để hỗ trợ nhà ở

Ðể hỗ trợ người dân dễ gặp rủi ro bởi thiên tai, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2014/QÐ-TTg (QÐ 48), ngày 28-8-2014, về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung, áp dụng trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên… Mức hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 16 triệu đồng/hộ đối với những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn; 12 triệu đồng/hộ đối với những hộ đối tượng còn lại.

Theo đó, cũng yêu cầu làm nhà ở phải nâng tầng làm sàn phòng, tránh bão, lụt, phải bảo đảm có sàn vượt lũ cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích sàn sử dụng tối thiểu 10 m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thiết kế tối thiểu ba mẫu nhà ở phòng, tránh bão, lụt điển hình, phù hợp phong tục, tập quán của từng địa phương.

Tính đến tháng 9-2020, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ 19.244/21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt (đạt 89,1%), với tổng số vốn đã giải ngân 661,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 249,6 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 192 tỷ đồng và các nguồn vốn khác. Ðã có 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ theo QÐ 48.

Trước tình hình liên tiếp xảy ra các trận mưa, lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền trung, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các địa phương khảo sát tình hình thực hiện các Chương trình hỗ trợ nhà ở để có kế hoạch thực hiện hỗ trợ hiệu quả.

PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam:

Cần rà soát kịch bản biến đổi khí hậu

BÐKH đang có những diễn biến bất thường và khó lường, vì vậy cần có sự rà soát lại các kịch bản của BÐKH, qua đó dự báo các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để có các giải pháp thích ứng. Theo đó, hoàn thành hoặc rà soát/bổ sung các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 tại các vùng miền núi có nguy cơ trượt lở. Ðối với các khu vực trọng điểm, dân cư sinh sống tập trung, có nguy cơ trượt lở cao, xây dựng bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/25.000, 1/10.000, trên cơ sở đó tiếp tục lập bản đồ tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 cho các khu vực ưu tiên, để làm cơ sở cho việc quy hoạch và lựa chọn địa điểm xây dựng lại khu dân cư. Ban hành các thiết kế mẫu công trình có khả năng chống chịu hoặc vượt lũ. Các địa phương cần khẩn trương xác định các vùng đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm, khu vực bình thường; xác định các hộ phải di chuyển ngay, di chuyển khẩn cấp, di chuyển theo từng giai đoạn đến các khu vực đã được quy hoạch xây dựng.