Đọc & mách

Từ mỡ ở bụng tới thần kinh ở ruột

1. Khi nào tôi lú lẫn ?

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Bắt đầu có tuổi, nhiều người thường sợ hãi tự hỏi: “Sau này có khi nào mình lẫn như cụ A, cụ B không?”. Nào ai biết được tương lai, cho nên nhiều người vẫn nhởn nhơ sống cứ như thể mình sẽ minh mẫn cho tới lúc chết; nhiều việc quan trọng cần làm lúc trí óc minh mẫn vẫn trì hoãn không chịu làm...

Nhưng nay các nhà khoa học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH, Mỹ) đã nghĩ ra một phương pháp, nhờ đó biết được tám năm sau ai có khả năng lú lẫn, ai không. Phương pháp này dựa trên một thuật toán phức tạp kết hợp nào là các thông số sức khỏe vẫn được lưu trên hệ thống (EHRs), nào là các thuật ngữ lâm sàng mô tả những triệu chứng về rối loạn nhận thức, rồi dùng phép xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để lọc ra.

Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí chuyên ngành Alzheimer’s & Dementia hồi cuối 2019. Nhóm đã dùng dữ liệu của 267.855 bệnh nhân từng nhập viện. “Với phương pháp này, chúng tôi chỉ dùng các dữ liệu lâm sàng có sẵn trong hồ sơ, không cần gì thêm nữa; vấn đề nằm ở cách sử dụng các dữ liệu ấy”, Roy Perlis của MGH cho biết.

“Điều hay nhất là ta có thể đoán được nguy cơ lú lẫn trước những tám năm”, thành viên Thomas McCoy Jr. của nhóm nghiên cứu nói.

Hiện ở Mỹ có hơn 5,5 triệu người mắc Alzheimer và khi dân số ngày càng già, con số này cũng ngày càng tăng. Việc chẩn đoán sớm lú lẫn sẽ là bước quan trọng nhất để chuẩn bị nhiều thứ cho người ấy, từ lên lịch để tăng tốc một số việc trong đời, tới thực hiện các biện pháp để trì hoãn bệnh.

2. Làm sao lấy được “mỡ tại tâm” ?

Đến tuổi trung niên, hầu như ai cũng thấy khổ vì mỡ. Mỡ trong máu, mỡ quanh bụng; và nhất là mỡ quanh bụng. Đàn ông thì chịu vậy, nhưng phụ nữ với bản chất “kiên cường” thường tìm cách chiến thắng cho được lớp mỡ này. Họ lắc vòng, ăn kiêng và uống thuốc. Đến khi thất bại, một số người trong số họ nghĩ tới đông hủy mỡ (cryolipolisis), một phương pháp để lọc bớt đi mỡ dưới da, hiện được coi là tiên tiến và an toàn nhất.

Tuy nhiên, phòng thí nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nơi từng sáng chế ra phương pháp ấy, vẫn thấy chưa thỏa mãn, do lượng mỡ lấy ra mỗi lần còn giới hạn, chỉ là lớp mỡ nông, chưa đụng được tới phần mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng.

Họ bèn mày mò nghiên cứu ra một kỹ thuật mới, không những loại bớt mỡ dưới da mà còn ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, bằng cách dùng loại kim đặc biệt để vào được sâu. Họ dùng một hỗn hợp vô trùng gồm nước muối sinh lý và glycerol (là một chất vô hại rất thông thường), cho đông đá ở mức 20 - 40% thành ra sền sệt như bùn, rồi tiêm trực tiếp vào nơi tích mỡ, khiến các tế bào mỡ bị đông lại và chết, khối mỡ cũng teo bớt. Những tế bào mỡ chết sau đó sẽ được cơ thể loại ra từ từ trong vòng vài tuần. Cái hay nhất là chất “bùn lạnh” tiêm vào sẽ chỉ tác động lên tế bào mỡ, nếu có tiêm phải các mô khác thì cũng không gây ra tác hại gì.

Kỹ thuật này hiện chưa được chấp thuận để dùng ở người, nhưng đã được mô tả trên tạp chí chuyên môn Plastic and Reconstructive Surgery vào cuối năm ngoái. Người ta thậm chí còn tin tưởng rồi đây nó sẽ trở thành kỹ thuật được ưa chuộng nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ, do vừa dễ thực hiện, lại vừa tiện. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Với phương pháp cũ, bệnh nhân phải ngồi gần cả tiếng để thực hiện. Còn với kỹ thuật mới này, bác sĩ chỉ cần tiêm một mũi đơn giản mất chưa tới một phút, cho bệnh nhân về nhà và rồi mỡ sẽ từ từ biến mất”.

Đấy sẽ thật là món quà quý mà các nhà khoa học dâng lên cho phụ nữ toàn thế giới! Từ đây cho tới khi phương pháp này đưa vào sử dụng, chúng ta vẫn nên chăm chỉ lắc vòng.

3. Hệ thần kinh ruột: vừa có camera vừa có súng

Như ta đã biết, Salmonella là thủ phạm của một phần tư số ca tiêu chảy trên toàn thế giới. Khi nhiễm Salmonella (do ăn thức ăn còn sống, thức ăn để bẩn thỉu) ta sẽ sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy.

Ruột của ta có rất nhiều tế bào và sợi thần kinh nên người ta gọi đó là “bộ não thứ hai”. Dù thế, quan điểm thông thường vẫn coi hệ thần kinh trong ruột là một thứ “chó giữ nhà”: báo ngay cho cơ thể biết khi thấy có gì nguy hiểm; còn chống đỡ ra sao là việc của cơ thể. Nhưng trong một nghiên cứu trên tạp chí Cell mới đây, các nhà khoa học tại Trường Y khoa Harvard cho biết, khi phát hiện ra sự có mặt của Salmonella, hệ thần kinh trong ruột chuột không những báo động mà còn chủ động chống lại vi khuẩn nguy hiểm này.

“Lưu manh” Salmonella

Ai cũng có một bộ ruột nhưng chắc không nhiều người biết, thành ruột là một hệ thống lọc hoàn hảo nhất trên đời, không máy móc nào sánh bằng; từ dòng thức ăn tạp nham ta ăn vào đầy vi trùng và các chất “linh tinh”, sau khi xử lý, gạn đi gạn lại thì chỉ còn dưỡng chất bổ béo và vô trùng để nuôi cơ thể. Để đãi rác thành vàng được như thế, toàn bộ thành ruột non phải làm việc ngày đêm, cảnh giác “soi” các chất và các vi sinh vật trong dòng thức ăn, cái nào an toàn và có lợi mới cho lọt tiếp vào mô ruột.

Từ mỡ ở bụng tới thần kinh ở ruột ảnh 1

Phụ trách công việc này là các tế bào M nạm đầy trên thành ruột non như các cổng ra vào kiêm trạm kiểm soát... Trò đời, cổng bảo vệ lại là nơi bọn ăn trộm hay lợi dụng nhất. Những tế bào M này cũng là nơi mà lũ vi khuẩn dùng để đột nhập mô ruột. Trong vụ này, vi khuẩn độc Salmonella quả xứng danh lưu manh.

Đầu tiên, chúng bơm một số chất khiến ruột bị kích thích tạo ra thật nhiều tế bào M “non” không đủ chuẩn. Chính ruột bị đánh lừa, tưởng mình đã tạo ra nhiều trạm gác nhưng thực ra là những trạm gác tồi. Kế tiếp, Salmonella đu lên nắm đấm cửa của các trạm gác “non dại” ấy - là các phân tử đường trên chóp tế bào M, rồi lách vào mô ruột.

“Người hùng” hệ thần kinh

Nhưng có vỏ quýt thì cũng có móng tay, các nhà khoa học của Harvard thấy ngay khi xuất hiện Salmonella trong ruột non, các tế bào thần kinh cảm thụ đau tại đây liền “tỉnh cả ngủ”. Chúng tiết ra luôn một chất tên là CGRP, làm chậm lại quy trình biệt hóa tế bào gác cổng M, tức là làm giảm các vọng gác “non dại” mà vi khuẩn Salmonella có thể lợi dụng.

Kế tiếp, chất CGRP kia sẽ “kích” cho một dòng khuẩn ruột có lợi tên là SFB sinh sản nhiều lên để chống trả Salmonella. Các con SFB này liền vươn những cái móc nhỏ tí ti của mình ra, gắn vào thành ruột, tạo một lớp áo dày chống lại.

Như vậy, quá trình trên chỉ thực hiện được khi hệ thần kinh tại ruột còn tốt. Người ta đã làm thí nghiệm trên những con chuột lành lẫn những con đã bị bất hoạt các sợi thần kinh tại ruột và thấy những con sau dễ có triệu chứng do nhiễm Salmonella hơn những con chuột lành rất nhiều. (Nhân đây cũng hiểu vì sao khi dùng một số thuốc giảm đau lại khiến người ta dễ nhiễm trùng hơn. Ấy là do các sợi thần kinh đã bị ru ngủ, khả năng bảo vệ cũng bị ù lỳ theo).

Ứng dụng của nghiên cứu

Phát hiện này quan trọng ở ba điểm:

Một: nó giúp ta thấy được mối quan hệ khăng khít giữa hệ thần kinh với hệ miễn dịch. Rõ ràng mỗi khi có nhiễm trùng, hai hệ này gửi tín hiệu cho nhau và giúp nhau tung hứng nhịp nhàng các đáp ứng bảo vệ cơ thể.

Hai: biết được cơ chế này, ta có thể làm ra một loại thuốc hoặc là kích thích cho hệ thần kinh ruột phản ứng, hoặc là bắt chước cách phản ứng của chúng mỗi khi có nhiễm trùng, thay vì khi nào cũng phải dùng kháng sinh.

Ba: câu chuyện giữa hệ thần kinh ruột với các tế bào gác cổng M ở ruột non sẽ là một mảng đề tài phong phú, vì theo nhóm nghiên cứu, tế bào M tuy quan trọng nhưng khá là “nhẹ dạ”: ngoài Salmonella, nó cũng hay bị lợi dụng bởi các vi khuẩn khác như E.coli, Shigella, Yersinia và thậm chí cả các prion, là một loại tác nhân không phải vi khuẩn, gây nên các bệnh về thần kinh rất nguy hiểm.

Về prion, trong một dịp thuận tiện chúng ta sẽ bàn về nó.