Ðẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên thuộc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Ðông (Hà Nội) vừa đưa vào chạy thử để căn chỉnh kỹ thuật các hạng mục và sẽ vận hành thử nghiệm toàn tuyến vào cuối tháng 8-2018. Dự kiến sau 3-6 tháng vận hành sẽ đưa dự án vào khai thác vận tải thương mại chính thức.

Bảo đảm an toàn, đúng tiến độ

Ngày 9-8, một đoàn tàu của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Ðông (ÐSCL-HÐ) đã được Tổng thầu - Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cho chạy thử toàn tuyến, từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa (Hà Ðông) và ngược lại.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Bộ Giao thông vận tải - GTVT), hoạt động chạy thử tàu nằm trong kế hoạch thi công của Tổng thầu, nhằm căn chỉnh đơn động, liên động hệ thống thiết bị chuyên ngành, phương tiện bảo đảm chính xác, tuyệt đối an toàn chạy tàu cho người và phương tiện. Ðây cũng là khâu chuẩn bị để đưa dự án vào vận hành thử toàn tuyến cuối tháng 8.

Cũng theo Ban QLDA, hiện nay toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt hơn 96% (chưa gồm hạng mục thiết bị). Theo đó, còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành. Về kế hoạch vận hành chạy thử, Ban cũng đã chỉ đạo Tổng thầu thực hiện căn chỉnh, chạy thử an toàn cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh. Theo kế hoạch, sau 3 - 6 tháng vận hành thử nghiệm, dự án sẽ chính thức khai thác thương mại.

Ðể chuẩn bị vận hành tuyến ÐSCL-HÐ, Công ty TNHH MTV Ðường sắt Hà Nội đã tuyển dụng 681 lao động Việt Nam (trong đó 201 người được đưa đi học ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam). Trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Ðường sắt Hà Nội, được biết công ty đã trình phương án giá vé cao hơn giá vé lượt xe buýt khoảng 35-37%; vé tháng cao hơn vé tháng xe buýt 10-15%. Vé sẽ được kết hợp liên thông, sử dụng cho các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt thường, xe buýt nhanh. Như vậy, với giá vé lượt xe buýt hiện hành là 7.000 đồng thì vé tàu điện trên cao dự kiến khoảng 10.000 đồng. "Giá vé hiện chưa được UBND thành phố Hà Nội quyết định, song sẽ không quá cao, theo hướng cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, giúp giảm ùn tắc giao thông", đại diện công ty khẳng định.

Kết nối các ga bằng nhiều tuyến xe buýt

Hiện nay, dọc hành lang ÐSCL-HÐ trên trục quốc lộ 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang điều chỉnh các tuyến buýt trùng lộ trình trên tuyến đường sắt để bảo đảm xe buýt gom khách và giải tỏa tại các nhà ga. Ðặc biệt khi tuyến ÐSCL-HÐ đưa vào sử dụng thì các tuyến xe buýt trùng sẽ được giảm và điều chỉnh để gom khách cho tuyến đường sắt với phương châm toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố, tạo thuận lợi cho hành khách đi lại.

Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết: Cách đây hai năm, thành phố đã chỉ đạo tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với tuyến ÐSCL-HÐ. Ðây là bước thay đổi lớn của giao thông công cộng thành phố, nhằm đáp ứng tốt các tiêu chí phát triển hệ thống vận tải công cộng nhanh, đúng giờ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, để bảo đảm đúng tiêu chí phát triển, trước hết cần có một số phương án như kết nối với vận tải công cộng xe buýt, gom khách và giải tỏa khách cho các nhà ga. Thứ hai, cần tiếp cận các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ô-tô bằng cách có điểm đỗ xe, gửi xe để đi đường sắt. Thứ ba, tiếp cận với người đi bộ... nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân Thủ đô.