Ấm lòng “mùa Covid”

Nhiều năm nay, đối với công nhân, thưởng Tết đóng vai trò rất quan trọng. Tiền lương hằng tháng chỉ đủ chi tiêu, nên khoản thưởng Tết góp phần giúp người lao động có cơ hội về quê hay sắm Tết. Năm nay, do những hệ lụy của dịch Covid-19, nhiều anh chị em công nhân “chưa biết xoay sở thế nào” trước thềm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thấu hiểu nỗi lo đó, công đoàn các cấp, các đơn vị chức năng cũng như các doanh nghiệp (DN) cũng nỗ lực từng ngày, để lo từng cái Tết ấm áp cho công nhân.

Tặng quà cho công nhân ở KCN Hố Nai (Đồng Nai).
Tặng quà cho công nhân ở KCN Hố Nai (Đồng Nai).

“Lo kiếm tiền trước đã!”

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất, buộc Công ty Hoàng Gia GMT, DN chuyên may mặc ở khu công nghiệp (KCN) Sông Mây, tỉnh Đồng Nai, phải liên tiếp cắt giảm lao động, không ít dây chuyền “trùm mền” trong nhiều tháng liền. Nếu như thời điểm này năm trước, DN có 300 người lao động (NLĐ) thì đến nay chỉ còn gần 200 người. Do có ít đơn hàng nên công nhân không có điều kiện để làm thêm, thu nhập giảm sút. 

Cũng như rất nhiều anh chị em công nhân, chị Dương Thị Tứ băn khoăn: “Vừa qua dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều, tôi chỉ mong chủ DN, các cấp chính quyền, công đoàn cố gắng làm sao để cho công nhân có thu nhập ổn định, cuối năm có đủ điều kiện về quê đón Tết với gia đình”. Trong khi đó, anh Hoàng Văn Cường, công nhân đang làm việc tại KCN Hố Nai than thở: “Thu nhập năm nay ít hơn mọi năm. Thời điểm những năm trước tăng ca liên tục, còn năm nay gần Tết rồi, nhưng công ty thì ít việc làm, thậm chí nhiều hôm phải nghỉ vì hết việc”. 

Tương tự, nhiều NLĐ ở Bình Dương cũng lo lắng về công việc, thu nhập, đời sống. Nhiều người chưa dám nghĩ đến việc Tết này về quê hay ở lại. Chị Nguyễn Hoài Thu làm công nhân may tại KCN Sóng Thần đã bốn năm. Hồi trước, thu nhập của chị dao động từ bảy, tám triệu đồng, nay thu nhập chỉ còn khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. “Nay anh chị em công nhân bảo nhau, lo làm trước đã. Nhưng trong lòng ai cũng muốn có điều kiện được đoàn tụ với gia đình”, chị Thu bộc bạch.

Tăng cường sự hỗ trợ

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có gần 1,2 triệu công nhân. Năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn nhiều NLĐ. Hơn thế có nhiều công nhân quê ở miền trung cũng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, nên tỉnh Bình Dương càng nỗ lực chăm lo Tết cho công nhân khó khăn. Ngay từ ngày 27-10, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với chủ đề “Bình Dương - Xuân ấm áp, Tết nghĩa tình”. Các nội dung gồm: “Mâm cơm ngày Tết - San sẻ yêu thương”, “Phiên chợ 0 đồng - Gian hàng giá gốc”, “Đón Tết cùng gia đình công nhân, biểu dương chủ nhà trọ đồng hành cùng công nhân”, “Chuyến xe du xuân, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa” và nhiều hoạt động khác.

Còn tại Đồng Nai, để hỗ trợ công nhân có cái Tết đủ đầy, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai sẽ dành nguồn lực tài chính hơn khoảng 20% so những năm trước để thực hiện các hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cơ sở cũng đang tăng cường nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thương lượng để cùng DN tháo gỡ khó khăn, bảo đảm mọi công nhân đều có thưởng Tết. Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom Lê Đức Thụy cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp cơ quan chức năng ngăn ngừa hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để vi phạm các chế độ, chính sách đối với NLĐ và đặc biệt là vấn đề chăm lo Tết, nhất là tháng lương thứ 13. Các công đoàn cơ sở ở những đơn vị ít bị ảnh hưởng phải thường xuyên giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ”.

Hơn hết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch Tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, với nhiều hoạt động thiết thực: Chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên và NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; tổ chức các hoạt động đưa được nhiều nhất NLĐ về quê, bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi, tạo sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn; tổ chức các hoạt động vui Tết, thăm, động viên NLĐ không có điều kiện về quê, bảo đảm vui tươi, ấm áp, nghĩa tình; chương trình “Tết Sum vầy” cần được tổ chức rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở…

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Công đoàn cơ sở cũng cần chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mừng tuổi… cho công nhân - ngoài tiền lương được thanh toán theo quy định của pháp luật, tổ chức “Tết sum vầy” cho họ hoặc có những hình thức động viên, chăm lo khác. Có hình thức động viên NLĐ làm việc trong những ngày Tết thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn”.

Công nhân là những người trực tiếp có đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và mỗi tỉnh, thành phố nói riêng. Việc chăm lo đời sống, tổ chức cho công nhân đón Tết là thể hiện sự quan tâm, khuyến khích NLĐ gắn bó với địa phương, tích cực lao động, sản xuất. Và đó cũng là đạo lý, là tình người.

* Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP Hồ Chí Minh sẽ chuẩn bị 13.000 phần quà Tết để gửi đến công nhân bị mất việc làm, giảm thu nhập do DN giải thể vì dịch Covid-19 hoặc chủ bỏ trốn, công nhân thôi việc do hết hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. 

* Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Gia GMT Bùi Thị Thanh Thảo: “Chúng tôi sẽ bàn bạc với Ban Giám đốc Công ty có những hình thức hỗ trợ, lương thưởng làm sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện nay. Còn về phần công đoàn cũng sẽ có những phần quà, như hỗ trợ vé xe cho công nhân ở xa quê”.