Xin lỗi mà không sửa lỗi

Mấy năm gần đây việc lãnh đạo một bộ, ngành, chính quyền địa phương công khai xin lỗi dân khi đơn vị hoặc cá nhân mắc sai lầm, khuyết điểm là một dấu hiệu tốt. Có khi chỉ một lời xin lỗi đúng chỗ, đúng lúc mà bao nhiêu “gạch đá” ném rào rào trên mạng xã hội lui về một góc. Người ta đã có lời, ai còn cố chấp, ai nỡ “đánh kẻ chạy lại” làm chi?

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư vẫn chưa được đưa vào vận hành, khai thác. Ảnh | Nguyễn Nam
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư vẫn chưa được đưa vào vận hành, khai thác. Ảnh | Nguyễn Nam

Thế nhưng cùng với mặt tích cực lại xuất hiện những điều dư luận bất bình, thậm chí mất niềm tin vào những lời xin lỗi. Có những cụm từ vốn không có “lỗi” gì nhưng nay trở nên nhàm chán, như: “thực hiện đúng quy trình”, “thành thật xin lỗi”, “xin nhận trách nhiệm”, “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”. Mấy bác Hai lúa Nam Bộ hỏi nhau, xảy ra mấy chuyện to bổ chảng mà ông ta chỉ nói “nhận trách nhiệm” nhẹ hều vậy sao? Rồi nữa, rút kinh nghiệm đã là quý rồi, đằng này còn rút kinh nghiệm sâu sắc thì lẽ ra phải được hoan nghênh. Nhưng không, quá nhiều chuyện “rút” xong lại đâu hoàn đấy. Thành thử, lời hứa bỗng nhiên nhẹ như bấc, thành chuyện đầu môi chót lưỡi.

Còn chuyện “xin lỗi” thì quen thuộc quá. Một số vị bộ trưởng, cục trưởng, chánh án... đã công khai xin lỗi trước các hội nghị quan trọng, có trường hợp người có trách nhiệm chủ động viết thư xin lỗi. Nhưng xem ra sự “ăn năn” ấy mang nặng tính hình thức. Nếu không có dư luận phê phán, nếu không có cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, hoặc cấp trên chỉ đạo phải báo cáo rõ vụ việc, liệu vị lãnh đạo nọ có xin lỗi không? Đó là kiểu xin lỗi cho qua chuyện, là cách xì bớt hơi khi quả bóng dư luận đang sắp nổ. Còn bản thân người xin lỗi vẫn nghĩ rằng mình... chả hề có lỗi. Người dân bảo nhau, như thế là mị dân, dân chúng tôi làm gì có nhiều lỗi để ông xin (!). Còn nhớ năm nọ khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp phép cho việc hát bài Tiến quân ca- Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao, người ta hết sức kinh ngạc. Tại sao lại làm cái việc kỳ lạ như thế? Khoản 3, điều 13, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ Quốc ca của Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca. Ai cho phép anh... cấp phép? Thế nhưng cũng phải chờ đến ý kiến của lãnh đạo cấp cao ông Cục trưởng mới chịu nói lời xin lỗi, và sau đó thì bị cho thôi chức. Ông xin lỗi rồi mà dư luận vẫn thấy chưa vợi nỗi bức xúc. Giá như cơ quan ông, cán bộ cấp dưới của ông nắm nguyên tắc vững vàng, có trách nhiệm hơn, tỉnh táo và cẩn trọng hơn, hỏi thêm ý kiến các chuyên gia thì sẽ không làm chuyện khôi hài như thế.

Còn nhiều chuyện sai sót, lớn có, nhỏ có. Lớn như chuyện có người bị kết án oan phải ngồi tù hàng chục năm trời. Tòa án đã công khai xin lỗi bằng cách cho “phạm nhân” được tại ngoại ngay sau đó và được nhận một khoản tiền bồi thường không nhỏ. Nhưng còn vô số vụ việc khác, vô số những lời xin lỗi khác lang thang theo gió bay. Người ta xin lỗi cho qua chuyện mà không chịu sửa lỗi. Cho nên không lâu sau đó vết thương chưa liền da đã lại lở loét, ngứa ngáy. Đó là những sai sót trong quá trình làm đường giao thông, làm trạm BOT, xây dựng khu đô thị, phòng chống bão lũ, cháy rừng... Xin lỗi rồi, rút kinh nghiệm rồi, để rồi vẫn tiếp tục sai lầm như cũ.

Vậy có cách gì để sai sót, tai ương không lặp lại. Đơn giản thôi, nhận lỗi thì phải sửa lỗi. Ở đây có vấn đề cơ chế, vấn đề quản lý, sử dụng cán bộ. Công việc ngày càng có nhiều mới mẻ, khó khăn, phức tạp, không ai dám chắc cả cuộc đời làm cán bộ không mắc sai lầm, thiếu sót. Khi cán bộ mắc khuyết điểm, thấy rõ lỗi lầm thì phải tạo điều kiện, cơ hội cho họ sửa lỗi. Nếu sai lầm mang tính hệ thống, nếu khuyết điểm nặng nề thì phải xử lý kỷ luật, cách chức, xử lý hình sự. Không nên để một ai đó cứ nhận lỗi xong là xong. Cần có sự giám sát của tập thể, của nhân dân xem cán bộ đó nhận lỗi và sửa lỗi đến đâu.

Như vậy là chúng ta đã bàn đến điều cốt lõi của việc xin lỗi là phải trung thực, thành thật. Nếu chưa thấy rõ lỗi, nguyên nhân, hậu quả thì chưa nhận lỗi. Đã nhận thì phải sửa đến cùng. Đừng bao giờ chạy theo phong trào.

Nếu thật sự có “phong trào” xin lỗi thì đáng lo biết chừng nào!