Bảo vệ tê tê trước bờ vực tuyệt chủng

Nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, trong đó có tê tê đã và đang diễn ra nhức nhối trên thế giới và cả ở Việt Nam. Mỗi năm, riêng tại Việt Nam có hàng nghìn cá thể tê tê bị săn bắt, khiến loài động vật quý hiếm này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, chúng ta cần sớm có nhiều biện pháp cấp thiết, từ việc tăng cường thực thi các quy định của luật pháp cho tới nâng cao ý thức của người dân để bảo vệ loài động vật này.

Tê tê là một trong những loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất thế giới.
Tê tê là một trong những loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất thế giới.

Vấn đề nóng ở môi trường thực và ảo

Tê tê đang là loài động vật được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta hiện vẫn có nhiều khu chợ tự phát mua bán các loài ĐVHD, trong đó có tê tê. Chẳng hạn tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, nhiều loài quý hiếm, từ chim, cò, cầy hương đến cả tê tê đều được bày bán công khai. Trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Ở trên nhiều trang mạng, tê tê cũng được coi là món hàng “xa xỉ”, được rao bán khá công khai. Trong những lời chào hàng, quảng cáo, thịt tê tê được coi là đặc sản dành cho người có tiền và giới sành điệu. Từ những nhu cầu sai trái và phi khoa học này, tình trạng săn bắt và buôn bán, tiêu thụ trái phép đã khiến quần thể các loài tê tê bị tận diệt.

Với nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi năm đã có hàng chục đối tượng liên quan mua bán, săn bắt tê tê bị bắt giữ, xử lý. Trong đó có những đường dây mua bán xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Điển hình, tháng 1-2020, Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã tiến hành xét xử vụ án mua bán 215 cá thể tê tê chuyển từ Lào về Việt Nam, với tổng mức án lên tới 21 năm tù, phạt tiền lên tới 300 triệu đồng đối với các đối tượng cầm đầu. 

Theo báo cáo gần đây của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), tê tê là động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên toàn thế giới. Gần 900.000 cá thể tê tê được cho là bị buôn bán trái phép tại Đông - Nam Á trong suốt hai thập niên qua. Theo thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam có 1.504 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD. Cũng theo thống kê đó, từ năm 2003 đến năm 2019, có 5.853 cá thể tê tê và 35,15 tấn vảy tê tê bị thu giữ tại Việt Nam. 

Cần nhiều chế tài mạnh

Theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ ĐVHD có thể bị phạt tiền lên tới 400 triệu đồng. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định cá nhân có hành vi vi phạm về ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc phạt tiền đến 5 tỷ đồng. Pháp nhân vi phạm tương tự có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lý các vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD còn nhiều khó khăn do phần lớn các vụ buôn bán này đều do đối tượng vận chuyển thuê thực hiện và không xác định được chủ lô hàng, gây khó khăn cho việc bắt giữ và xử phạt với các đối tượng cầm đầu. Điều đó cho thấy, cần có các quy định pháp lý chặt chẽ hơn và huy động sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ tê tê khỏi bờ vực tuyệt chủng.

Ngày 17-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp, yêu cầu cán bộ nhà nước, người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cũng đã trình Chính phủ dự thảo “Kế hoạch hành động bảo tồn tê tê ở Việt Nam đến năm 2030” với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các tổ chức bảo tồn trong nước. Theo kế hoạch đó, nhiều hoạt động bảo tồn các loài tê tê tại Việt Nam sẽ được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.