Xây dựng thực lực để hiện diện trên biển lớn

Tự nhận mình là người “khắt khe”, nhưng chuyên gia kinh tế, PGS,TS Trần Đình Thiên (ảnh bên) vẫn lạc quan trước chỉ số phát triển kinh tế năm 2018, tin tưởng vào các doanh nghiệp tư nhân Việt... và tâm huyết với Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIi) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành.

Xây dựng thực lực để hiện diện trên biển lớn

Đánh giá của ông, kinh tế Việt Nam năm 2018 có sự tăng trưởng khả quan, thuận lợi?

Tôi có những đánh giá tích cực về kinh tế năm 2018, mặc dù tôi được tiếng là người khắt khe. Trước hết phải tin thế này, các con số thống kê của ta đã ngày càng chính xác hơn, đàng hoàng và có tính độc lập cao, hoàn toàn thuyết phục. Những chỉ số chung đều tốt lên, nhưng có hai điểm tốt cơ bản, rất quan trọng là tăng trưởng và ổn định. Chúng ta đã giữ được cả nhịp điệu tăng trưởng lẫn sự ổn định giữa một thế giới mà tăng trưởng cũng khó và bất ổn cũng nhiều. Không phải ta tự khen ta đâu, nhưng trong bối cảnh chung của thế giới như vậy, ta vẫn tăng trưởng được là điều không dễ. Hơn nữa sự tăng trưởng đã gắn với tư duy mới, đã thay đổi rõ rệt trong cách nghĩ về mô hình tăng trưởng. Trước đây chúng ta cố gắng tăng trưởng thật cao, cứ tăng trưởng đã, ổn định, lạm phát chống đỡ sau. Logic thông thường thì tăng trưởng sẽ kéo theo bất ổn. Nhưng Chính phủ, hai ba năm nay đã theo đuổi một tương quan khác, cố gắng ổn định là đầu tiên, là nền tảng. Chính phủ đẩy mục tiêu tăng trưởng lên cao nhưng không phải bằng mọi giá. Bởi vậy mấy năm nay chúng ta vẫn tăng trưởng đều mà không rơi vào bất ổn.

Xây dựng thực lực để hiện diện trên biển lớn ảnh 1

Ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Ảnh | ANH NGỌC


Từ những nghiên cứu và từ thực tiễn cuộc sống, ông thấy những cải cách mà Chính phủ đề ra theo mục tiêu Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ... đã đạt được thành quả gì?

Trước hết phải nói cho rõ, tại sao tôi đề cao sự ổn định. Ổn định có lý lẽ như này, giúp doanh nghiệp đoán được, dự báo được, có cơ sở tính toán để tránh rủi ro. Doanh nghiệp yên tâm, lòng tin tốt lên, và họ sẽ dốc lòng đầu tư. Chính phủ đã cải cách tích cực, tuy kết quả chưa như mong đợi nhưng thành tựu đạt được cho đến thời điểm này là cực kỳ đáng khen ngợi. Bao giờ cũng vậy, cải cách những bước đi đầu tiên sẽ khó khăn. Một cỗ máy đang ì ra, cả chục năm tái cơ cấu không di chuyển gì bây giờ bắt đầu động đậy, khó mà nhanh ngay được. Nhưng bước đầu tiên sẽ làm đà cho bước chuyển tiếp theo. Từ mục tiêu thứ nhất lấy ổn định làm đầu và tiếp đến, thứ hai là cải cách thật mạnh để giúp doanh nghiệp phát triển nên năm vừa qua, đất nước ta đã thành công cả về kinh tế đối nội lẫn đối ngoại.

Một trong những thành tựu kinh tế đối ngoại mà ông nói, chính là việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP?

Khi nước Mỹ rút ra khỏi TPP, những lợi ích trực tiếp của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều, vì nước Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn của chúng ta. Tuy vậy, Việt Nam vẫn thúc đẩy cho CPTPP. Việt Nam cùng với Nhật Bản là những quốc gia đóng góp đầu tiên, quan trọng cho Hiệp định CPTPP này. Việt Nam tuy chưa phải là nền kinh tế mạnh so với 11 nước trong nhóm, nhưng sự nhiệt tình của Việt Nam đã thành tấm gương, thuyết phục các quốc gia còn lại. Tuy nhiên, mới được phần Hiệp định, còn ngược lại, bao giờ ta cũng rề rà ở khâu thực thi. Chúng ta cũng nỗ lực đẩy mạnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU, vì lợi ích phát triển chung của cả chúng ta và các đối tác. Tham gia những Hiệp định này cũng là áp lực giúp cải cách, thay đổi, thay đổi kinh tế lẫn văn hóa, con người, cả về quản trị pháp luật... buộc chúng ta không thể thụ động ăn theo mà phải có những động thái để tăng động lực. Trên thực tế, rất khó khăn khi quản trị sự thay đổi, quản trị quá trình chuyển đổi, làm sao để thật sự hiệu quả, từ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lớn quan hệ lớn đến ứng xử xã hội hằng ngày đều phải có cơ chế quản trị tốt để nhìn vào đó người dân và các đối tác tin cậy. Sự lạc quan tăng lên, lòng tin được củng cố sẽ tác động tích cực tới sự phát triển của đất nước.

Thực tế những năm vừa qua, khi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển, lớn mạnh, thì hình như một bộ phận tâm lý xã hội lại chưa sẵn sàng đón nhận, ủng hộ. Điều này thể hiện ở thái độ chê bai, thậm chí vùi dập doanh nghiệp khi họ ra mắt sản phẩm mới. Thưa ông, điều này có cản trở sự phát triển của doanh nghiệp?

Đây là do thái độ ganh tị, tâm lý ghét người giàu bắt nguồn lâu đời, người giàu bị coi là đồng nghĩa với bóc lột chứ không phải tạo ra sự phát triển. Các nước thời kỳ đầu công nghiệp hóa, người dân luôn ý thức nâng niu sản phẩm của nước họ, kể cả sản phẩm đó chưa tốt. Nước Nhật lúc mới sản xuất ô-tô, các cường quốc ô-tô dựng phim chế giễu ô-tô Nhật. Nhưng chỉ sau 10 năm, nước Nhật đã có những chiếc ô-tô cạnh tranh. Cứ chê đi, càng chê họ càng phấn khởi vì họ đã phát hiện ra điểm yếu để khắc phục. Nhưng chê không phải vùi dập, chê để mà sửa, một đất nước phải biết trân trọng những giá trị phê phán, góp ý, khuyến khích, chê có tính xây dựng chứ nói xấu hay ném đá nhiều thì rất không ổn. Như tôi nhận thấy, Bphone là điển hình của việc phải chịu áp lực lớn từ dư luận. Tôi rất khâm phục những doanh nhân kiểu này, họ không nghĩ đến tiền. Đấy chính là triết lý khởi nghiệp, họ đã kiên cường hiện thực hóa ước mơ vì một sản phẩm của người Việt. Giờ thì Bphone đã ổn. Đáng nhẽ chúng ta phải tự hào vì Việt Nam có thêm nhiều người đứng trong danh sách tỷ phú, và doanh nhân tỷ phú đó cũng hãnh diện vì đã gia nhập hàng ngũ những cá nhân tạo ra giá trị lớn cho xã hội. Chúng ta thiếu một thiện chí dân tộc, chưa biết đặt tầm nhìn của dân tộc lên trên. Nhiều lúc, báo chí chính thống cũng vậy, nhắc đến các tập đoàn tư nhân lớn rất dè dặt. Như Sun Group, tôi thấy họ xây sân bay Vân Đồn rất nhanh, có 18 tháng, và rất đẹp. Từ đó suy ra, doanh nghiệp Việt nếu được tin cậy, sẽ thực hiện tốt những việc lớn, không kém một doanh nghiệp tầm cỡ nào của thế giới. Vấn đề là phải cải thiện chính sách, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và thay đổi tập tính văn hóa của dân tộc, trân trọng người giàu, tạo điều kiện cho người dân làm giàu chính đáng...

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đảng và Nhà nước đã luôn xác định tầm quan trọng của kinh tế biển. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để tiến ra biển lớn?

Tôi cũng có được mời tham gia bàn luận vấn đề này. Đảng và Nhà nước đã càng ngày càng xác nhận được tầm quan trọng của biển và kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển cũng là cách thức để xác lập khí phách chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng muốn khẳng định chủ quyền và xây dựng kinh tế biển, trước hết phải có thực lực. Thực lực dựa trên chính mình và đặt mình trong quan hệ quốc tế. Luật quốc tế ngự trị bảo vệ những nước nhỏ, và bảo vệ là bảo vệ bằng thực lực. Chiều sâu của thực lực ấy chính là khoa học công nghệ. Thứ nhất là phải có doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế biển lớn, thứ hai là công nghệ. Ở Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế biển lớn toàn của tư nhân, và phải vài ba chục năm mới vững mạnh được. Họ luôn có lịch sử, quá trình và thái độ rất nghiêm túc với lực lượng kinh tế quốc gia trên biển. Biển khác đất liền. Đứng trên bản đồ toàn cầu thì việc khai thác dầu khí ở 100 hải lý của mình còn gần lắm, kinh tế khai thác đại dương còn phải mở mang thêm đủ các ngành nghề, như những đội tàu lớn đi xa, tiến xa. Phải có thực lực để hiện diện biển, thường xuyên nhắc đi nhắc lại sự hiện diện của mình, khẳng định khí phách chủ quyền của mình trên biển. Chính phủ không chỉ nói chuyện ưu đãi, mà cần hỗ trợ, hỗ trợ để những tập đoàn tư nhân đầu tư phát triển kinh tế, để lớn mạnh, để khẳng định sự hiện diện của mình trên biển lớn...

Trân trọng cảm ơn PGS,TS Trần Đình Thiên!