Chính sách cuộc sống

Thuế tài sản

Mới đây, Dự thảo Luật Thuế tài sản đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến công chúng. Và tất nhiên, các ý kiến phản đối cũng như ủng hộ đều có đầy đủ cả. Cho dù, các ý kiến phản đối đang lấn lướt các ý kiến ủng hộ, thì đây có vẻ vẫn sẽ là một cải cách thật sự. Bởi vì rằng, như ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh nhận xét: "Nếu một cải cách mà tất cả mọi người đều ủng hộ thì có nghĩa là bạn chẳng cải cách cái gì hết cả!".

Ảnh: KHÁNH AN
Ảnh: KHÁNH AN

Tuy nhiên, để Thuế tài sản thật sự trở thành một cải cách, không ít các vấn đề có liên quan cần quan tâm giải quyết.

Trước hết, đó là mức giá trị tài sản bắt đầu bị đánh thuế. Đánh thuế nhà với mức giá trị bắt đầu từ 700 triệu đồng như trong dự thảo của Luật Thuế tài sản có vẻ là khá thấp. Với mức này, rất nhiều người nghèo sẽ phải đóng thuế tài sản đối với căn nhà của mình. Mà như vậy, thì đời sống của họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khả năng của họ đầu tư để tái sản xuất sức lao động, đầu tư cho giáo dục con cái, cho chăm sóc sức khỏe đã rất thấp, bây giờ sẽ còn thấp hơn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ công bằng xã hội, mà còn đến cả nguồn nhân lực rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói riêng và đất nước nói chung.

Hai là, xử lý vấn đề thu cái gì và thôi không tiếp tục thu cái gì. Cho dù mức giá trị nhà bị đánh thuế là 700 triệu đồng được chấp nhận, thì việc thuế chồng lên thuế cũng cần được xử lý. Chắc chắn, những người có nhà giá 700 triệu đồng đã phải đóng rất nhiều thứ thuế, phí, lệ phí cho căn nhà của mình. Tính sơ sơ chúng ta đã thấy đó là thuế đất ở, thuế trước bạ, phí an ninh, phí vệ sinh...

Cứ cho là việc đánh thuế tài sản có nhiều ưu điểm, thì việc thu thêm Thuế tài sản vẫn có thể là một nhược điểm trong tình hình hiện nay. Vấn đề là tỷ lệ GDP do người dân làm ra đã bị huy động vào Ngân sách rất cao. Trong năm 2018 tỷ lệ này dự kiến là 23,9%. Đây được coi là mức cao nhất trong các nước Đông-Nam Á. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ huy động thuế, phí trên GDP của Việt Nam là khoảng 20%, Thái-lan là 16,1%, Philippines là 13,5%, Malaysia là 14,3%, Indonesia là 12,4%.

Một câu hỏi bao trùm liên quan đến chính sách thuế là người dân chi tiêu thì tốt hơn hay Nhà nước chi tiêu thì tốt hơn? Công bằng mà nói, có những thứ người dân chi tiêu sẽ tốt hơn, nhưng cũng có những thứ Nhà nước chi tiêu sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, những thứ Nhà nước chi tiêu sẽ tốt hơn thật ra không nhiều. Những thứ đó trước hết là các công vụ liên quan đến quốc phòng, ngoại giao, trật tự - pháp luật và công lý. Trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, thậm chí khoa học-kỹ thuật... Nhà nước chi tiêu vẫn không hiệu quả bằng người dân. Đó là chưa nói tới những chi tiêu để phục vụ các nhu cầu dân sinh, thì người dân chi tiêu bao giờ cũng hiệu quả hơn và hợp lý hơn Nhà nước.

Trong mối tương quan như trên, tỷ lệ chi tiêu giữa Nhà nước với người dân phải là Nhà nước chi tiêu ít, người dân chi tiêu nhiều. Nếu Nhà nước dùng thuế để tăng thu cho ngân sách, thì điều đó chỉ có nghĩa là tăng chi tiêu của Nhà nước, giảm chi tiêu của người dân mà thôi. Do trong đa số các trường hợp, Nhà nước chi tiêu không hiệu quả bằng người dân, nên lợi ích chung của xã hội, của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Chính vì vậy, ban hành thêm Thuế tài sản, thì cũng cần thiết phải cắt giảm bớt các loại thuế, phí khác đang nhiều trùng trùng, điệp điệp như quân Nguyên hiện nay. Song song với điều này, cũng cần phải áp đặt kỷ luật nghiêm ngặt và nâng cao hiệu quả chi tiêu của Nhà nước.