Hướng mở trong đào tạo nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là vai trò chủ đạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Vậy nhưng, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chưa theo kịp nhu cầu của phát triển, đòi hỏi những điều chỉnh trong mô hình đào tạo.
 

Cần nhiều biện pháp đổi thay toàn diện công tác giáo dục nghề nghiệp.
Cần nhiều biện pháp đổi thay toàn diện công tác giáo dục nghề nghiệp.

Thách thức mới
 
 Thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó có chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh. Nhiều ngành nghề, phương thức, việc làm mới ra đời, tạo ra thách thức rất lớn về dư thừa nguồn lao động (NLĐ) có kỹ năng và trình độ thấp.
 
 Nhìn nhận thẳng thắn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ NLĐ trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong nhiều lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp của NLĐ còn nhiều hạn chế… Điều đó dẫn đến nghịch lý là các doanh nghiệp (DN) vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động (LĐ) chất lượng cao, trong khi nguồn LĐ lại khá dồi dào. Nhiều DN đã phải thuê LĐ nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng.
 
 Chuyển hướng, thay đổi mô hình
 
 Trong bối cảnh đó, đào tạo LĐ cần tập trung theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng của DN, đặc biệt là các DN đòi hỏi LĐ trực tiếp, có tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
 
 Bên cạnh các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu giảng dạy vừa lý thuyết vừa thực hành, đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài, có khả năng tiếp cận công nghệ mới..., có thể tham khảo những giải pháp mang tính đột phá đã được áp dụng tại một số cơ sở đào tạo thời gian qua, như sau:
 
 Thứ nhất, biến nhà trường thành nhà máy 4.0, từng bước xóa bỏ ranh giới của các khoa, bố trí sắp xếp máy móc, trang thiết bị thành một hệ thống và được kết nối thông qua internet, robot, qua logistics. Xây dựng Sàn giao dịch việc làm - dạy nghề để kết nối: nhà trường, các DN, sinh viên để giải quyết cung - cầu. Như vậy, mới tiếp cận được 4.0.
 
 Thứ hai, đổi mới đào tạo theo mô hình trường học thông minh. Mô hình quản lý hiện nay tương đối cồng kềnh, hiệu quả không cao. Do đó, quản trị nhà trường cần thay đổi mô hình theo hướng tư duy và công nghệ, bảo đảm tính sáng tạo và thích ứng nhanh với sự đổi mới, sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Trong đó, hệ thống công nghệ thông tin được phân tích, thiết kế theo hướng quản lý toàn diện và đồng bộ tất cả các hoạt động. Hoạt động dạy học chuyển sang ý tưởng, sáng tạo và áp dụng công nghệ. Người học thực hiện quá trình học tập trên lớp hoặc ngay tại nhà, chủ động lựa chọn không gian, thời gian, nội dung và phương pháp học tập, có thể gọi là “trường di động, lớp học trực tuyến”. Người dạy - người học và người học - người học chia sẻ, tương tác liên tục và linh hoạt. Chuyển các dữ liệu truyền thống sang dữ liệu số trên máy tính. Áp dụng công nghệ IoTs (Internet vạn vật) để kết nối người học, phụ huynh, giáo viên, giúp nắm bắt các thông tin kịp thời như: điểm, lịch học, các thông báo…
 
 Thứ ba, triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ gắn thực tiễn nhu cầu xã hội.
 
 Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) cần được ưu tiên hàng đầu và triển khai sâu, rộng trong toàn trường nhằm giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác dạy và học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giúp sinh viên nâng cao khả năng tư duy, tự khám phá, tiếp cận khoa học công nghệ, từng bước rèn luyện kỹ năng và thái độ học tập. Nhà trường nên thành lập các trung tâm ươm tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để phát huy, ươm tạo các ý tưởng, các sáng kiến, hình thành các sản phẩm NCKH.
 
 Thứ tư, thường xuyên đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo, chủ động mở các nghề mới có nhu cầu cao của xã hội. Trong công tác đào tạo, thực hiện tốt phương châm “mỗi bài học là một công việc - mỗi modul là một sản phẩm”, “dạy lý thuyết gắn liền với thực hành, kết hợp với NCKH”. Từng bước đưa các chương trình quốc tế chất lượng cao vào đào tạo.
 
 Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự tham gia của DN, các tổ chức xã hội để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường; huy động đội ngũ chuyên gia giảng dạy của DN; công nhận bằng cấp, chứng chỉ… Hợp tác chặt chẽ với các DN để đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu. Sinh viên tham gia chương trình này được DN chi trả 100% chi phí đào tạo, có việc làm và được trả lương ngay từ khi vào học.