Ẩn họa mối lo sau mưa lũ miền trung

Dải đất miền trung vẫn gắng gượng sau những biến cố thiên tai khó lường. Chưa kịp khắc phục hậu quả của đợt mưa bão đầu tháng 11 thì một số tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... lại hứng chịu thêm đợt mưa lớn kéo dài gây ngập nặng ở vùng trũng và một số nơi bị chia cắt. Nguy cơ lũ kép vẫn còn đó, chính quyền và người dân đang phải nỗ lực triển khai các biện pháp giúp ổn định cuộc sống.

Hiện trường vụ sạt lở núi ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Hiện trường vụ sạt lở núi ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Lũ kép gây sạt lở bất thường

Quảng Nam những ngày này người dân vẫn ám ảnh bởi nước. Nước từ trời trút do bão lũ, rồi nước do mưa lớn, thủy điện buộc phải xả lũ… Nhiều vùng trũng thấp ven sông như các huyện Nông Sơn, Đại Lộc… đã bị chia cắt cục bộ trong nhiều ngày. Tổng thiệt hại sơ bộ của tỉnh trong cả đợt lũ kép ước khoảng 1.600 tỷ đồng.

Nhưng không chỉ thiệt hại nặng nề do “giặc nước”, người dân miền núi Quảng Nam đang có một nỗi lo lắng ám ảnh trước những vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Những con số đau lòng - hàng trăm ngôi nhà bị hư hại, sụp đổ, vùi lấp; gần 5.000 hộ dân phải di dời; hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi bị sạt. Đau lòng hơn, đã có 37 người chết và mất tích (thiệt mạng do sạt lở) và hơn 100 người bị thương...

Tang thương dội xuống quá bất ngờ như vụ năm người dân mất mạng do sạt lở đất vùi lấp một ngôi nhà tại thôn Đàng Bộ (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) vào khoảng 20 giờ ngày 5-11. Những người thoát chết trong vụ này đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng. Tính riêng trong đợt mưa lũ đầu tháng 11, tại huyện Bắc Trà My có 12 người chết, trong đó, 11 người chết do sạt lở núi! Không chỉ Bắc Trà My, Phước Sơn mà cả huyện Nam Trà My cũng đã xảy ra sạt lở chết người và nhiều người bị nước cuốn trôi chưa tìm thấy xác.

Có những nỗi đau đến mức tột cùng, anh Hồ Văn Ngọ (trú tại thôn 2, xã Trà Vân) không còn nước mắt để khóc: “Nhà cửa bị cuốn trôi hết cả. Vợ và con cũng bị chết vì sạt núi rồi!”. Cùng thôn còn có anh Đinh Xuân Hùng gặp cảnh, gia đình bị thương bốn người, nhà cửa bị cuốn sạch. “Cả mấy chục năm dành dụm, chừ không còn một thứ gì cả!”, anh Hùng lẩm bẩm giọng khàn đặc.

Có điều khá bất thường, từ trước đến nay chưa năm nào mà các huyện miền núi Quảng Nam bị sạt lở gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân lớn đến như vậy! GS,TS Nguyễn Bá Kế, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng, nguyên nhân gây sạt trượt chủ yếu là do sự thay đổi môi trường, sự can thiệp của con người vào tự nhiên quá lớn.

Nguyên nhân vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng, song mối hiểm họa sạt lở đã, đang trở thành nỗi ám ảnh, bởi trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở, có thể gây thiệt hại cho người, tài sản của nhân dân.

Tại Quảng Ngãi, thời gian mưa kéo dài khiến mực nước trên các sông Trà Khúc, sông Vệ dâng cao. Nhiều hộ dân ở vùng lũ đã học được bài học, không thể chủ quan với lũ kép, bởi nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Thanh Trà, ở thôn Phú Lâm Đông, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành chia sẻ: Gia đình đã chuẩn bị ghe sẵn sàng di dời đến nơi an toàn. Nếu có gì xảy ra thì chúng tôi dùng ghe thuyền để vào trong núi tránh lũ.

Ông Nguyễn Thanh Lạc, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay địa phương theo dõi diễn biến của thời tiết; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình xả lũ của các hồ thủy điện trên địa bàn, khuyến cáo người dân không được chủ quan với thiên tai, nhất là tình hình thời tiết mưa lớn bất thường.

Dù lúc này, các trận lũ lớn đã đi qua, mưa đã ngớt nhưng giáo viên và học sinh Trường tiểu học Hương Thọ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vẫn còn nơm nớp trước tình trạng sạt lở bờ sông Hương, đoạn đi qua thôn La Khê Trẹm. Lũ đã “nuốt trọn” đoạn đường phía trước trường, lấn sâu vào bờ tường rào, chỉ còn cách dãy phòng học hai tầng chừng 10 mét.

Ông Nguyễn Sơn ở thôn La Khê Trẹm cho biết: Các ban ngành cấp trên cần kiên quyết xử lý triệt để nạn khai thác cát sạn trái phép trên sông Hương. Đây chính là nguyên nhân gây tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nặng. Với những điểm sạt lở, cần có phương án xử lý, gia cố kịp thời để người dân yên tâm đi lại, sinh sống, con em yên tâm học tập.

Theo lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của các cơn bão gây mưa lũ kéo dài đầu tháng 11 đến nay đã làm 13 người chết, bảy người bị thương; hơn 80 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,2 đến hơn 1 m. Trên các tuyến giao thông liên thôn, xã, tỉnh lộ và quốc lộ bị ngập chìm trong lũ, gây chia cắt, sạt lở và hư hỏng nặng sau lũ, gây khó khăn trong việc đi lại và đình trệ sản xuất của người dân.

Ẩn họa mối lo sau mưa lũ miền trung ảnh 1

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển những phần quà cứu trợ đến tay người dân vùng lũ Hương Trà và Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).

Chung tay khắc phục thiệt hại mưa lũ

Ngay sau khi lũ rút, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân là ưu tiên cấp bách. Làm sao để các em lại sớm được đến trường? Ban giám hiệu các trường ở một số địa phương của các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... đã huy động phụ huynh, giáo viên dùng máy bơm rửa bùn non dọn vệ sinh, kê lại bàn ghế phòng học… Sáng ngày 27-11, tiếng trống trường đã rộn, tiếng giảng bài vọng ra, như thể, chưa từng bị đứt quãng…

Nhưng ở nhiều nơi khác, các cấp chính quyền đang phải vận sức cho một cuộc chạy đua sau mưa lũ, đó là nhanh chóng tìm kiếm điểm di dân đến nơi ở mới an toàn. Sinh mạng của người dân phải được ưu tiên hàng đầu. Tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) chính quyền đang gấp rút khảo sát, tiến hành di chuyển các hộ dân đang ở trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn hơn. UBND tỉnh đã quyết định tạm ứng kinh phí từ ngân sách tỉnh 23,5 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, giúp người dân ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, tình trạng sạt lở đất núi ở khu vực thôn 2 xã Trà Vân đang diễn biến rất phức tạp. Để ổn định lâu dài cho người dân ở khu vực thôn 2, huyện đã tiến hành khảo sát, chọn địa điểm mới tại nóc Khe Chữ (ở cùng thôn) để di dời 141 hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi ở mới an toàn.

Tại Thừa Thiên - Huế - địa phương bị lũ lụt kéo dài, lãnh đạo tỉnh đã chỉ ra ba vấn đề cần tập trung khắc phục: đó là nhà ở, trường học và trạm y tế. Ưu tiên lực lượng, phương tiện cứu hộ người dân ở khu vực bị cô lập, giúp dân dựng lại nhà cửa và xử lý vệ sinh môi trường lũ lụt.

Trong những ngày qua, ngoài việc tổ chức thăm hỏi, chuyển tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... đã, đang triển khai nhiều giải pháp giúp đồng bào vùng lũ, sạt lở đất sớm khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống…

Trước hiểm họa sạt lở đất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... cái cần nhất lúc này là chính quyền địa phương các tỉnh miền trung, trong đó các huyện miền núi cần khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng xấu có thể xảy ra, đồng thời xây dựng các phương án chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân. Cùng với đó, chính quyền địa phương nơi có các hộ dân bị sập, sạt lở cũng phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng... tại điểm bố trí dân cư mới để các hộ dân bị mất nhà, sập nhà sớm ổn định cuộc sống.

Mặc dù mưa lớn đã có dấu hiệu tạm ngưng, nhưng ở một số điểm có nguy cơ sạt lở đất, sạt lở đường, tình hình sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân tránh tình trạng chủ quan, nhất là cần tiếp tục tăng cường tuần tra, dựng thêm các rào chắn và cử người cảnh giới ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi và lũ quét, để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.