TP Hồ Chí Minh:

Trước Xuân, nghĩ &ngẫm

Nhiều năm nay, vào dịp cuối năm, khi mưa cuối mùa đã dứt, thời tiết se lạnh, tôi lại lên trung tâm thành phố, tản bộ giữa dòng người nhộn nhịp, những phố phường quen thuộc, nghe gió lồng lộng thổi trên những tàng cây, rồi nghĩ và ngẫm về một năm đi qua.

Sắc màu rực rỡ khu quận 1, xa xa là quận 2 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.Ảnh | Lê Minh Tân
Sắc màu rực rỡ khu quận 1, xa xa là quận 2 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.Ảnh | Lê Minh Tân

Năm rồi, hai ga tàu điện ngầm trước UBND thành phố Hồ Chí Minh và cạnh chợ Bến Thành đang thi công, nên giao thông bị nhiều cản trở. Nhà thờ lớn đang trùng tu, che chắn kín. Góc sau Công trường Lam Sơn, phía đường Hai Bà Trưng, có tấm bia chiến công đánh Cư xá Brink, nơi ở của sĩ quan Mỹ, năm 1964, nay xây lại mang tên Hotel Park Hyatt, 5 sao. Đây là trận đánh táo bạo, mưu trí của biệt động anh hùng thành phố Sài Gòn. Đi trên thành phố này ta thường gặp những địa chỉ đỏ như thế. Thêm vài ngã tư nữa là tới Lãnh sự quán Mỹ (trước 1975 là Đại sứ quán Mỹ), rẽ trái là Dinh Độc Lập, rẽ phải là Đài phát thanh, nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt đêm giao thừa xuân Mậu Thân 1968.

Lại nhớ hồi đầu năm, hướng tới Kỷ niệm 50 năm Mậu Thân, tôi và mấy nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, “những người từ trong rừng ra”, cùng đi lại con đường mà các anh chị tiến vào thành phố Mùa xuân 1968 ấy, bắt đầu từ Long An, qua Bình Chánh, quận 8, quận 6, quận 5, quận 7. Đến đâu, ai biết, đều tỏ bày sự hồ hởi, mừng vui như gặp lại người quen cũ. Một người trong đoàn nhận xét, hồi đó không có lòng dân thì làm sao có thể vào được thành phố, có nơi trụ bám hàng tháng trời giữa phố phường dày đặc ngụy quân và tai mắt địch cài cắm đến từng xóm ấp, từng liên gia. Quả thực, tấm lòng và khí phách của người Sài Gòn khiến họ không tiếc tiền của, máu xương cho cách mạng, có người bỏ hết gia sản giàu có để vào bưng biền kháng chiến; nhiều nam nữ biệt động, biết có thể hy sinh nhưng vẫn lên đường làm nhiệm vụ đánh vào sào huyệt địch tại Dinh Độc Lập, Sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân.

Trước Xuân, nghĩ &ngẫm ảnh 1

Các quầy bán hàng lưu niệm bên trong chợ Bến Thành. Ảnh | Simone Della Fornace


Năm kỷ niệm trọng thể 50 năm Mậu Thân này có nhiều hoạt động, trong đó có một hội thảo lớn tại thành phố thu hút hơn một trăm báo cáo khoa học. Thật ra, từ Đổi mới, đã có nhiều ý kiến đánh giá đi - lại về sự kiện này. Nay thêm một lần nhìn nhận lại toàn diện, phong phú, đa chiều hơn. Thêm nhiều tình tiết, nhiều khía cạnh mới nhưng cốt lõi vẫn là khẳng định ý nghĩa quan trọng và to lớn của Mậu Thân với tiến trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra mặt trận ngoại giao, và ký kết Hiệp định Paris loại quân Mỹ khỏi cuộc chiến, tạo thế và thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Chính cái truyền thống của quá khứ là cơ sở cho sự năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới mà TP Hồ Chí Minh được xem là nơi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, lại được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện bằng Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, xác định vai trò của thành phố trong sự nghiệp chung, và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố để sự chủ động nhiều và cao hơn.

Thành phố hơn 10 triệu dân, đóng góp khoảng một phần tư GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước, là những số liệu rất có ý nghĩa. Năm nay tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn ước đạt hơn 8,3%, cao hơn năm trước (8,25%) và hơn bình quân cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực. Nông nghiệp còn 0,7%, dịch vụ tăng lên tới 62%. Trong công nghiệp, các ngành chế tạo và xây dựng chiếm ưu thế và có sự tiến bộ rõ rệt. Tỷ trọng nông nghiệp giảm, nhưng giá trị sản xuất đất nông nghiệp tăng lên, có nơi lên tới 460 triệu đồng/ha.

Trong bảy chương trình đột phá của Thành ủy đề ra cho giai đoạn 2015-2020 thì đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thành phố là cốt tử và nặng nề hơn cả. Muốn năng suất cao phải có công nghệ hiện đại và trình độ, tay nghề cao, nhưng nhiều công việc người lao động của ta mới được làm quen, hơn nữa, giáo dục đào tạo hiện tại của ta lại chưa đáp ứng tốt, nên nhiều nơi nhân sự phải đào tạo lại. Cuộc sống luôn chuyển động theo hướng đi lên, luôn luôn cần cái mới, công nghệ mới, cho nên việc đào tạo dường như không có giới hạn cuối cùng.

Chương trình chỉnh trang thành phố cũng có nhiều thành tựu. Chỉ việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và việc hoàn thành hàng loạt các tuyến giao thông huyết mạch như đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ; các đường phố khu vực trung tâm được tu bổ lại; các cao tốc kết nối với miền Đông, miền Tây, sang các nước láng giềng; rồi hệ thống nhà ở với nhiều cấp độ, đáp ứng nhu cầu khác nhau được xây mới đã góp phần làm cho gương mặt thành phố nhiều đổi khác, mà lòng dân thì vui lên nhiều.

Hai chương trình “chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông” và “chống ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu thiên tai” tưởng đơn giản mà nhiều khúc mắc. Đã có nhiều giải pháp cho “chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông” nhưng xem ra chưa biện pháp nào thật hiệu quả. Ùn tắc vẫn nghiêm trọng ở nhiều điểm. Sự ức chế còn lớn khi ngày hai lần đi làm đều phải “chết cứng” hay nhúc nhích giữa khói bụi và tiếng ồn hàng tiếng đồng hồ, chỉ để vượt qua cái cầu vài trăm mét hay cái bùng binh bán kính cũng cỡ đó. Ấy thế mà người đứng đầu lĩnh vực này của thành phố vẫn cố chống chế “đó không phải là kẹt xe, vì xe vẫn còn nhúc nhích”. Phát ngôn nghe thật hài hước và lối tư duy hời hợt ấy làm sao có thể tạo ra quyết tâm xử lý rốt ráo. Thỉnh thoảng còn xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng nghĩa là những tai họa bất thần gây cảm giác bất an. Việc chống ngập nước cũng chưa thấy hiệu quả rõ. Chống chỗ này lại ngập chỗ khác, xóa điểm này lại xuất hiện điểm mới. Thành phố đã bỏ tiền chấp nhận dự án chống ngập bằng máy bơm siêu khủng với lời “cam đoan một tấc đến trời: không hết ngập không lấy tiền” cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng rồi cũng chưa thành công vì nhà thầu lại nêu thêm nhiều “lý do bất khả kháng”. Hy vọng hệ thống cống ngăn triều Mương Chuối ở Nhà Bè nay mai hoàn thành có giải quyết được phần nào chăng?

Trong các báo cáo của thành phố thường nói về chữ nghĩa tình. Quả thật nghĩa tình là nét đặc sắc của TP Hồ Chí Minh. Đây là nơi từng đi đầu trong nhiều phong trào nhân đạo, từ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, lập mái ấm hạnh phúc, quỹ từ thiện cho người nghèo, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Rất nhiều cơ sở từ thiện nảy sinh. Những suất cơm miễn phí ở nhiều bệnh viện, những quán cơm 2.000 đồng/suất sạch sẽ, phục vụ tận tình xuất hiện ở nhiều nơi, với những tình nguyện viên giàu lòng nhân ái, được đông đảo người nghèo hoan nghênh. Vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lần đã đến ăn cơm 2.000 đồng tại quán Nụ cười và hoan nghênh việc làm tốt đẹp này. Tất nhiên ông bà không quên ủng hộ 50 triệu đồng để quán thêm kinh phí trang trải. Chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp), nuôi dưỡng rất nhiều trẻ mồ côi bị bỏ rơi, trẻ mắc bệnh nan y, trẻ khuyết tật, là một địa chỉ từ thiện nổi tiếng và giàu tình người. Sư thầy trụ trì và đội ngũ các ni cô, phật tử, tình nguyện viên chăm sóc các cháu tận tình, chu đáo, yêu thương như cha mẹ ruột. Tôi đã đến thăm chùa nhưng vẫn không thể hình dung hết những gì mà sư thầy và các tình nguyện viên đã làm, chỉ biết cảm động và ngưỡng mộ. Ở thành phố này còn rất nhiều địa chỉ như thế.

Sài Gòn là thành phố của hoa và cây cảnh. Ngày Tết, hoa và cây cảnh đổ về từ nhiều nơi. Nhiều nhất là Đồng Tháp, Bến Tre. Rồi từ Bình Dương, Tây Ninh, Tây Nguyên. Miền trung có Phú Yên, Bình Định. Lại có cả đào bắc vào theo đường máy bay, ô-tô, tàu hỏa. Chợ hoa mở khắp nơi: Công viên 23-9 quận 1, Công viên Gia Định quận Phú Nhuận, Công viên Lê Thị Riêng quận Tân Bình, Chợ hoa Gò Vấp, gần đây thêm chợ hoa Phú Mỹ Hưng quận 7, chợ hoa Hiệp Phước đầu quận Nhà Bè cũng bề thế. Đấy là chưa tính đến những điểm bán hoa ngay tại bến sông, bến kênh. Đủ các sắc hoa, nhưng người Sài Gòn ưa chuộng vẫn là mai, cúc. Một vài nhà người gốc bắc thích chơi đào bích hay đào phai gợi nhớ cái Tết quê xa. Người Sài Gòn bây giờ thích du lịch ngày Tết, đi trong nước, nước ngoài, không chỉ những nhà nhiều tiền mà ngay cả những người dư dả chút ít cũng đi. Cho nên, vào ngày Tết, đường xá quang đãng, vì dân đi du lịch, công nhân ngoại tỉnh về quê, sinh viên nghỉ Tết, học sinh nghỉ học, nên lượng giao thông thưa vắng hẳn.

Đường hoa Tết là nét đẹp mới của thành phố hình thành mười lăm năm nay. Cả một phố hoa trên đường Nguyễn Huệ. Rất nhiều tiểu cảnh và các loại hoa được các kiến trúc sư, nghệ nhân tay nghề cao sắp đặt khéo léo kết hợp với tín ngưỡng tâm linh tạo nên nhiều ý nghĩa đa dạng, phong phú, giới thiệu nét đặc sắc của vùng đất qua góc nhìn thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn. Năm nào cũng có hàng triệu người dân và du khách háo hức đến thưởng lãm.

Năm nay, thành phố có một vụ việc không vui là Chính phủ công bố Kết luận Thanh tra về những sai phạm quản lý đất đai ở Thủ Thiêm. Nhìn một góc độ khác, đây là tín hiệu tốt, vì sự thật được phanh phui, lẽ phải được lập lại. Kết luận chỉ ra các vi phạm của nhiều cơ quan và cá nhân về xử lý quy hoạch đất đai tại đây, mà người dân nhiều năm khiếu kiện nhưng không được giải quyết hợp tình hợp lý. Dẫu sao đây mới chỉ là bước đầu, chắc không ít người sẽ bị liên đới đến chuyện này vì đây là một dự án lớn, nhiều tiền của, nhiều đất đai, thất thoát không nhỏ đã đành mà những vi phạm đã đẩy hàng nghìn người vào oan sai, vào tình cảnh cơ cực. Cũng vừa rồi, mới qua xử lý sơ bộ vài vụ việc về chuyển nhượng đất vàng, lạm quyền bán rẻ đất công, liên quan đến một số lãnh đạo của Thành ủy, UBND, xem ra đã rúng động dữ dội. Trong không khí chống tham nhũng quyết liệt hiện nay, rất cần xử lý nghiêm những kẻ lạm dụng quyền lực, làm những việc sai trái, gây những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Trong cuộc tiếp xúc của chính quyền với người dân Thủ Thiêm mới rồi, tôi thấy có những bà má nghèo tóc đã bạc trắng, miệng kêu oan mà đứng không vững. Nếu biết trong số ấy có người từng vét những lon gạo cuối cùng để nuôi thương binh, nuôi cán bộ nằm vùng, trong khi con mình phải ăn mì ăn khoai qua bữa, thì người ta có hành xử vô cảm như trong vụ việc vừa qua?

Tôi từng giao lưu đôi ba lần với thầy trò các trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong, những trường chất lượng hàng đầu của thành phố. Nhìn lớp học sinh đang vào tuổi trưởng thành được nuôi dưỡng tốt, em nào cũng tươi đẹp, khỏe mạnh. Trao đổi với các em, tôi biết rất nhiều em có khát vọng trở thành bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, hay nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà toán học giỏi. Thành phố đang chủ trương xây dựng các đô thị sáng tạo phía đông, bao gồm quận 2 là trung tài chính thương mại, quận 9 là khu công nghệ cao, quận Thủ Đức tập trung các trường đại học lớn. Thành phố cũng đang học hỏi và quyết tâm xây dựng nơi đây thành đô thị thông minh. Đó là tầm nhìn xa, những khát vọng cần của đội ngũ lãnh đạo hôm nay, và tôi mong những khát vọng ấy sớm thành hiện thực.