Áp lực vì... “chuẩn”

Sau hơn một tháng, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập, được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, đã vấp nhiều phản ứng từ phía giáo viên (GV), đối tượng thụ hưởng chính sách.

Nhiều giáo viên hệ THCS đang lo lắng sẽ bị tụt hạng vì thiếu chứng chỉ, hoặc chưa đáp ứng các điều kiện gia tăng.
Nhiều giáo viên hệ THCS đang lo lắng sẽ bị tụt hạng vì thiếu chứng chỉ, hoặc chưa đáp ứng các điều kiện gia tăng.

Nguy cơ làm giảm động lực phấn đấu!

Bên cạnh Thông tư số 03, liên quan đến chứng chỉ CDNN, bổ nhiệm, xếp hạng GV còn có các Thông tư số 01, 02, 04 của Bộ GD&ĐT được công bố mới đây. Theo ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), Luật Viên chức cũng như các nghị định (từ Nghị định 29 trước đây cho đến Nghị định 115 mới được sửa đổi năm 2020) đều quy định, đối với mỗi CDNN viên chức phải có tiêu chuẩn CDNN. Theo đó, đã quy định trách nhiệm của Bộ Nội vụ cũng như các bộ chuyên ngành trong việc xây dựng tiêu chuẩn CDNN đối với đội ngũ viên chức thuộc phạm vi quản lý. Như thế, đối với đội ngũ GV, việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn CDNN đối với từng cấp phổ thông thuộc trách nhiệm chính của Bộ GD&ĐT.  

Về cơ bản, nhiều ý kiến đồng tình với những quy định chung về CDNN GV theo các hạng I, II và III, cũng như quy định chứng chỉ CDNN được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng CDNN. Tiêu chuẩn căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm và thể hiện năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm. Cũng như, một số nội dung còn yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác tối thiểu, đạt chuẩn hạng nhất định trở lên thì mới được giữ các vị trí công tác lãnh đạo quản lý (tổ trưởng bộ môn, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng,…).  

Tuy nhiên, điều khiến nhiều giáo viên và các chuyên gia băn khoăn lại chính là việc, liệu các tiêu chuẩn đó có làm phát sinh thêm những chứng chỉ bồi dưỡng? Trên thực tế, việc yêu cầu GV phải có thêm chứng chỉ khác ngoài tấm bằng chuyên môn (đã được các cơ sở đào tạo cấp) là đã gây thêm “áp lực” cho GV, ảnh hưởng đến sự tập trung cho công việc. Không những thế, từ gánh nặng này, đã và đang nảy sinh các hình thức bồi dưỡng mang tính đối phó với quá nhiều loại chứng chỉ, nội dung trùng lắp, gây bức xúc trong đội ngũ GV thời gian gần đây. 

Trở lại với Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT với những quy định mới, đành rằng tới đây, ngành giáo dục các cấp sẽ có hướng dẫn cụ thể; song, ở nhiều nội dung đã khiến GV không khỏi băn khoăn. Chẳng hạn, quy định GV THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo GV, hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn giảng dạy, hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên… Nếu cứ chiểu theo những yêu cầu còn nặng tính giấy tờ, bằng cấp này mà thiếu đánh giá tác động thực tế, thì Thông tư số 03 sẽ khó tạo được hiệu quả trong thực tiễn, chưa nói có thể còn phát sinh thêm tiêu cực. Có vị chuyên gia giáo dục đã cảnh báo: Chuẩn đâu chưa thấy, nhưng nhãn tiền của việc đòi hỏi thêm chứng chỉ như một loại “giấy phép con” này chỉ khiến GV thêm áp lực, đổ xô đi học chứng chỉ CDNN. Tốn kém thêm thời gian và tiền bạc, trong khi có những nội dung bồi dưỡng lại chưa thật cần thiết, chất lượng khó bảo đảm. Không ít thầy cô đã có nhiều thời gian gắn bó với nghề, nay ngậm ngùi, “mình dạy vẫn tốt, nhưng có khi chỉ vì thiếu chứng chỉ mà bị tụt hạng”. 

Bài học trong xây dựng chính sách

Mới đây, kiến nghị của một nhóm các thầy cô giáo ở Yên Bái đã gây chú ý. Theo đó, những thầy cô này hiện giữ chức danh GV THPT hạng II (mã số: V.07.05.14) từ năm 2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bổ nhiệm. Trước đó, họ đã dự thi nâng ngạch GV Trung học Cao cấp từ năm 2011 tại Hội đồng thi Thái Nguyên và được công nhận kết quả thi theo Quyết định số 3214/QĐ-BGDĐT ngày 23-8-2012 của Bộ GD&ĐT. Năm 2018, các GV đã đi học và hoàn thành chương trình Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN cho giáo viên hạng I tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Đến nay, căn cứ Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12-3, họ vẫn sẽ phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hạng II.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện là GV THPT hạng II, đã có chứng chỉ CDNN hạng I, và đủ điều kiện dự thi thăng hạng của Bộ tổ chức thì không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hạng II, vì để được dự thi hạng I thì đương nhiên phải làm tốt các nhiệm vụ của hạng II… 

Không còn là cá biệt, những bất cập được nêu ở Yên Bái đang diễn ra tại nhiều địa phương khác. Tình trạng chung là, dù đã có chứng chỉ CDNN hạng I, và đủ điều kiện dự thi thăng hạng, nhưng vẫn không được xếp thi bởi theo Thông tư mới ban hành, họ phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hạng II theo “chuẩn mới”. Quy định này có phần làm khó cho GV, làm phức tạp thêm vấn đề, chưa kể có thể tạo tiền đề cho việc mở các lớp học mang tính đối phó. Hệ quả, có thể thấy chất lượng dạy và học sẽ bị ảnh hưởng.

Đề cập vấn đề này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - ông Đặng Văn Bình, cho biết: Việc ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là nhằm triển khai thực hiện Luật Viên chức và cập nhật các yêu cầu mới của Luật Giáo dục 2019, Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị, trên cơ sở nghiên cứu kỹ nội dung quy định tại các Thông tư và các văn bản liên quan, Sở GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND tỉnh để phối hợp với Sở Nội vụ và UBND huyện/thành phố xây dựng phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ GV.

Sự hồi đáp của Bộ GD&ĐT vẫn chưa khiến đội ngũ GV nói riêng và công luận nói chung cảm thấy thỏa đáng. Những bất cập từ quá trình xây dựng chính sách và thực thi đang cho thấy, “yêu cầu bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ giáo viên” khó được bảo đảm.

Thực tế cho thấy, “chuẩn” đầu tiên và quan trọng nhất để một GV có thể đứng trên bục giảng đã có các cơ sở đào tạo sư phạm bảo đảm. Đành rằng, các Thông tư của ngành giáo dục mới ban hành lần này nhằm “chuẩn hóa” CDNN cho GV, buộc mỗi GV phải không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho GV cũng cần xuất phát từ thực tiễn. Vấn đề đặt ra là, trước khi ban hành hay thay đổi một chính sách mới, cần rà soát kỹ tất cả những yêu cầu về điều kiện bắt buộc của từng loại CDNN, kể cả nội dung, chương trình bồi dưỡng xem có xuất phát từ đúng yêu cầu tiêu chuẩn, đòi hỏi của từng vị trí việc làm hay không để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội. Thêm nữa, trước những thay đổi chính sách cần có sự truyền thông, giải thích thấu đáo, và đủ sức thuyết phục.