Bảo vệ thành trì y tế, không để Covid-19 xâm nhập

Việc liên tục xuất hiện ca nghi mắc Covid-19 khi đến khám tại một số bệnh viện, hay nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 là lời cảnh báo nghiêm khắc về việc cần có những giải pháp cấp bách để bảo vệ các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch bệnh. Bài học mang tính phản tỉnh từ sự “vỡ trận” y tế của Ấn Độ, còn nguyên sự nhức nhối.

Nhân viên y tế vận chuyển hàng hóa, thiết bị trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi có quyết định cách ly y tế. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhân viên y tế vận chuyển hàng hóa, thiết bị trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi có quyết định cách ly y tế. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nguy cơ khó lường từ phía bệnh viện
 
 TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cơ sở y tế tuyến đầu, điều trị bệnh nhân Covid-19 xác nhận: Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được Sở Y tế Hà Nội báo cáo trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội ngày 4-5, là bác sĩ của bệnh viện tại cơ sở 2. Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, bệnh viện tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú tại cả hai cơ sở của bệnh viện ở Phương Mai và Đông Anh (Hà Nội) từ ngày 5-5. Ông Thạch cũng yêu cầu các khoa: Khám bệnh, Khám bệnh theo yêu cầu, Khoa Nhi phối hợp phòng Công tác xã hội thông báo và có biển báo để người bệnh tái khám chuyển đến cơ sở y tế thích hợp. Cũng từ ngày 5-5, toàn bộ học viên, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế cách ly tại bệnh viện, tăng cường phòng, chống nhiễm khuẩn để kiểm soát lây chéo. Bệnh viện tiến hành lấy mẫu toàn thể nhân viên, các ca dương tính phát hiện được chuyển lên khu điều trị.
 
 Trước đó, 41 nhân viên của Bệnh viện Phụ sản Trung ương là F2 của bệnh nhân 2929, người mắc Covid-19 tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo ông Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngay sau đó các trường hợp F2 đều đã được xác định, yêu cầu cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe theo quy định. Bệnh viện vẫn tiếp nhận cấp cứu, khám, chữa bệnh như bình thường. “Tuy nhiên, để phòng, chống dịch, bệnh viện yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trong quá trình làm việc, vì có thể có F0, F1 ở chung quanh chúng ta, sẽ rất nguy hiểm cho cán bộ và nhân viên y tế”, ông Cường nói.
 
 Còn tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, lực lượng chức năng đã khẩn trương truy vết, khoanh vùng liên quan đến một ca nghi mắc Covid-19 được phát hiện khi đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Đó là nam thanh niên 28 tuổi, ngụ tại TP Hội An (Quảng Nam), nhân viên bán vé khu vực spa tại một khách sạn ở Đà Nẵng.
 
 Với TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến nhiều cơ sở y tế liên tục tiếp nhận người từ vùng dịch Covid-19 đến khám bệnh, dẫn đến áp lực rất lớn đối với các nhân viên y tế, Sở Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện tiếp tục duy trì nghiêm yêu cầu khai báo y tế điện tử cho tất cả bệnh nhân, thân nhân và khách ra vào. Đặc biệt, các cơ sở y tế cần tăng cường giám sát sự tương đồng giữa kết quả khai báo y tế điện tử và số lượt phân luồng, khám sàng lọc tại mỗi bệnh viện. Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện củng cố và duy trì nguồn nhân lực thường trực tại các buồng khám sàng lọc và buồng cấp cứu sàng lọc. Điều này nhằm bảo đảm kịp thời phát hiện và cách ly người bệnh nghi ngờ theo đúng quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.
 
 Thắt chặt quy định phòng dịch tại cơ sở y tế
 
 Việt Nam hiện đã ghi nhận một số chủng SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh ở Anh, Nam Phi, Ấn Độ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các địa phương phải quyết liệt hơn nữa để truy vết nhanh nhất tất cả các F0, F1, F2. Phòng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên quan một số bệnh viện, như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện C Đà Nẵng…, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh theo các văn bản, chỉ thị, chỉ đạo, Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã ban hành. Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ. Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào bên trong bệnh viện. Rà soát các khoa có người bệnh có nguy cơ cao, như hồi sức tích cực, khoa điều trị người cao tuổi, chạy thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp... Kiểm soát chặt người vào - ra, không để hoặc hạn chế tối đa việc người nhà đến chăm sóc bệnh nhân.
 
 Siết chặt quy trình phòng dịch, nhiều bệnh viện đã khởi động lại toàn bộ quy trình chống dịch, đưa ra phương án, kịch bản ứng phó từng tình huống cụ thể. Đồng thời, bệnh viện tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đối với các nhóm có nguy cơ, củng cố lại hoạt động của hai đội phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh nghi ngờ. Như tại Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang yêu cầu các đơn vị trong toàn viện, tua trực cấp cứu tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ tại các cổng siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly người nghi nhiễm Covid-19 theo các hướng dẫn của bệnh viện. Bác sĩ, tua trực tăng cường sàng lọc, cấp cứu người bệnh theo “Quy trình khám và xử trí người bệnh cấp cứu ngoại khoa nghi nhiễm Covid-19”. Cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, khách tới làm việc... phải thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K…
 
 Nhấn mạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt các cơ sở y tế sẽ dẫn tới thành công trong phòng, chống dịch, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: Điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ “vỡ trận” như Ấn Độ là bảo vệ thành trì y tế, không để Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt, vì bệnh viện là nơi có rất nhiều bệnh nhân bấp bênh sinh tử. “Thành lũy cuối cùng của chúng ta là cơ sở y tế. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra. Nhìn lại bài học nước Ấn, do dân số đông quá, không kịp và không đủ để tiêm vắc-xin, cùng với không tuân thủ giãn cách xã hội vì lễ hội và tập tục, hệ thống y tế bị vỡ trận. Điều tôi muốn nhấn mạnh: Chìa khóa thoát ra khỏi đại dịch, bên cạnh chiến lược y tế, vẫn phải là vắc-xin phòng bệnh. Hy vọng trong tương lai khi chúng ta tiêm chủng được cho đại bộ phận người dân, Việt Nam dần mở cửa, sẽ bước sang giai đoạn hậu Covid-19”, Bác sĩ Hiếu tin tưởng.
 
 Cùng với các chiến thuật phòng, chống dịch đúng đắn, kịp thời đang được triển khai, và vắc-xin công bằng, thì việc bảo vệ nghiêm ngặt, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào các cơ sở y tế sẽ là vũ khí để Việt Nam bảo vệ thành công thành trì chống dịch.

Theo Quyết định số 2244/QĐ-BCĐQG ngày 5-5-2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) đã thực hiện áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19, từ 8 giờ ngày 5-5 đến 8 giờ ngày 19-5. Trong thời gian cách ly y tế, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị ca bệnh mới dương tính với SARS-CoV-2. Tại thời điểm ngày 5-5, Bệnh viện có 827 người. Trong đó, có 307 bệnh nhân; 363 bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên nhà ăn, bảo vệ; 9 học viên và 148 người nhà bệnh nhân. Bệnh viện đã lấy mẫu được toàn bộ số người trên.
 
 Theo Bộ Y tế, tới 18 giờ ngày 5-5, có 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có một nhân viên y tế, chín bệnh nhân điều trị bệnh khác trong viện và bốn người nhà bệnh nhân.