Vì sao các ngân hàng thận trọng với BOT giao thông?

Đa số các dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), BT giao thông thường tồn tại từ ba đến năm năm, thậm chí 10-15 năm, thời gian hoàn vốn kéo dài, cho đến khi số phí thu qua các năm đã đủ bù đắp chi phí đầu tư, trả hết nợ ngân hàng. Trong khi đó, nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Chính vì vậy, các ngân hàng buộc phải ngày càng thận trọng với một số dự án giao thông.

Việc thu xếp vốn cho các dự án BOT đang là thách thức đối với nhà đầu tư.
Việc thu xếp vốn cho các dự án BOT đang là thách thức đối với nhà đầu tư.

53.000 tỷ đồng nguy cơ thành nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước vừa gửi tài liệu báo cáo các đại biểu Quốc hội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đáng lưu ý, tại báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ lo ngại, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, trong cơ cấu vốn, các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn mà phải cho vay trung dài hạn, mỗi dự án từ 10-15 năm như BOT thì “cũng là một bài toán khó”, đặt ra vấn đề về chỉ số an toàn vốn.

Ngoài chuyện cho vay BOT, BT giao thông phải trường vốn, các ngân hàng còn nhìn thấy rủi ro khi họ không thể kiểm soát hết chất lượng các dự án, nghĩa là kiểm soát tỷ lệ thất thoát vốn trong quá trình xây dựng, đồng thời việc thu phí đang ngày càng khó khăn do không ít con đường có lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến hoặc người tham gia giao thông không chấp nhận mức phí chủ đầu tư áp dụng.

Bên cạnh đó, theo lý giải của một số ngân hàng, trước đây nhiều dự án ký thỏa thuận rồi, ngân hàng cũng đã giải ngân vốn nhưng trong khâu giải phóng mặt bằng chủ đầu tư không thỏa thuận được với dân về giá, kéo dài thời gian dự án. Ngân hàng lại phải điều chỉnh kỳ hạn vay, trả nợ, ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của mình.

Bất cập chính sách trên cũng lý giải vì sao nhiều dự án BOT giao thông đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, buộc các ngân hàng ngày càng phải thận trọng. Theo số liệu cập nhật đến thời điểm này, có đến 30 dự án BOT đang trong tình trạng không bảo đảm doanh thu để trả nợ cho ngân hàng.

Ngân hàng sẽ đồng hành những dự án có ý nghĩa

Cho đến thời điểm này, việc thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án BOT đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn đang là một thách thức lớn đối với nhà đầu tư. Chính vì vậy, mới đây Ngân hàng Nhà nước cùng với một số ngân hàng thương mại, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và các nhà thầu đã có buổi làm việc nhằm thảo luận và tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến phương án đầu tư, phương án vốn đối với dự án tuyến cao tốc này.

Hiện các ngân hàng thương mại là VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank đều đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án với tổng hạn mức 6.850 tỷ đồng (bằng 70% tổng mức đầu tư dự án) nhưng chưa thể giải ngân được, do nhiều nguyên nhân.

Ông Trần Văn Tần, Ủy viên Hội đồng quản trị VietinBank cho rằng, với tư cách là tổ chức tín dụng đầu mối thu xếp vốn cho dự án, VietinBank đã theo sát quá trình hoàn thiện các phương án đầu tư, phương án vốn từ lúc dự án bắt đầu có chủ trương thực hiện. Trong thời gian qua, do các vướng mắc về pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư, thay đổi phương án thu hồi vốn, quy định lại tỷ lệ đóng góp vốn của chủ đầu tư vào dự án… nên hợp đồng tài trợ vốn cần phải bổ sung hoàn chỉnh lại cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Phía VietinBank cam kết sẽ theo sát, tài trợ đủ vốn dự án như hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Tuy nhiên theo ông Tần, phía chủ đầu tư cũng cần bảo đảm có đủ 30% vốn cho dự án, bổ sung, tính toán cụ thể hơn đối với các phương án thu phí, thu hồi vốn. Cam kết ưu tiên trả nợ ngân hàng khi có doanh thu, tính toán, giải trình chi tiết các điều khoản liên quan đến hoạt động thu phí không dừng và bổ sung vào hợp đồng tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ trương hạn chế đầu tư quá nhiều vốn vào các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, nhưng với các dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội quốc gia như dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thì các ngân hàng thương mại sẽ luôn đồng hành, tài trợ đủ nguồn vốn để các địa phương, chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ.

Tương tự đối với dự án cao tốc Bắc-Nam, Phó Thống đốc cũng cho biết Chính phủ vừa có chỉ đạo đấu thầu rộng rãi trong nước nên nhiều ý kiến cho rằng vốn tín dụng ngân hàng sẽ phải đặt ra khi nhà thầu trong nước tham gia. “Với các dự án cao tốc Bắc-Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…”, ông Tú nhấn mạnh.

Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng. Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án; tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát và đưa ra lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.