Bảo đảm an ninh, an toàn trường học - cách nào?

Liên tiếp các vụ việc bạo lực xảy ra trong môi trường học đường thời gian gần đây đã cho thấy một sự “khủng hoảng” có tính hệ thống, có nguyên nhân sâu xa - mà toàn ngành giáo dục trước hết phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này. Đó cũng là nội dung mà các đại biểu tham gia Hội nghị trực tuyến “Bảo đảm an ninh, an toàn trường học - phòng, chống bạo lực học đường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 17-4 tập trung bàn thảo.

Nhiều chương trình hành động mới chỉ… trên giấy

Ngay từ quy mô tổ chức Hội nghị trực tuyến lần này đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Không chỉ dừng lại ở 63 điểm cầu tại Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố mà tại mỗi địa phương đã cố gắng mở rộng đến điểm cầu cấp phòng GD-ĐT - nhằm mục đích lan tỏa và thống nhất các giải pháp, thông điệp hành động trong toàn hệ thống giáo dục.

Phân tích nguyên nhân gia tăng tình trạng bạo lực học đường, không ít chuyên gia cho rằng nhiều chương trình hành động mới chỉ trên giấy, chưa bám sát đòi hỏi thực tế, kém hiệu quả trong thực thi; có tài liệu, văn bản hướng dẫn nhưng nhiều cơ sở giáo dục không áp dụng hay thực hiện, chỉ dạy vài giờ cho có, cho qua về giáo dục pháp luật, ý thức về phòng, chống bạo lực học đường cho giáo viên, học sinh hay ngay cả Ban giám hiệu nhà trường còn yếu.

Đặt vấn đề rộng hơn, đưa ra những số liệu thuyết phục, PGS, TS tâm lý học Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Ông đưa ra con số thống kê do UNESCO cung cấp gần đây, hằng năm có tới 246 triệu trẻ em và người vị thành niên trên toàn thế giới là nạn nhân của bạo lực học đường. Trong đó, Việt Nam có khoảng 22% số trẻ từ 13 đến 15 tuổi tham gia các cuộc ẩu đả, con số này ở nhiều nước là 30-40%.

Cũng theo PGS,TS Trần Thành Nam, từ kinh nghiệm thế giới, cần đưa ra một quy trình hành động phòng, chống bạo lực học đường áp dụng một cách nhất quán và liên tục, kết hợp phòng ngừa và can thiệp, phối hợp các chương trình xã hội, nhà trường, nhóm nhỏ và cá nhân. Huy động được các nguồn lực hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các chương trình thực hiện ở nhà trường không chỉ dừng ở các chương trình phòng ngừa bạo lực học đường mà còn từ những chương trình hòa giải xung đột xây dựng bầu không khí hợp tác; loại bỏ các nguy cơ dẫn đến bạo lực trong môi trường sinh thái - xã hội của học sinh. Nâng cao lòng tự trọng và tư duy phản biện; thực hành và vận dụng các kỹ năng quản lý hành vi tích cực và kỷ luật…

Lấp “lỗ hổng” bằng hành động

Đề xuất các giải pháp kỹ thuật, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm có cơ chế, chính sách đào tạo, tuyển dụng, phân bổ nhân viên chuyên trách công tác xã hội, hay chuyên gia tư vấn tâm lý trong nhà trường. Đồng thời, nhà trường cần có những biện pháp hữu hiệu gắn kết với gia đình, các bậc cha mẹ, các tổ chức đoàn thể - xã hội nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành một số Thông tư, Chỉ thị - như Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 28-5) quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, với mục đích điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục. Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Hay, Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, gửi tới các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên...

Những chỉ đạo tổng quát là cần thiết, song kinh nghiệm cho thấy, quá trình thực thi những chỉ đạo ấy mới là quan trọng, quyết định hiệu quả trên thực tiễn. Phải đâu căn nguyên gia tăng bạo lực học đường đến giờ mới được mổ xẻ; phải đâu những giải pháp cấp bách đến giờ mới được đưa ra! Không ít chuyên gia, nhà giáo dục, từ lâu đã cảnh báo, môi trường học đường của chúng ta đang có “lỗ hổng” trong tư vấn tâm lý. Các thầy, cô giáo không chỉ truyền dạy tri thức mà còn cần phải là người bạn đồng hành với các em. Và, quan trọng không kém, chính những bậc cha mẹ, những người lớn, những người có trách nhiệm cần làm tốt vai trò nêu gương cho các em học tập.