Bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến xe

Ngoài việc ưu tiên tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển xe buýt, nhằm thu hút hành khách, thì công tác bảo đảm an toàn cho người dân trên mỗi chuyến xe, bảo đảm chất lượng giao thông công cộng ở Thủ đô là vấn đề cần được cơ quan chức năng quan tâm.

Bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến xe

Mối nguy từ sự thiếu ý thức

Đón, trả khách đúng nơi quy định, đợi hành khách lên hoặc xuống xe ổn định mới tiếp tục lộ trình... đó là những nguyên tắc cơ bản đối với đội ngũ lái xe, phụ xe khi phục vụ hành khách trên xe buýt. Thế nhưng không phải lúc nào những điều ấy cũng được thực hiện đầy đủ. Bởi áp lực phải về bến đúng giờ, cũng như lượng khách đi xe buýt quá đông, nhiều khi đội ngũ lái phóng nhanh, phanh gấp, phụ xe thì không kịp bao quát tình hình của hành khách, khiến hành khách chưa kịp ổn định chỗ ngồi lái xe đã tiếp tục khởi hành. 

Chị Nguyễn Thu Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhớ lại những lần đầu đi xe buýt: “Mình vừa mới lên xe, do lạ lẫm nên chưa biết phải đứng đâu, xe đã đi rồi, may mà kịp vịn vào ghế nên không bị ngã!”. Ngay cả với những khách hàng lâu năm của tuyến xe 02 như cô Hoàng Thị Hoa (Ba Vì, Hà Nội) cũng phải ngán ngẩm trước các pha phanh gấp của lái xe buýt. 

Trong khi đó, với chính hành khách đi xe buýt, nguyên tắc “Lên bằng cửa trước, xuống bằng cửa sau”, cũng hiếm khi được mọi người nhớ và thực hiện. Tình trạng người lên chen vào lối của người đi xuống, đứng gần để tiện lên hoặc xuống cửa đó, xô đẩy… không chỉ gây cản trở cho hành khách đi xe, mà những hành động thiếu ý thức này trong nhiều trường hợp lại là nguyên nhân gây nên những tai nạn không đáng có, làm xấu đi hình ảnh phương tiện công cộng bằng xe buýt. Còn đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô-tô…), xe buýt đã và đang là mối đe dọa, phải nhanh chóng tránh, ép xe vào lề đường khi thấy xe buýt phía sau. 

Nâng cao an toàn giao thông

Nhận thấy thực trạng trên, với vai trò là đơn vị cung cấp dịch vụ, Tổng công ty (TCT) Vận tải Hà Nội (Transerco) trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia năm nay đã có kế hoạch, sẽ tổ chức Hội thi lái xe giỏi năm 2020 và tổng kết, trao giải thưởng cho các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích trong đợt thi đua, trao giải cho các lái xe đoạt giải và Giải Vô lăng vàng cho các lái xe có thành tích “Giữ gìn xe tốt - Lái xe an toàn năm 2019 - 2020”. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, đặc biệt là đội ngũ lái xe về ý thức chấp hành Luật ATGT và quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời, công ty triển khai cơ chế gắn kỷ luật lao động, chất lượng dịch vụ với thu nhập, thưởng phạt hằng tháng đối với lái xe. 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy lùi tai nạn giao thông thông qua việc ngăn chặn các hành vi gây tai nạn bắt nguồn từ bia, rượu. Trên tinh thần đó, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, Transerco đã trang bị cho các đơn vị hoạt động và lực lượng kiểm tra, giám sát của Tổng công ty máy đo nồng độ cồn cầm tay để bảo đảm đội ngũ lái xe, phụ xe luôn tỉnh táo trước, và trong mỗi ca làm việc. Đối với xí nghiệp xe buýt nhanh BRT, Tổng công ty cũng đã hợp tác với Tập đoàn Michinori của Nhật Bản để triển khai thí điểm việc lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn.  

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), đã bắt đầu thí điểm việc xử phạt vi phạm ATGT theo thông tin do người dân cung cấp trên trang Facebook của Công an TP Hà Nội, trong đó không ngoại lệ đối với xe buýt. 

Như vậy, với sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp vận tải trong việc ngăn ngừa, kiểm tra việc sử dụng chất gây nghiện, rượu, bia nhằm bảo đảm sức khỏe tài xế, song hành cùng sự giám sát của chính người tham gia giao thông, sẽ giúp xe buýt trở thành phương tiện giao thông an toàn, góp phần vào hạnh phúc và bình an của mỗi hành khách. Tổng công ty Vận tải Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn lái xe trước giờ làm việc.