Vỡ mộng lấy chồng ngoại

Không ít cô gái ở Hậu Giang - một tỉnh có đông phụ nữ lấy chồng ngoại đã vỡ mộng khi nghĩ rằng đó là cơ hội đổi đời. Đằng sau những cuộc hôn nhân qua hình thức “chào đoàn” (môi giới bất hợp pháp) chóng vánh, họ đã âm thầm chịu đựng cuộc sống muôn vàn khổ cực, đong đầy nước mắt và xót xa hơn là những đứa con mang hai dòng máu cũng phải chịu nhiều hệ lụy...

Cô dâu T.T. M kết hôn lúc 20 tuổi.
Cô dâu T.T. M kết hôn lúc 20 tuổi.

Xót xa phận làm dâu xứ người

Hôn nhân đổ vỡ, phải về nước, các cô dâu thường mặc cảm, sợ mọi người khinh thường, dị nghị nên phần lớn bỏ quê đi làm ăn xa, số ít ở lại địa phương khép mình, ngại tiếp xúc. Trường hợp của chị L.T.T.T ở thị trấn Nàng Mau cũng vậy. Trốn về quê, chị sống lặng lẽ ngày ngày qua chợ mua gánh bán bưng lo cho mẹ già. Dày công tỉ tê thuyết phục, cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, chị T mới chậm rãi kể về chuỗi ngày đớn đau ấy.

Năm 2011, gia đình nợ nần chồng chất, không còn khả năng trả, chị T lên Sài Gòn "chào đoàn", với hy vọng đổi đời, kiếm tiền lo cho cha mẹ. Hôn lễ được tiến hành ngay sau đó, chú rể người Trung Quốc dắt chị về nhà, còn mẹ chị chỉ nhận vỏn vẹn 10 triệu đồng gọi là "sính lễ" từ con rể để trả bớt số nợ.

"Hơn bốn năm làm dâu xứ người là những tháng ngày liên tiếp bị hành hạ, khinh miệt, cơ cực", chị T rơm rớm nước mắt nhớ lại. Nhà chồng làm nông, sáng chị phải dậy thật sớm nấu cháo cho mẹ chồng, quay sang lo chuồng thỏ, rồi quần quật ra đồng làm cỏ, trồng lúa, khoai, rau... tối mịt mới về nhà. Cũng vì bất đồng ngôn ngữ, không hiểu ý bên chồng, nên mỗi khi mẹ chồng lớn tiếng quát là người chồng nhảy vào đánh, có lần chị gãy cả răng cửa. Chịu đựng cuộc sống làm lụng vất vả, bữa cơm chỉ có rau với củ cải muối, lại bị bạo hành, ngược đãi đến sức cùng lực kiệt, không lối thoát, chị nghĩ đến cái chết...

Mùng một Tết, sau ba ngày bị "giam lỏng" trong căn phòng một mình cô độc, không ăn, chỉ uống nước, chị treo cổ tự tử nhưng chồng phát hiện cứu kịp thời. Anh ta thẳng thừng ngã giá: "Cưới mày tốn 140 triệu đồng, muốn về nước thì đi làm thuê kiếm tiền trả lại đủ một nửa". Thế là hằng ngày chị cùng gã chồng vũ phu, bủn xỉn đi làm công nhân cho một công ty sản xuất gốm. Tiền lương hàng tháng cứ trừ dần, chỉ để chút ít cho chị chi tiêu mua đồ dùng cá nhân. May mắn, một cô bạn quê ở Đồng Tháp làm chung công ty thương cảm lên kế hoạch giúp chị trốn về nước.

Mỗi ngày chị tằn tiện dành dụm dần để mua vàng, vì nếu giữ tiền nhiều chồng nghi ngờ sẽ bỏ trốn. Hai năm sau, rồi cái ngày chờ đợi cũng đến. Cô bạn nhân chuyến về quê thăm nhà mua dùm vé xe, còn chị tìm cơ hội bỏ trốn. "Không mảnh giấy lận lưng", chị phải thuê người dẫn đi đường núi qua biên giới rồi trải qua mấy ngày đường mới về tới nhà trong niềm vui khó tả...

Bảy năm trước, T.T.Th ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy mới 19 tuổi. Sáu người trong gia đình sống trong căn nhà lá chật hẹp, tài sản chẳng có gì đáng kể. Thương cha mẹ già yếu, nghèo khổ, cô quyết định theo mai mối lấy chồng Hàn Quốc mong đi làm có tiền báo hiếu. Khi đặt chân sang xứ Hàn, chẳng quen biết ai cô mới bàng hoàng phát hiện ra bộ mặt vũ phu của chồng thì đã quá muộn. Cuộc đời nghiệt ngã chẳng khác gì cầm tù vì suốt ngày phải ở trong nhà. Gia đình chồng cố ý không cho học tiếng Hàn, nên hàng ngày không ai nói chuyện với cô mà chỉ ra dấu sai bảo làm việc. Nếu không hiểu ý, ngay lập tức gã chồng sẽ thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc. Không thể chịu đựng kiếp sống "chim lồng, cá chậu", bị hành hạ, xỉ vả, khinh miệt của gia đình chồng, cô đã ôm con nhỏ bỏ trốn về nước...

Theo thống kê của Sở Tư pháp Hậu Giang, từ khi chia tách tỉnh (2004) đến nay có 6.558 trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam và 8.704 trường hợp ghi vào sổ ghi chú kết hôn (sau khi đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài), đã giải quyết ly hôn gần 1.000 trường hợp. Trên thực tế, số cô dâu ngoại "vỡ mộng" về nước rất nhiều, nhưng chưa làm thủ tục ly hôn. Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thanh Tuyền nhận định, phần lớn cô dâu ngoại đều xuất thân từ nông thôn nghèo khó, ít học, không nghề nghiệp, tư duy, hiểu biết pháp luật vẫn còn ở "ao làng" thì khó mà thích ứng được môi trường ở xứ người. Hơn nữa, kết hôn không trên cơ sở tình yêu thật sự, cùng việc thiếu thông tin rõ ràng, bất đồng ngôn ngữ đã khiến nhiều cuộc hôn nhân trở thành bi kịch.

Những hệ lụy

Cuộc sống không nhung gấm như nhiều người ảo tưởng, các cô dâu ngoại trở về gia đình với hai bàn tay trắng. Tuy khó khăn, phải làm thuê, hay mua bán kiếm sống, nhưng được tự do làm những gì mình thích cũng là may mắn bởi có người không chịu nổi cảnh bạo hành, ngược đãi của chồng đã tìm đến cái chết như cô dâu Hàn Quốc Võ Thị Minh Phương, quê ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp ôm hai con nhảy lầu tự tử năm 2012. Cũng có nhiều người trốn được về nước, nhưng sau đó trở nên điên dại... như chị N.T.H ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. 12 năm trước, qua "chào đoàn", H lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc). Bị gia đình chồng đối xử hà khắc, đánh đập khiến thần kinh của chị suy nhược nghiêm trọng, sau khi trốn về quê không lâu trở nên điên điên, dại dại. "Khi đi lấy chồng, nó tỉnh táo, xinh đẹp, trở về thì lúc tỉnh, lúc điên, nhìn mà đau lòng xót dạ. Bữa nào lên cơn điên là nó đốt, đập phá hết đồ đạc trong nhà. Phải chi ngày trước không gả, thà mẹ con chịu cực, chịu khổ có nhau", mẹ chị nghẹn giọng.

Vỡ mộng lấy chồng ngoại ảnh 1

Con trai chị T.T.M vẫn được đến trường nhưng không có giấy khai sinh.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Huỳnh Thị Kim Hương trải lòng, nhiều cuộc hôn nhân không những mang lại bất hạnh cho phụ nữ mà còn để lại hệ lụy cho những đứa con mang hai dòng máu của họ. Hậu Giang hiện có 340 trẻ lai về Việt Nam cư trú sáu tháng trở lên, đã có 179 trẻ được đi học, số còn lại chưa đến tuổi đi học.

Hầu hết cô dâu ngoại ôm con về quê gửi cho bà ngoại hoặc dì nuôi, còn bản thân thì đi làm ăn xa kiếm tiền. Chị T.T.M, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy bỏ trốn về nước lúc đứa con trai mang hai dòng máu Việt - Đài, năm nay đã học lớp 4. Chị Từ Thị Loan chia sẻ: "Mẹ nó gửi cho bà ngoại nuôi, giờ ngoại già yếu nằm một chỗ, nên nhờ cậy tôi, mỗi tháng gửi về hai triệu đồng. Thằng nhỏ tội nghiệp lắm, thiếu vắng tình thương cha, mẹ, lại nghèo, nhưng được cái học cũng khá. Chẳng biết tương lai nó ra sao!?".

Lo lắng của chị Loan cũng là mối lo chung của những phận dâu ngoại có con sau khi trở về bởi Hậu Giang có hơn 2/3 số trẻ em lai có quốc tịch nước ngoài, tuy được địa phương tạo điều kiện cho đi học, nhưng không có giấy khai sinh, đồng nghĩa các trẻ không phải là công dân Việt Nam. Khi đến ngưỡng cửa đại học, các em không được vào các trường công lập. Những vướng mắc trên nếu không sớm tháo gỡ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi và tương lai của trẻ. Trẻ em thế hệ thứ hai trong các gia đình đa văn hóa này cũng rất cần được quan tâm đúng mức để không chỉ hòa nhập được với môi trường chung quanh, mà còn phải biết và hiểu về quê hương thứ hai của mình.