Bản đồ số “made in Vietnam”

Từ trước đến nay, khi cần tra cứu địa chỉ chúng ta thường sẽ nghĩ ngay tới Google Maps. Nhưng kể từ ngày 1-10-2019, người Việt đã có thêm một sự lựa chọn hoàn toàn mới: Vmap - Bản đồ số Việt Nam. Đây cũng là “đứa con” được thai nghén từ Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” do Chính phủ phê duyệt vào năm 2017.

Đội khảo sát đi thực tế thu thập dữ liệu dân cư.
Đội khảo sát đi thực tế thu thập dữ liệu dân cư.

Ba tháng - 120.000 người - 63 tỉnh, thành phố

Manh nha từ một cuộc họp hồi tháng 9-2018, chính thức đến đầu tháng 10, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) với ưu điểm là hệ thống mạng chi nhánh rộng khắp cả nước, được phân công đảm nhận là đơn vị chủ trì Dự án Bản đồ số Việt Nam - Vmap. Tất nhiên VNPost không đơn độc trên con đường thực hiện Dự án, đồng hành cùng họ là: Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường (FIMO) - Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và các bộ, ngành liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Giai đoạn đầu công việc chủ yếu được triển khai thành hai hướng: thu thập dữ liệu địa chỉ và xây dựng nền tảng kỹ thuật. VNPost là đầu mối chính. Huy động lực lượng bưu tá, nhân viên văn phòng tại các chi nhánh Bưu điện trên khắp cả nước, kết hợp cùng đoàn viên địa phương tới từng nhà, từng địa chỉ để chụp ảnh và nhập số liệu vào phần mềm của Tổng công ty. Nguồn lực con người được huy động đã phải lên tới con số 120.000 thành viên.

Ban đầu, Đề án chưa được phổ biến rộng rãi đến từng hộ dân nên có không ít tình huống trớ trêu xảy ra với lực lượng đi thực tế. Ông Nguyễn Công Nghi - bưu tá tại chi nhánh tỉnh Hà Nam, không khỏi bật cười khi kể lại màn bị chủ nhà lùa cả chó ra đuổi. “Chắc họ nghĩ mình có ý đồ gì xấu nên cứ đứng trước nhà mà chụp ảnh rồi bấm điện thoại. Đây cũng là kỷ niệm vui khi mình về hưu”, ông Nghi nói. Thậm chí có nơi công an địa phương đã tới can thiệp do nhận được trình báo của người dân về một nhóm người “rình mò” ngoài cửa nhà họ. Sau mọi người rút kinh nghiệm, khi đi thực địa lực lượng VNPost mặc đồng phục, còn đoàn viên mặc áo xanh tình nguyện và liên hệ với các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng làng, trưởng bản để hỗ trợ thực hiện.

Đến khi hoàn thành công tác thu thập dữ liệu cũng vừa hay hết tháng 3 năm nay. Vỏn vẹn ba tháng, dựa vào sự phối hợp chặt chẽ từ các tỉnh, thành phố, hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ đã được thu thập và cập nhật trên nền tảng.

Công việc tại địa bàn vất vả là thế, nhưng những người quản trị tại văn phòng Tổng công ty cũng chẳng an nhàn hơn là bao. Anh Nguyễn Đình Hòa - Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Ban Kỹ thuật - Công nghệ, khi nhớ lại thời điểm mới tiến hành Dự án chia sẻ: “Hồi mới đầu có những ngày tám, chín giờ tối tắt máy tính chuẩn bị về rồi, lại nhận được điện thoại từ các tỉnh thế là lại bấm bụng nhịn đói mở máy ra làm tiếp. Chưa kể trong thời gian xây dựng Dự án, dự kiến thời điểm ra mắt là ngày 1-1-2019, mọi bộ phận đều gấp rút triển khai. Cuối cùng do lượng công việc quá nhiều, nên đã quyết định “chậm mà chắc” nên thời điểm chính thức đã được lùi lại đúng chín tháng”.

Bản đồ số Việt Nam - Vmap chính thức được ra mắt người dùng, đại diện cho sự phát triển trí tuệ Việt Nam trong thời đại Cách mạng 4.0.

Không chỉ là công cụ dẫn đường

Chắc chắn nếu chỉ xét trên khía cạnh khái niệm “bản đồ số”, Vmap còn rất xa mới có thể cạnh tranh với “ông lớn” Google Maps. Anh Hòa thẳng thắn thừa nhận: “Họ đã hình thành từ nhiều năm cộng thêm nền tảng kỹ thuật hiện đại, nên chúng ta khó mà cạnh tranh. Do đó, Vmap tập trung vào các yếu tố địa phương, lấy đó làm thế mạnh riêng”.

Trước tiên là hệ thống thanh công cụ cung cấp nhóm dữ liệu đặc thù. Như đã nói ở trên, VNPost có phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bổ sung địa chỉ, nên khi người dùng mở ứng dụng, Vmap sẽ định vị vị trí của người dùng, sau đó người dùng chỉ cần lựa chọn nội dung địa điểm mong muốn, bao gồm: cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở lưu trú, bưu điện. Hệ thống sẽ ngay lập tức cung cấp địa điểm tương ứng gần nhất. Về điểm này, chị Nguyễn Thị Thanh Mây - thành viên nhóm triển khai dự án tại VNPost tự hào chia sẻ: “Ứng dụng này sẽ phát huy tốt nhất khi người dùng phát sinh, hoặc trông thấy những sự cố trên đường, lúc đó Vmap sẽ cung cấp địa chỉ hỗ trợ một cách nhanh nhất!”.

Một ứng dụng khác biệt nữa khiến Vmap trở nên ưu việt hơn đó là đóng vai trò nền tảng dữ liệu cho iNHANDAO - Bản đồ Nhân đạo Việt Nam. Đây là một Dự án khác nữa nằm trong khuôn khổ Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Với mục tiêu “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, iNHANDAO cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác về các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, các trung tâm bảo trợ trên khắp cả nước. Từ đó, công tác thiện nguyện công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.

Bản đồ số “made in Vietnam” ảnh 1

Giao diện thân thiện của trang inhandao.

Thách thức để Vmap luôn “sống”

Bên cạnh những ưu điểm, tất nhiên Vmap vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà một ứng dụng “trẻ” phải đối mặt. Chắc chắn trong quá trình thu thập dữ liệu sẽ xuất hiện những sai số, hoặc sau một thời gian địa chỉ được ghim sẽ có thay đổi. Với vấn đề ấy, VNPost đã có những phương án cải thiện cụ thể. Một mặt các bưu tá trong quá trình đi giao hàng sẽ chú ý, cập nhật về Tổng công ty sự thay đổi, mặt khác chính người dùng khi sử dụng Vmap cũng sẽ là một lực lượng bổ sung thông tin thông qua phầm mềm. Phương thức để người dùng có thể thông báo thông tin sai lệch đến VNPost nhanh nhất chính là nội dung công việc được triển khai ngay sau khi ra mắt bản đồ của đội ngũ kỹ thuật viên triển khai Dự án.

“Thực tế tại các vùng sâu, vùng xa của nước ta, tình trạng cả chục hộ trong làng chung một số nhà là chuyện thường gặp, hay là mỗi quả đồi một gia đình cũng vậy. Nên cần thời gian để nhóm kỹ thuật “là mịn” các hạt sạn trên Vmap!”, anh Hòa chia sẻ thêm về các sai số trong dữ liệu mà VNPost đang cố gắng giảm bớt.

Vmap không phải là bản đồ số đầu tiên của người Việt và làm sao để “nuôi” nó luôn “sống” là thách thức. Dẫu vậy, dữ liệu bản đồ của người Việt, do người Việt chung tay xây dựng, phục vụ lợi ích cho người Việt theo phương thức hoàn toàn phi lợi nhuận, hướng tới mục tiêu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, xứng đáng để chúng ta mong chờ và ủng hộ!