Bảo tàng và “cuộc chiến” giành công chúng

Thời đại đầy ắp thông tin và ngồn ngộn những món ăn tinh thần đa dạng đang đặt ra trước mắt các bảo tàng Việt Nam một sự lựa chọn khó khăn: Hoặc đổi mới, hoặc sẽ trở thành những thiết chế “chết” trong lòng công chúng. Đó là những cảnh báo không hề xa vời mà các chuyên gia trong lĩnh vực này đã sớm đưa ra.

Một hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Một hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đa dạng hóa hoạt động

Không gian sân vườn Bảo tàng Hồ Chí Minh một ngày cuối tháng chín trở nên rộn rã, sôi động với hàng trăm học sinh trên địa bàn thủ đô đến tham gia chương trình tham quan, giáo dục trải nghiệm thực tế do bảo tàng tổ chức. Đây là một hướng đi mới được Bảo tàng Hồ Chí Minh thử nghiệm trong chiến lược quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho mình. Quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thúy Đức cho hay: Với mong muốn thu hút khách tham quan, biến họ trở thành những người bạn đồng hành thân thiết, những năm qua bảo tàng đã không dừng lại ở các trưng bày tĩnh mà tích cực chuyển mình với việc mở rộng các mối liên kết, đổi mới cả về nội dung, hình thức cũng như phương thức, dịch vụ phục vụ khách tham quan. Trong ba năm qua, hoạt động marketing của bảo tàng được đẩy mạnh, không gian khám phá trải nghiệm trong bảo tàng thường xuyên được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá các giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của du khách một cách sinh động, chân thực nhất.

Nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một trong những địa chỉ hiếm hoi với nhiều hình thức hoạt động sống động, gần gũi với du khách trong nước và quốc tế. “Trình diễn rối nước dân gian, nghề thủ công truyền thống, trình diễn văn nghệ dân gian, trải nghiệm trò chơi dân gian các vùng miền…Việc đa dạng hóa các hoạt động đã phát huy được thế mạnh của bảo tàng trong việc khai thác sự phong phú của nhiều loại hình di sản, qua đó giúp công chúng có thêm cơ hội khám phá, trải nghiệm, tăng thêm sự hứng thú của công chúng đối với các giá trị văn hóa của nhiều vùng miền, địa phương, tộc người...”, PGS, TS Võ Quang Trọng, Giám đốc bảo tàng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhận định: Đa dạng hóa các hoạt động còn tạo điểm nhấn thú vị trong hoạt động của bảo tàng, tăng sức hấp dẫn, khắc phục sự tĩnh lặng, đơn điệu và buồn tẻ, làm cho bảo tàng sống động hơn, cuốn hút hơn. Hướng đi này đồng thời cũng được xem là chiến lược xây dựng, quảng bá hình ảnh của mỗi bảo tàng đối với công chúng.

Cần những công cụ tốt

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân vì sao lâu nay các bảo tàng Việt Nam chưa đứng được ở vị trí đúng của mình: “Ngành di sản văn hóa - bảo tàng Việt Nam chưa được đặt vào trong một cơ chế “thị trường” cùng các thiết chế giáo dục, vui chơi, giải trí khác. Khái niệm “thị trường” có thể chưa quen với mọi người khi nhận thức về vị trí của bảo tàng - di sản. Song, hiển nhiên là trong cơ chế thị trường, bảo tàng và các cơ quan, tổ chức giáo dục và giải trí khác sẽ phải cạnh tranh nhau qua việc “bán” hoặc giới thiệu “hàng hóa” của mình đến với công chúng...”.

Nhìn ở góc độ này, bảo tàng đang đứng trước những khó khăn không nhỏ trong cuộc cạnh tranh, từ việc cho ra đời, đa dạng hóa hay mở rộng các thiết chế văn hóa khác. Cũng theo TS Hoàng Anh Tuấn, lâu nay, marketing trong lĩnh vực di sản văn hóa nói chung hay trong các bảo tàng là khía cạnh rất ít được đề cập đến tại Việt Nam. Bởi cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng di sản, bảo tàng không cần đến sự quảng bá, “hữu xạ tự nhiên hương” hoặc “thánh đường của tri thức”, nơi mà ai cũng phải ghé đến... Quan niệm sai lầm này đang khiến cho nhiều bảo tàng rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách; là nguyên nhân của việc thường xuyên ra đời những trưng bày khô khan, thiếu sức sống. Giáo sư Jean- Pierre Baeyens, Giám đốc Trung tâm Artketing đến từ Đại học Solvay (Bỉ) từng đưa ra nhận định: “Marketing là một trong những nghề lâu đời nhất trên thế giới và mục đích bất di bất dịch của nó là tìm kiếm và giữ chân khách hàng. Trong lĩnh vực di sản cũng vậy, những người làm marketing văn hóa cũng cần phải chọn công chúng, hiểu người ta chờ đợi gì và làm hài lòng họ...”.

Và nếu chiếu theo nhận định này, hệ thống các bảo tàng của Việt Nam chưa có nhiều địa chỉ “hiểu” được công chúng mong muốn điều gì. TS Mã Thanh Cao một người lâu năm gắn bó với các hoạt động của bảo tàng cho rằng: Mỗi bảo tàng đều có sản phẩm riêng của mình và việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng là một trong những mục tiêu của hoạt động tiếp thị. “Bảo tàng phải tìm đến với công chúng. Một trong những vấn đề sống còn của một bảo tàng là phải thu hút được nhiều công chúng đến tham quan, học tập, nghiên cứu và thưởng ngoạn. Trong thời đại bùng nổ thông tin với sự phong phú, đa dạng của các loại hình nghệ thuật giải trí như hiện nay, trong “cuộc chiến giành công chúng”, mỗi bảo tàng cần phải có nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động của mình...”, TS Mã Thanh Cao phân tích.

Rũ bỏ khô khan, cứng nhắc và những trưng bày thiếu sức sống, vắng linh hồn... là mục tiêu quan trọng hàng đầu của hệ thống bảo tàng trong bối cảnh hiện đại ngày nay. Một trong những giải pháp được đưa ra từ giới chuyên môn chính là đẩy mạnh vai trò của hoạt động marketing. “Ai sở hữu công cụ này tốt tức là sở hữu tài sản vô hình, vô giá, sở hữu khả năng hiệu quả vật chất và phi vật chất, sở hữu sức mạnh và sự sáng tạo...”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Cường khẳng định.