Gói hỗ trợ đào tạo lại lao động  

Nhanh, sát thực tế hơn nữa!

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đang hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng, để bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động (NLÐ). Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách hợp lý và nhân văn ấy đạt hiệu quả cao trong thực tế lại vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời.

Nhiều DN gặp khó khăn đang hy vọng sớm tiếp cận gói hỗ trợ.
Nhiều DN gặp khó khăn đang hy vọng sớm tiếp cận gói hỗ trợ.

Những hy vọng từ một dự thảo

Dự thảo đề xuất đã được một số bộ, ngành, địa phương có ý kiến phản hồi. Nếu được Chính phủ thông qua, dự kiến mỗi NLÐ sẽ nhận hỗ trợ một triệu đồng/tháng, liên tục trong sáu tháng sẽ có khoảng một triệu lao động được đào tạo lại. Số tiền 6.000 tỷ đồng sẽ được lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), vì tính đến cuối năm 2020, quỹ vẫn còn kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng.

Ðể NLÐ được thụ hưởng chính sách này, dự thảo cũng cho biết doanh nghiệp (DN) cần hội đủ các điều kiện: phải đóng đủ BHTN cho NLÐ liên tục 12 tháng trở lên (tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ); thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Ðồng thời, DN phải có phương án cụ thể về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLÐ.

Nói về điều kiện này, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN (Cục Việc làm - Bộ LÐ-TB&XH) cho biết: "Chính sách để hỗ trợ DN và NLÐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã có, nhưng chế độ đào tạo, bồi dưỡng để NLÐ duy trì việc làm thì vẫn cần phải tuân theo quy định của Luật Việc làm". Ông cũng cho biết thêm: "Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều NLÐ bị mất việc. Chính sách BHTN đã hỗ trợ được rất nhiều người và các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các Sở LÐ-TB&XH cũng đã thực hiện tốt công tác giới thiệu việc cho người mất việc làm. Một trong bốn chế độ của chính sách BHTN là chính sách hỗ trợ học nghề. Thời gian qua, bên cạnh việc số người hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng, số người được hỗ trợ học nghề cũng có xu hướng tăng qua từng năm. Cụ thể, đến năm 2015 có hơn 24.363 người được hỗ trợ học nghề; đến năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người".

Thách thức từ thực tế

Ðề xuất của Bộ LÐ-TB&XH trình Chính phủ gói hỗ trợ này được đánh giá là hợp lý và nhân văn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính sách này đã chậm so với yêu cầu từ thực tế. Vì vậy, cần có những điều chỉnh sao cho chính sách khi đi vào cuộc sống phải làm sao đạt hiệu quả cao nhất, phù hợp nhu cầu mới, tình hình mới.

Với một số gói hỗ trợ trước đây, đã có tình trạng DN thật sự gặp khó khăn nhưng lại rất khó tiếp cận do rào cản từ các quy định. Do đó, một số chuyên gia kinh tế mong dự thảo đề xuất đưa ra các điều kiện sát với thực tế hơn. Thí dụ, việc chỉ rõ sự thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thực tế diễn ra là yêu cầu không dễ đáp ứng, khi tiến trình thay đổi công nghệ khó có thể diễn ra trong thời gian ngắn, nhiều khi phải điều chỉnh liên tục để duy trì sản xuất, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LÐ-TB&XH) lại chỉ ra: Ðiều kiện DN phải sụt giảm doanh thu từ 20% trở lên mới được nhận hỗ trợ là cảm tính và không phù hợp, có thể gây khó cho DN khi tiếp cận nguồn hỗ trợ. Bà cho rằng cần xây dựng các kịch bản đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp thật cụ thể, rút kinh nghiệm từ các chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm trước đây. Mặt khác, cũng cần tính đến việc không chỉ do ảnh hưởng của dịch mới khiến DN phải đào tạo lại lao động, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của các DN.

Ðể chính sách đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, các điều kiện đưa ra nhất thiết phải sát với thực tế. Cơ quan xây dựng chính sách cần linh hoạt trong quyền hạn cho phép của pháp luật để đưa ra điều kiện phù hợp, trên nguyên tắc DN thật sự có hướng nâng cao trình độ, công nghệ và trình độ tay nghề cho NLÐ. Ðồng thời cần phải đặt hành động vào một chiến lược đào tạo dài hơi chứ không mang tính ngắn hạn, không chỉ dừng lại ở những DN, NLÐ bị ảnh hưởng do Covid-19. Trong quá trình thực hiện, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả và tác động của chính sách. Vì thế, nên đưa DN tham gia sớm vào quá trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo lại. Bởi chính các DN mới xác định được nhu cầu vị trí việc làm, yêu cầu kỹ năng ra sao để xây dựng chương trình đào tạo lại phù hợp hơn với định hướng phát triển, kinh doanh.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam:

"Chúng tôi mong muốn chính sách phải cụ thể, đi trực tiếp, trúng vào các vấn đề, đồng thời thủ tục phải nhanh, gọn. Các điều kiện cũng phải đúng thực tế, phải hiểu được DN cần gì".

Lý Hà