PGS, TS, Trung tướng Trần Văn Độ:

“Tổ chức thực hiện nghiêm chứ không chỉ tăng hình phạt”

Từng nắm giữ nhiều trọng trách, Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, hiện nay dù đã nghỉ hưu nhưng PGS, TS, Trung tướng Trần Văn Độ (ảnh bên) vẫn nhiệt tình tham gia nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn..., đưa hệ kiến thức pháp luật uyên thâm của mình phục vụ cộng đồng, hướng tới mục tiêu mà ông phụng sự suốt đời là: Xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh, vì con người, tạo được hành lang pháp lý an toàn cho toàn bộ đời sống xã hội... Ngay trước thời khắc cuối cùng của năm cũ dương lịch 2018, PGS, TS, Trung tướng Trần Văn Độ đã trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng.

“Tổ chức thực hiện nghiêm chứ không chỉ tăng hình phạt”

Năm 2018 có nhiều vụ án hình sự được Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong cả nước. Điển hình như vụ lái xe container đâm vào xe Innova đi lùi trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội, người dân không đồng tình với bản án sơ thẩm, phúc thẩm, có những phản ứng dữ dội. Theo Trung tướng, dư luận xã hội có phải là nguyên nhân khiến Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giám đốc thẩm, ra quyết định kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại?

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo kháng nghị của Chánh án, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại là hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Theo tôi, việc kháng nghị vụ án một phần nhờ sự phát hiện của dư luận xã hội, nhưng quyết định giám đốc thẩm là do hội đồng xét xử đã nghiên cứu hồ sơ vụ án, phát hiện ra những điểm chưa rõ ràng, hợp lý của bản án. Dư luận có thể đồng tình hay không đồng tình với bản án, bày tỏ thái độ, nhưng các cơ quan xét xử tôn trọng nguyên tắc tố tụng độc lập, giữ thái độ khách quan, khoa học, không để dư luận xã hội tạo áp lực dẫn đến xét xử sai vụ án.

Trên thực tế trong những năm gần đây, khi mạng xã hội, các diễn đàn mạng trở nên phổ biến, có hiện tượng luật sư tham gia tranh tụng trong một số phiên tòa, hoặc những vụ việc liên quan đến thân chủ của họ đã đưa tình tiết của vụ án, vụ việc lên mạng xã hội để tranh thủ sự quan tâm của dư luận, thưa Trung tướng?

Theo tôi, đúng là có hiện tượng luật sư đưa ý kiến, quan điểm hoặc một phần nội dung bản án, vụ việc lên mạng xã hội, tất nhiên là để tạo dư luận xã hội theo hướng có lợi cho việc bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Thậm chí, còn có cả một số Đại biểu Quốc hội lên tiếng về vụ án, yêu cầu Tòa án phải xử thế này xử thế kia trên diễn đàn Quốc hội ngay trong lúc tòa án đang xét xử. Việc này đi ngược lại nguyên tắc Thẩm phán và Hội đồng xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Dùng áp lực dư luận can thiệp vào phiên tòa đang diễn ra là trái pháp luật. Tôi còn nhớ khi chúng tôi tham gia biên soạn Hiến pháp 2013, có ý kiến đưa ra là chỉ cấm can thiệp trái pháp luật vào việc xét xử của Tòa án. Chúng tôi phản bác ngay, Tòa án xét xử độc lập, mọi can thiệp vào việc xét xử của Tòa án đều là trái pháp luật, cho nên Hiến pháp đã quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

Vậy theo Trung tướng, các luật sư làm như thế có là sai luật không?

Trong hoạt động tố tụng, luật sư thực hiện theo quyền và nghĩa vụ mà pháp luật tố tụng đã quy định, không nên sử dụng các biện pháp ngoài tố tụng để thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Luật Báo chí đã quy định cấm quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, nhưng mạng xã hội thì không; các luật về tố tụng tư pháp, Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam… chưa điều chỉnh cụ thể vấn đề này, cho nên cũng khó cho rằng các luật sư vi phạm pháp luật. Tuy nhiên bất cứ ai, nhất là các luật sư, phải luôn tôn trọng các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, không nên gây sức ép đối với Tòa án, thẩm phán. Pháp luật của chúng ta chưa lường hết được những diễn tiến này. Có luật sư sử dụng mạng xã hội vì hoạt động tham gia tố tụng của mình chứ không hẳn vì công lý. Dư luận xã hội không phải lúc nào cũng đánh giá được đầy đủ tính chất vụ án, có nhiều phản ứng khiến thẩm phán phải chịu sức ép nặng nề, thậm chí gặp phải những tai nạn nghề nghiệp không đáng có. Rộng dường dư luận là đúng, giám sát là cần thiết, nhưng bất cứ sự can thiệp nào, dù mượn dư luận xã hội thông qua các diễn đàn mạng xã hội về lâu về dài sẽ có hại cho công lý, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với pháp luật.

Trong quá trình đảm nhiệm các trọng trách như Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cá nhân ông đã phải đối mặt với những vụ án nào có sức ép xã hội rộng lớn?

Có chứ, cách đây mấy năm, có vụ án một cô giáo thuê người đổ xăng đốt cả nhà chồng. Vụ đó dư luận cũng rất phẫn nộ, hầu hết đều cho rằng bị cáo phải chịu bản án tử hình. Khi Tòa án Quân sự cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên bản án chung thân đối với bị cáo, rất nhiều đơn tố có tiêu cực, giúp bị cáo thoát án tử hình được gửi tới các nơi. Cấp trên gọi tôi lên báo cáo, tôi nói: Đây là án truy xét, theo mọi chứng cứ thể hiện trong hồ sơ thì không thể tuyên được án tử hình, và càng không được tuyên tử hình để nương theo dư luận. Hay một vụ án khác, một người trẻ dùng súng bắn chết và bị thương nhiều đồng nghiệp. Ai cũng nghĩ thủ phạm sẽ đương nhiên lĩnh án tử hình, trong khi bản án tuyên chung thân. Tôi đã nghiên cứu hồ sơ, về cả nơi xảy ra vụ án và xác định được, bị hại cũng có lỗi phần lớn. Vụ này, cũng có dư luận rằng Tòa nương nhẹ và tôi cũng phải giải trình. Tôi báo cáo với lãnh đạo để mọi người không chỉ nhìn sự việc mà phải đi từ nguyên nhân. Bị cáo đang tuổi thanh niên, nhân thân tốt, suốt một thời gian dài đã bị các nạn nhân đánh đập, làm nhục theo kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới” mà cơ quan không biết để can thiệp, cho đến khi điều đáng tiếc xảy ra. Bị cáo sau này chấp hành tốt hình phạt, được giảm án và đã trở về, thành một doanh nhân...

Hình như triết lý pháp luật của ông là hướng tới sự khoan dung, nhân bản?

Tôi từng tới thăm một trường giáo dưỡng của một nước ở phương Tây, thấy ngôi trường đó cơ sở vật chất rất tốt, tiện nghi đầy đủ, đội ngũ cán bộ giáo dục đông đảo mà chỉ có chừng chục thiếu niên được giáo dưỡng trong đó. Tôi hỏi ông giám đốc thế thì có lãng phí quá không. Ông giám đốc trả lời, nếu nhìn hiện tại thì có thể tốn kém, nhưng suy rộng cho tương lai không tốn kém chút nào. Mười thiếu niên chưa ngoan được dạy dỗ, chăm sóc trở thành mười người đàn ông tốt, trưởng thành họ sẽ lấy mười cô vợ tốt, sinh ra vài chục đứa con tốt và cứ thế lại thêm cả trăm đứa cháu tốt, một nguồn lợi quá tốt cho xã hội. Pháp luật hình sự không chỉ để răn đe mà hơn hết là giáo dục, cải tạo người phạm tội và tạo hành lang pháp lý an toàn cho người dân. Nghiên cứu pháp luật nhiều nước, tôi rút ra kết luận, ở các nước có giáo dục pháp luật tốt, đời sống nhân dân cao, ý thức pháp luật tốt thì ít tội phạm dù hình phạt rất nhẹ. Có những bài báo khi lý giải nguyên nhân phạm tội, thường kết luận, do chế tài chưa nghiêm. Nhiều khi tôi không hiểu nổi, thế nào mới là nghiêm. Pháp luật ở Việt Nam là một trong những hệ thống pháp luật nghiêm khắc nhưng hiệu quả đạt được còn hạn chế: tội phạm không giảm; các tội phạm nghiêm trọng có xu hướng tăng… Vấn đề là phải thay đổi tư duy, nhận thức, tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh chứ không chỉ tăng thêm hình phạt.

Vậy thưa ông, phải làm gì để khắc phục tình trạng chủ tọa vừa xét xử vừa phải nghe ngóng dư luận?

Tất nhiên phải có một mặt bằng dân trí cao để tạo nên một nhận thức đúng. Có một nền tảng xã hội nhân bản, đề cao giá trị nhân văn. Đảng và Nhà nước cần bảo đảm để nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được thực hiện triệt để. Phải xây dựng đội ngũ thẩm phán chuẩn mực, có năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, lấy bảo vệ công lý làm mục đích hoạt động. Trước mắt, tạo cơ chế để đội ngũ thẩm phán trui rèn được bản lĩnh, và tránh tình trạng xử lý kỷ luật thẩm phán chỉ vì nương theo dư luận. Sẽ rất khó khăn cho các thẩm phán, cho cả công lý nếu chủ tọa phiên tòa vừa xử án vừa phải nghe ngóng dư luận xã hội, bởi thực tế đã có lúc, dư luận xã hội tạo nên sức ép cực lớn làm méo mó cách nhìn đối với kết quả xét xử của Tòa án.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!