Ðẩy nhanh tiến độ vắc-xin Covid-19 "made in Vietnam"

Những mũi vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên vừa được tiêm hồi đầu tuần cho nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương…, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được xem là lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 100 triệu mũi trong năm 2021.

Tiêm vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương). (Nguồn: Bộ Y tế)
Tiêm vắc-xin Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương). (Nguồn: Bộ Y tế)

Các chuyên gia đánh giá, có vắc-xin nhập khẩu là đặc biệt quan trọng, nhưng để hình thành giải pháp bền vững ứng phó các biến chủng của SARS-CoV-2, thì việc thúc đẩy nhanh sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 trong nước cần được ưu tiên hàng đầu.

Gian nan bảo quản vắc-xin nhập khẩu

Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, Chương trình TCMR quốc gia đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng hai ngày đầu vắc-xin Covid-19 AstraZeneca. Tuyệt đại đa số là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo, như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn… Chương trình TCMR đánh giá, thực tế triển khai tiêm chủng trong hai ngày đầu diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép.

Vắc-xin Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm này do AstraZeneca sản xuất, đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia. Theo các dữ liệu đến tháng 2-2021, vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VNVC, đơn vị nhập khẩu vắc-xin này cho biết, với sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế, VNVC đã thỏa thuận phân phối vắc-xin từ AstraZeneca về Việt Nam. Qua nhiều vòng thẩm định về kho lạnh, tiêu chuẩn của hệ thống tiêm chủng vắc-xin cũng như nguồn lực tài chính, đối tác mới chấp nhận để VNVC phân phối vắc-xin về Việt Nam. Trước khi lô 117.600 liều vắc-xin Covid-19 chuẩn bị về Việt Nam, công tác chuẩn bị tập huấn cho hệ thống tiêm chủng, rà soát hệ thống bảo quản... được tiến hành ráo riết. Ngoài dây chuyền bảo quản, vận chuyển lạnh âm sâu, VNVC còn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể triển khai tiêm chủng số lượng lớn vắc-xin Covid-19 phục vụ hàng triệu người dân. "Phương án phục vụ ba ca, thậm chí 24/7 tại tất cả các trung tâm trên toàn hệ thống đã được chuẩn bị để phục vụ người dân được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sớm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế", ông Ngô Chí Dũng chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết, hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm chất lượng vắc-xin và sự an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Chính vì vậy, nhiều loại vắc-xin (như Hãng Pfizer-BioNTech, Moderna) cần bảo quản, vận chuyển với nhiệt độ âm 80 độ C đến âm 20 độ C, khiến cho kế hoạch triển khai tiêm chủng không chỉ với nước ta mà nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn, vì thiếu thiết bị bảo quản, vận chuyển chuyên dụng. Ðược biết, một nguồn vắc-xin nhập khẩu khác mà Việt Nam hiện đang đàm phán là vắc-xin của Pfizer, theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc-xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ hơn 90%, có khả năng sẽ cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vắc-xin này có yêu cầu bảo quản khoảng âm 75 độ C và tiêm ngay sau khi rã đông, nên Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục đàm phán, huy động xã hội hóa đơn vị có hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh, bảo đảm nguồn tài chính. "Mặc dù được đánh giá là loại vắc-xin ngừa Covid-19 tiên tiến nhất thế giới, điều kiện bảo quản và vận chuyển phức tạp khiến Pfizer mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác đến từ Anh, Trung Quốc hay Nga", một chuyên gia thông tin.

Với lý do này, Bộ Y tế nước ta đang tổng rà soát nhân lực, thiết bị và tập huấn toàn tuyến về quản lý, tổ chức tiêm chủng, để tối ưu các điều kiện cho triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến từ quý II tới. Ngành y tế sẽ huy động tổng lực tham gia, bảo đảm tối đa tiêm an toàn. Bộ Y tế cho biết, vắc-xin nhập khẩu tới các tuyến sẽ do cán bộ chuyên trách tiêm chủng đã được đào tạo thực hiện. Trong kế hoạch này, Bộ Y tế cũng đã khảo sát hệ thống kho lạnh hiện có và khẳng định hệ thống này có thể bảo quản cùng lúc ba triệu liều ở nhiệt độ âm sâu (âm 70 độ C), 1,8 triệu liều ở nhiệt độ âm 25 đến âm 15 độ C và sẵn sàng bảo quản hàng chục triệu liều ở nhiệt độ 2-8 độ C (hầu hết vắc-xin cần bảo quản ở nhiệt độ này).

Vắc-xin nội mới là kế lâu dài

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nếu đủ vắc-xin Covid-19 cho mọi người dân có chỉ định tiêm chủng, Việt Nam cần 150 triệu liều (mỗi người tiêm hai mũi tiêm). Hiện nay, khi nhu cầu vắc-xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc-xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế. Chưa kể, những thông tin ban đầu cho thấy các vắc-xin ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải một đợt, hay một năm là xong. Do biến chủng vi-rút nhiều, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin chỉ trong thời gian nhất định, cho nên việc chủ động nguồn vắc-xin, nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, coi đây là vấn đề an ninh, sức khỏe là rất cần thiết.

Về việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước, theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), ngày 15-3-2021 bắt đầu giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 "made in Vietnam" Covivac. Vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) nghiên cứu phát triển, có công nghệ sản xuất tương tự như một số vắc-xin Covid-19 đã lưu hành trên thế giới. Công nghệ này cũng đã được dùng để sản xuất vắc-xin cúm tại Việt Nam. Trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai vắc-xin Nano Covax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An). Quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax được bắt đầu từ tháng 12-2020, trải qua ba đợt tiêm thử nghiệm trên người, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12-2021.

Bên cạnh đó, vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người. Ðơn vị thử nghiệm là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (NIHE) và Trường đại học Y Hà Nội. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC cho biết, đề cương nghiên cứu lâm sàng hai giai đoạn của vắc-xin Covivac đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận. Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Ðộ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, kháng thể vắc-xin Covivac chống được biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Viện dự kiến hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vào tháng 10-2021. Vắc-xin Covivac có công suất 6 triệu liều/năm, nhưng có thể nâng lên 30 triệu liều/năm. Theo tính toán, mỗi liều vắc-xin Covivac khi ra thị trường có giá không quá 60.000 đồng.

Về tiến độ, theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, các loại vắc-xin này có thể bảo đảm nhu cầu tiêm ngừa của Việt Nam trong những năm tới. Do nhu cầu tiêm ngừa, các nhà nghiên cứu đang đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vắc-xin Nano Covax, có thể tháng 4 tới sẽ hoàn tất giai đoạn hai, theo hướng khám sàng lọc đến đâu là tiêm đến đó, làm sao đủ 560 người tham gia giai đoạn hai và sau đó sẽ đánh giá, triển khai ngay luôn giai đoạn ba. Cũng theo ông Quang, vắc-xin Việt Nam sản xuất cũng bằng các công nghệ mới không thua kém vắc-xin ngoại nhập khẩu, hy vọng sẽ sớm ra mắt để người Việt Nam chủ động được vắc-xin tiêm ngừa.

Bên cạnh việc huy động toàn bộ xã hội tham gia cung ứng vắc-xin, tăng độ bao phủ tiêm theo hình thức xã hội hóa, tin rằng, với nỗ lực đẩy nhanh sản xuất vắc-xin, Việt Nam có thể bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

NAM KHÁNH - DƯƠNG LÊ

Ðẩy nhanh tiến độ vắc-xin Covid-19
 

Theo tin từ Chương trình TCMR quốc gia, trong tháng 3 và 4 này, Việt Nam sẽ nhận được gần 4,2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Cụ thể, ngày 25-3 Việt Nam sẽ tiếp nhận 1.373.800 liều vắc-xin và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận hơn 2,8 triệu liều vắc-xin (tất cả của AstraZeneca). Cũng trong tháng 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua VNVC.