Viết tiếp những giấc mơ Hạnh Phúc

Đã 55 năm kể từ ngày con đường Hạnh Phúc hoàn thành trên đỉnh trời Đông Bắc Hà Giang. Có lẽ chính những con người từng phá đá mở đường năm xưa khó có thể tưởng tượng tới ngày mà những con đường họ tạo ra đã có thể đẹp như mơ với những khúc cua mở rộng, những đoạn đường nhựa phẳng lỳ. 55 năm, có những điều ngày trước chỉ là giấc mơ, bây giờ đã là điều hiện hữu.

Đường từ Mèo Vạc đi Sơn Vĩ, một tuyến đường xương cá cắt qua đường Hạnh Phúc.
Đường từ Mèo Vạc đi Sơn Vĩ, một tuyến đường xương cá cắt qua đường Hạnh Phúc.

Giấc mơ sau 55 năm

Cuối năm 2018, tuyến đường Cán Tỷ, huyện Quản Bạ đi xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh bắt đầu đi vào sử dụng. Lối đi theo đường quốc lộ 4C cũ - tuyến đường Hạnh Phúc - từ Quản Bạ đi Yên Minh khoảng 50 cây số. Lối đi mới không qua rừng thông Yên Minh, nhưng có thể gần hơn gần 20 cây số. Tuyến đường ấy, 55 năm trước, từng là giấc mơ của những người thiết kế đường Hạnh Phúc.

Năm 1958, ông Phạm Đình Dy về nhận công tác tại Hà Giang ở cương vị Trưởng Ty Giao thông. Chân ướt chân ráo đặt chân lên vùng địa đầu Đông Bắc, anh thanh niên 30 tuổi nhận ngay nhiệm vụ lớn: thiết kế tuyến đường ô-tô từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn - mà sau này là tuyến đường Hạnh Phúc huyền thoại. Ông Dy bắt đầu 21 ngày thị sát tuyến đường khó khăn bậc nhất miền núi phía bắc lúc ấy. Ông Dy vẽ ra ba điểm mốc trọng điểm của tuyến Hà Giang - Đồng Văn: dốc Bắc Sum, khi đó là một con dốc gần như thẳng đứng; dốc Quản Bạ - cổng trời cửa ngõ đi vào Đồng Văn; và con dốc gây nản lòng nhất là phía đèo Cán Tỷ. Trong suy nghĩ ban đầu, ông Dy muốn vẽ con đường theo lối ngựa đi của bà con: “Nhưng lúc cưỡi ngựa vượt đỉnh dốc, đứng từ trên cao nhìn xuống thì tôi hiểu sức chúng ta chưa thể làm được”. Với riêng phía Cán Tỷ, ông Dy đã khảo sát thêm một chuyến 20 ngày nữa. Phương án sau cùng là làm đường qua cầu Tráng Kìm, vòng theo sông Miện ra Lùng Búng, Na Khê. “Kể cả lúc ấy cũng không yên tâm đâu. Sau hai chuyến ấy tôi cùng với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang lúc đó là Nguyễn Văn Xã tiếp tục đi thêm một chuyến nữa lên phía dốc Cán Tỷ theo đường dân đi. Nhưng cả hai đã bị lạc mất gần một ngày trời mà không lên được đỉnh dốc. May mắn là dân quân tìm thấy và đưa chúng tôi xuống”. Chuyến đi củng cố quyết định làm tuyến đường vòng, dù dài hơn 20 cây số nhưng là con đường có khả năng thi công thời điểm ấy. “Dốc Bắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn” là câu nói nổi tiếng về mức độ rừng thiêng nước độc ở ngay đoạn đầu mở tuyến đường. Bộ đội giao tranh với phỉ ở phía trên đoạn dốc, phía dưới thanh niên xung phong vẫn cần mẫn mở đường. Ông Hứa Văn Chử, Phó Ban chỉ huy công trường, còn nhớ năm đó ông được phát một khẩu súng lục để phòng phỉ tới, công trường cũng lập cả một tiểu đoàn tự vệ chống phỉ.  Mãi tới năm 1960, khi trùm phỉ Dương Mí Sàng bị xử tử ở Tráng Kìm thì tình hình mới tạm yên ổn.

50 năm sau, năm 2015, khi chúng tôi hỏi chuyện ông Dy về tuyến đường, ông vẫn nói nếu ngày đó đủ sức thì đường đã ngắn hơn nhiều. Nhưng với điều kiện chỉ có những bàn tay và những chiếc choòng sắt, giấc mơ chinh phục đèo Cán Tỷ đành gác lại.

Tuyến đường dự tính ngày xưa của ông Dy bây giờ đã được hoàn thiện sau hơn ba năm thi công.  Chỉ tiếc là người kiến tạo ngày nào đã không có cơ hội đi trên tuyến đường đó nữa. Ông Dy đã qua đời năm 2016, đúng một năm sau lễ kỷ niệm 50 năm đường Hạnh Phúc. Tôi đã không còn dịp để hỏi ông cảm xúc về giấc mơ Hạnh Phúc nay đã thành hiện thực. Rất nhiều đoạn đường mà ngày ấy, với sức người không thể hoàn thiện hết, bây giờ đã hoàn thành. Những tuyến đường khó nhất ngày xưa, cũng đã được nâng cấp hơn nhiều. Những góc cua đã rộng hơn, những tuyến đường đã trải nhựa phẳng lỳ. Ở dốc Bắc Sum, người ta đã xây dựng thêm một điểm dừng chân ngắm cảnh. Phía dốc Quản Bạ, những đoạn cua gấp đã mở rộng hơn. Năm xưa, Chỉ thị số 10 của khu ủy Việt Bắc ghi: “Bước đầu nền đường chỉ nên làm rộng 1m50, những nơi đặc biệt khó khăn có thể là 3m50”. Còn bây giờ, ngay cả những tuyến đường vào thôn, bản cũng có nơi rộng 4 m.

Những ngã rẽ Hạnh Phúc

Tuyến quốc lộ 4C cũ là tuyến chính của cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng ngay cả khi con đường đã hoàn thành, thì những tuyến đường xương cá vào các thôn, bản vẫn tiếp tục được xây dựng. Theo lời nhà thơ Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hà Giang, một cây đại thụ miền Đông Bắc, thì từ sau khi đường Hạnh Phúc hoàn thành, những tuyến đường của các huyện vẫn được tiếp tục: “Có điều lúc đó làm rất chậm”.  Huyện Đồng Văn cũng hoàn thành tuyến đường từ Sà Phìn lên Ma Lé dài 15 km trong vòng 5 năm. Huyện Mèo Vạc cũng huy động cả bộ đội và dân công làm tuyến đường mười mấy cây số đến cầu Tràng Hương đi Sơn Vĩ hết 5 năm. Con đường từ trung tâm huyện Yên Minh đến chợ Bạch Đích cũng mất 5 năm. Ngoài điều kiện khó khăn vất vả, ông Quý cũng nhận thấy cách làm giao theo số ngày cho từng gia đình như hiện nay khiến tiến độ không được như ý. Với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực huyện Đồng Văn, ông Quý nhận phụ trách tuyến đường 13km từ Ma Lé vào trung tâm Lũng Cú cuối năm 1977. Lúc đó từ Ma Lé vào Lũng Cú là mất một ngày, phải đi bộ qua lối mòn, luồn rừng. Có lần đứng dưới chân núi Rồng, nơi mà ngày nay dựng cột cờ Lũng Cú, ông Quý cứ nghĩ nếu mà có đường ô-tô thì hẳn là phải mừng lắm. “Tôi xem bản đồ đã biết cái mỏm cao nhất phía bắc Việt Nam là cái chỗ Lũng Cú rồi. Thế tôi mới nghĩ: từ chỗ Ma Lé đến cái chỗ mà bây giờ là chân núi đấy là đúng 13 km. Mà bây giờ lại gọi theo kiểu một hộ một lao động một năm 30 ngày thì chắc là hai tháng không xong được. Quan sát thì tôi thấy bà con người ta làm một cái nền nhà ở trên mỏm đá, nhưng dài khoảng 12-13 m, rộng khoảng 7-8 m, thế mà người ta không bao giờ làm hàng tháng trời. Tôi nghĩ là cũng phải làm đường kiểu như thế mới xong. Tức là làm theo kiểu khoán của người Mông. Tôi mới giao cho đồng chí trưởng phòng là anh tính cho tôi 13 km xem là bao nhiêu mét đường, xong chia đều cho lao động toàn huyện xem là bao nhiêu. Sau đó chúng tôi gọi lãnh đạo từng xã đến nhận đường chia cho từng hộ, từng lao động. Đấy, làm khoán như thế thì nhanh lắm”.

Vậy là con đường được thực hiện với quyết tâm xong trước Tết. Người Mông làm đường như làm nhà của họ, mang cả bò ra cày cuốc, bừa đất, trẻ con thì đi xúc đất, rải ni-lông dọc đường làm chỗ nghỉ. Có nhà chỉ bảy, tám ngày là xong phần mình làm. Với cách như thế, chỉ trong một tháng là cơ bản mở xong đường. Sáng ngày 12-1-1978, lễ thông xe con đường được tổ chức. Đó là lần đầu bà con Lũng Cú nhìn thấy nhiều ô-tô như vậy, lần đầu ô-tô vào đến tận nơi xa nhất cực bắc, mà tới tận 36 chiếc ô-tô từ Hà Nội, Thái Nguyên, rồi các tỉnh, huyện đến dự. “Đoàn xe lên đến chỗ đoạn bắt đầu từ Ma Lé lên, rẽ ngang sang Lũng Cú ngày xưa chụp được một cái ảnh đẹp lắm. Đoàn xe đi qua vòng cua, kín cả đoạn đường 2 km”, ông Quý nhớ lại, “Bò đang ăn cỏ chạy ầm ầm lên núi như bị hổ đuổi, xong lên đỉnh núi nó lại quay lại ngó. Người dân lần đầu tiên nhìn thấy xe lạ lắm”.

6_1-1612413162718.jpg
Ảnh trên: Mùa hoa cải. Ảnh: CHU VIỆT BẮC

Sau lễ thông đường ấy, các huyện khác cũng học Đồng Văn khoán đường. Đoạn đường ở Minh Tân, Vị Xuyên cũng hoàn thành theo hình thức khoán. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Sùng Đại Dùng, trong lễ thông xe cũng vỗ vai ông Quý, bảo cách này hay, sẽ làm theo. Chỉ một tháng là Mèo Vạc làm xong con đường từ cầu Tràng Hương đến xã Xín Cái. Tiếp đến là đường từ Bảo An lên Nghĩa Thuận của huyện Quản Bạ, đường từ chợ Bạch Đích đến trung tâm xã của huyện Yên Minh... đều hoàn thành sau một tháng. Bà Hoàng Thị Tương, nguyên trưởng thôn Lũng Làn (xã Sơn Vĩ, Mèo Vạc) nói bà tham gia mở đường hầu hết các đoạn đường ở Mèo Vạc, từ Xín Cái, Lũng Pù, Khau Vai... Từ khi áp dụng chia khoán, tiến độ thực hiện nhanh hẳn. Kể cả thời kỳ đấu tranh chống lấn chiếm và những ngày đầu tháng 2-1979, bà vẫn cùng bà con đi làm đường. “Tuyến Khau Vai là khó nhất, chỉ riêng dân công thì không hoàn thành nổi vì đá quá cứng, mìn nổ đều không được”, bà Tương nhớ lại. Ông Phạm Quang Bút, người thanh niên xung phong tham gia mở đường Hạnh Phúc trên tuyến Yên Minh cũng đã lựa chọn ở lại Hà Giang. Ông cùng dân công tham gia mở tuyến đường vào Bạch Đích: “Mình làm bao nhiêu năm ở đường Hạnh Phúc, bây giờ mở tiếp đường đi các bản, thấy không còn gì là khó khăn nữa”.

Hà Giang chỉ 5 năm sau cuộc kỷ niệm nửa thế kỷ dựng xây Hạnh Phúc đã biến đổi chóng mặt. Ở gần đỉnh đèo Mã Pì Lèng, người ta đã đặt tượng đài thanh niên xung phong mở đường. Từ nơi ấy, đã có một con đường đi đến Vách đá trắng, qua dốc Tiên, nơi mà khi xưa, người đội trưởng đội “Cơ dũng” Nguyễn Sỹ Quốc treo mình trên vách đá cảm tử hạ Mã Pì Lèng vẫn bảo “ngước lên thấy 12 tầng, lạnh sống lưng”. Con đường ấy năm xưa cũng từng là một giấc mơ, bây giờ đã là một điểm khai thác du lịch hút khách.

Có nhiều người năm ấy đã không còn nhìn thấy những sự vinh danh. Nhưng những con đường vẫn tiếp tục mở, hạnh phúc vẫn tiếp tục nối dài. Có thể mỗi ngày, Hạnh Phúc sẽ dễ dàng và bằng phẳng hơn, nhưng nếu không có những viên đá nhọc nhằn từ thuở ban sơ, làm sao có được Hạnh Phúc bây giờ?