An toàn cho vùng dễ tổn thương


Thiên tai trong những năm gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường, vượt xa những dự tính của con người. Song con người có thể có những biện pháp quản lý, ngăn chặn rủi ro thiên tai ngay từ đầu, như tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp với biến đổi khí hậu là thí dụ.


An toàn cho vùng dễ tổn thương

Lo tái định cư, khó trăm bề

Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, địa hình chia cắt mạnh bởi núi cao, suối sâu, địa chất phức tạp, những năm gần đây tỉnh Yên Bái hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai, khiến nhiều người chết và mất tích, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở bị lũ cuốn trôi hoặc bị vùi lấp. Chỉ riêng năm 2017, khi người dân còn chưa hết bàng hoàng trước trận lũ quét lịch sử ngày 2-8 ở huyện Mù Cang Chải, thì ngày 11-10 lại xảy ra lũ quét tại hai huyện Văn Chấn và Trạm Tấu, khiến 1.905 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 79 nhà bị sập hoàn toàn; 108 hộ phải di dời khẩn cấp. “Trận lũ hôm 11-10 lớn quá. Đời sống bà con mất nhà rất khó khăn. Nhất là việc tìm chỗ mới để dựng nhà”, ông Đồng Văn Chà, xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu) bày tỏ.

Không chỉ có Yên Bái mà còn có hàng chục tỉnh ở miền núi phía bắc và khu vực bắc miền trung, Tây Nguyên cũng chung rủi ro của biến đổi khí hậu, của những thiên tai xảy ra do mất đất rừng, xây thủy điện thay đổi điều kiện tự nhiên... Ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La) chia sẻ, theo tập quán, đồng bào dân tộc thiểu số thường chọn nơi khe suối, sông, chân đồi núi để sinh sống và canh tác ruộng nước, vậy nên mỗi khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, người dân rất dễ bị ảnh hưởng, tổn thương. Vậy nên, lúc này vấn đề lớn đối với các tỉnh trong khu vực chịu tác động của rủi ro thiên tai chính là việc phải phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tìm ra quỹ đất tái định cư (TĐC) để bà con ổn định đời sống. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái Trần Thế Hùng cho biết, các khu TĐC phải bảo đảm các yếu tố gần ruộng nương đang canh tác; có một diện tích đất phù hợp khoảng 1.000 m2 cho một hộ, phù hợp với tập quán làm nhà dài (đồng bào chưa có tập quán làm nhà cao tầng), có nơi nuôi nhốt gia súc, làm công trình phụ…

An toàn cho vùng dễ tổn thương ảnh 1


Hiện người dân còn chưa được hỗ trợ để tăng khả năng chống chịu trước thiên tai.

Tuy nhiên, với các tỉnh miền núi, đáp ứng những điều kiện trên vô cùng khó khăn. Ông Giàng A Su, nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu (Yên Bái), một người vốn hiểu rất rõ địa hình của các xã trên địa bàn và tổng thể khu vực, phải thốt lên: Khó vô cùng!

Làm phép tính có thể thấy, với các huyện Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái), Kỳ Sơn (Nghệ An)…, trung bình phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho TĐC, điều ấy vượt quá tầm của các tỉnh còn trông chờ vào ngân sách Trung ương. Vậy nên tiến độ TĐC thường rất chậm. Chẳng hạn như, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, đã xây dựng phương án TĐC tập trung cho 111 hộ dân, 57 hộ xen ghép và 451 hộ dân ổn định cuộc sống tại chỗ. Song, đến nay kết quả thực hiện rất thấp.

Chiến lược quản lý rủi ro, thiên tai - đến bao giờ?

Trong hai thập kỷ qua, thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết và gây ra thiệt hại tài sản hơn 6,4 tỷ USD. Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro thiên tai và nguy cơ dễ bị tổn thương cao do phát triển đô thị thiếu quy hoạch, sử dụng đất chưa hợp lý và suy thoái môi trường. Đã đến lúc phải giải quyết những thách thức này và chuẩn bị sẵn sàng để giảm nguy cơ tổn thương liên quan đến khí hậu của đất nước.

Thực tế đặt ra hết sức cấp thiết, phải có chiến lược quản lý rủi ro thiên tai (QLRRTT), giảm thiểu thiệt hại và tăng khả năng thích ứng với sự biến đổi của thời tiết. Theo nhiều chuyên gia, quá trình QLRRTT gồm ba giai đoạn chính: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Song suốt một thời gian dài, công tác này ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào các biện pháp công trình, như xây dựng đê, đập, hướng tới cứu trợ, ứng phó sau thiên tai. Cách thức này đã mang lại những kết quả nhất định, tuy nhiên lại nảy sinh ra nhiều hạn chế, như không chỉ ra được mối liên hệ giữa thiên tai và phát triển kinh tế; không thể hiện mối liên hệ giữa rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường; chưa quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương; và chưa quan tâm đúng mức đến phòng ngừa…

Có thể thấy, ngay từ tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị thực hiện đề án, hiện thách thức đối với công tác phòng, chống thiên tai là rất lớn. Do đó, cần chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương; nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc QLRRTT.

Trăn trở trước những hệ quả từ việc con người tác động đến tự nhiên gây ra những biến đổi khó lường, GS Nguyễn Ngọc Lung - chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Muộn còn hơn không, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp lý để kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên. Nếu cứ thi nhau chuyển đổi, lấy rừng để làm thủy điện, làm dự án nghỉ dưỡng, thì cái giá phải trả sẽ rất lớn”.

Bàn về QLRRTT, TS Đinh Văn Tiến- Viện Khoa học công nghệ và giao thông vận tải cho biết, cần học tập kinh nghiệm từ những nước có chương trình quản trị tốt. Như Nhật Bản có hệ thống quan trắc từ máy bay và vệ tinh, thống kê các điểm cảnh báo, kết nối với vệ tinh và gửi về trung tâm, giúp nâng cao năng lực dự báo và đưa ra các phương án ứng phó hiệu quả. Nhìn rộng vấn đề, có thể khẳng định, chỉ QLRRTT hiệu quả, khi có được tầm nhìn vĩ mô tốt, có các công cụ hữu hiệu như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập bản đồ cơ bản như nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở, khu vực ảnh hưởng khi trượt đất. Giải pháp đối phó khi có sạt lở đất là thiết lập hệ thống thông tin công cộng để dự báo và cảnh báo cho cộng đồng, lập hệ thống giám sát khu vực, có kế hoạch sơ tán dựa trên bản đồ tích hợp, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm... Tuy nhiên, đối với điều kiện của Việt Nam, do việc áp dụng giải pháp công nghệ, đòi hỏi cao về tiềm lực kinh tế và kỹ thuật để áp dụng, nên cần cân nhắc kỹ càng.

Dẫu biết là khó khăn trong đầu tư, nhưng để tăng khả năng chống chịu trước thiên tai, theo quan điểm của PGS, TS Vũ Mạnh Lợi - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cần bắt đầu từ yếu tố con người. Nếu mỗi người dân biết chuẩn bị và được trang bị kỹ năng phòng, chống thiên tai thì sẽ giảm thiểu rủi ro. Hiện việc tuyên truyền kiến thức kỹ năng phòng, chống thảm họa không tốt. Thí dụ khi người dân Hoa Kỳ cảnh báo bão đã hướng dẫn người dân tích trữ nước, che cửa sổ, sơ tán dân... khiến thiệt hại về người không lớn. Bởi vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, đồng thời nâng cao nhận thức về QLRRTT cho cộng đồng. Ngoài ra, cũng cần phát triển những sản phẩm tài chính để bảo hiểm cho người dân, các đơn vị trước rủi ro thiên tai. Chỉ khi tiến hành cùng lúc một cách hiệu quả việc QLRRTT, thì chúng ta mới có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thiên tai. Đó hơn hết cần phải đi từ gốc, thay vì chỉ loay hoay với việc giải quyết hậu quả!

Ông Nguyễn Ngọc Linh - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Cần đầu tư tiềm lực để bố trí, sắp xếp dân cư, quy hoạch dân cư trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bảo vệ tính mạng người dân, giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất”.