Giáo sư Hà Minh Đức

Tầm vóc của một nhà văn hóa

Thầy Đức ngồi lọt giữa gian phòng ngồn ngộn sách trong ngôi nhà bao quanh bởi hoa lá ở cái xóm ngoại ô kề bên Cổ Loa thành, Đông Anh (Hà Nội)... 85 tuổi (sinh năm 1935), những đồng tuế đồng môn, những bằng hữu cùng thời cùng lứa đã dần thưa vắng, Giáo sư Hà Minh Đức vẫn minh mẫn khúc triết, vẫn giọng nói ấm và vang, vẫn đều đặn ngồi vào bàn viết, cần mẫn làm việc mỗi ngày mà không bận tâm tới một sự nghiệp viên mãn tròn đầy ông đã gầy dựng được. Trong trọn cuộc đời của một nhà giáo, nhà khoa học nhân văn tâm huyết, lương thiện..., thầy Đức - GS Hà Minh Đức đã để cho đời nhiều thế hệ học trò và hơn nữa, lượng khổng lồ sách xứng tầm một nhà văn hóa lớn...

Ký họa chân dung GS Hà Minh Đức của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung GS Hà Minh Đức của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Thành lệ, lâu lâu mà có khi chỉ chừng độ vài ba tháng, lại nghe tin thầy Đức ra sách. Học trò mỗi dịp ghé thăm, thầy thể nào cũng có sách mới để tặng. Tuân thủ phong thái và phép tắc của một người lao động chữ nghĩa chỉn chu nghiêm cẩn, thầy Đức để có mỗi xuất bản phẩm phát hành là quá trình cộng gộp của hàng bao năm nghiên cứu, dụng công làm tư liệu. Cuốn chuyên luận Đối thoại Hồ Chí Minh với nhân dân, ngoại giao và báo chí (1918-1969) ra mắt dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ (NXB Công an nhân dân ấn hành) tiếp tục là một tâm huyết nữa của GS Hà Minh Đức với đề tài luôn được ông ưu tiên hàng đầu: Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Trong lời mở đầu cuốn sách, thầy Đức viết: “Người đã tiếp xúc, trao đổi, tranh luận, đối thoại với nhiều đối tượng ở trong và ngoài nước với trí tuệ sắc sảo, vốn kiến thức uyên bác, tinh thần dân chủ thuyết phục. Do phải gặp gỡ trao đổi tranh luận với nhiều đối tượng từ cá nhân cho đến mọi tập thể, từ trực tiếp cho đến gián tiếp, đối thoại Hồ Chí Minh phong phú đa dạng. Chúng tôi ghi nhận để nghiên cứu những đối thoại trực tiếp qua hội thoại và gián tiếp qua thư từ của Người trao đổi và gửi cho những địa chỉ đích danh của cá nhân, tập thể có yêu cầu trao đổi với Người.”... Thầy Đức hào hứng bảo rằng, hình như chưa có ai nghiên cứu về Bác Hồ ở góc độ này, nên còn sức, còn thời gian thì thầy còn làm, có những việc thầy không làm mai này lấy ai làm nữa... “Đối thoại Hồ Chí Minh bao gồm các đối thoại với nhân dân, ngoại giao và báo chí. Trong thời kỳ ở nước ngoài, nhất là ở Pháp, Nga rồi Trung Quốc chủ yếu là đối thoại ngoại giao. Khi Người là một thanh niên yêu nước, một thanh niên yêu nước nên đối thoại thẳng thắn, cởi mở, đặc biệt trong phê phán kết án chủ nghĩa thực dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, với tư cách là Chủ tịch nước, đối thoại với nhân dân gần gũi và thân thiết”... Lối xử thế điềm đạm, nhu thuận, GS Hà Minh Đức luôn lặng lẽ thực hiện công việc mà ông đã định liệu, luôn nhất quán trước sau với các lựa chọn bằng bổn phận của một trí thức tự trọng, giàu tinh thần trách nhiệm.

Khoa Báo chí Trường đại học Tổng hợp ngày ấy, nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vừa kỷ niệm 30 năm thành lập. Trong hồi ức của nhiều sinh viên ba thập niên trước luôn có bóng dáng GS Hà Minh Đức, thầy Chủ nhiệm khoa đầu tiên. Là người chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu kinh viện, nhưng khi nắm trọng trách quản lý, định hướng, gầy dựng đường đi nước bước cho một ngành học mới của trường, ngành học luôn đòi hỏi phải cấp tiến, phải linh hoạt và ôm đồm đủ các kiến thức tổng hợp, chính sự ôn hòa, liên tài của thầy đã giúp khoa thu hút được nhiều những cá nhân làm báo ưu tú, thực tiễn bậc nhất thời điểm đó về giúp sức... PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, một trong những sinh viên báo chí khóa đầu hồi ức: “Thầy không chỉ là một trong những trụ cột chính trong lĩnh vực chuyên môn của khoa, mà còn là người tạo dựng chỗ dựa tinh thần, là người công tâm, nhân ái, dung hòa những điều khác biệt đến đối lập, gắn kết các thành viên trong khoa dưới một mái nhà chung”. Đào tạo báo chí, viết báo, quan sát sâu rộng con đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam nên trong các công trình đã xuất bản, GS Hà Minh Đức thường hay chú trọng tới nghiên cứu sự nghiệp báo chí của các tác gia lớn, như Đối thoại Hồ Chí Minh với nhân dân, ngoại giao và báo chí là một thí dụ mà ở đó thời lượng cho đối thoại báo chí cũng chiếm phần nhiều...

Danh mục sách của GS Hà Minh Đức tới mùa thu năm 2020 đã tới con số 75, 75 đầu sách cho 85 năm tuổi đời và chưa hề có dấu hiệu dừng lại khi thầy vẫn khoe những bìa sách rục rịch in ấn. Bước đi lẫm chẫm, chậm chạp, sức khỏe mươi phần giảm sút sáu, bẩy, thầy Đức mỗi ngày tuần tự ngồi vào bàn viết, đua tranh với thời gian. Đọc, viết, tìm tòi cùng một chút ngậm ngùi, một thoáng chạnh lòng bởi mối lo: dường như nhiều giá trị trong quá khứ đang bị ngày hôm nay xem nhẹ và thầy cứ túc tắc làm, cần mẫn hoàn tất để góp nhời nhắc nhớ đương thời. Nhiều dự định còn ăm ắp trong tư duy mạch lạc của một trí thức không ngừng suy nghĩ, GS Hà Minh Đức hiện diện giữa những tháng năm này như một nhà văn hóa bản lĩnh, hồn hậu, một điểm tựa hướng về cho nhiều thế hệ học trò đang tung tăng bươn trải trong cuộc sống... Càng tuổi cao, càng tươi trẻ, GS Hà Minh Đức vài năm trở lại đây, liên tiếp cho ra mắt những sáng tác văn học, thầy làm thơ, viết truyện ngắn, bút ký... luôn với tâm thế lạc quan trong trẻo của người không mấy dụng công toan tính mưu sự đời: “Lầm lũi đi trong đêm/ Gần hết cả cuộc đời/ Bao nhiêu điều gắn bó/ Dần đi vào lãng quên/ Nửa đêm nghe gió thổi/ Thấy ngày tháng chơi vơi/ Mình như con thuyền nhỏ/ Lặng lẽ giữa trùng khơi/ Mong một đốm lửa sáng/ Mong có tiếng nói cười/ Lòng bảo lòng hoảng hốt/ Bến bờ quá xa xôi”... Bao quanh thầy là hằng hà sa số những giai thoại mà có dịp nghe kể để vui để cười, để kể cả có nuối tiếc..., nhưng tựu trung lại đều thấy dịu lòng ấm áp mỗi lúc hướng về. Học trò thầy Đức, nhân viên GS Hà Minh Đức vẫn khúc khích cho nhau những câu chuyện kiểu như, luôn quan tâm đến mọi người đi đâu về thầy cũng có quà dẫu ngược lại thầy không bao giờ nhận quà của sinh viên hay thuộc cấp. Có biếu, có tặng, có mang tới thì thầy cũng tìm cách trả lại bằng được, nghiêm khắc và cương quyết đến độ mọi người nghĩ kế thầm thì cùng nhau: Lần này thầy đi công tác, có tặng quà thì không ai được cầm, có cầm rồi cũng trả lại bằng được, để thầy thấm cảm giác bị “từ chối” nhé. Hơn 60 năm làm thầy, ân tình với chữ nghĩa sách vở, ân cần với học trò, đồng nghiệp, GS Hà Minh Đức đã có những đóng góp không hề nhỏ vào việc hình thành nên nhiều thế hệ làm thầy, làm báo, làm khoa học nhân văn dù thầy luôn khiêm nhường, thấu đáo. Giấu vào tận thẳm sâu cõi người những buồn thương day dứt của số phận riêng, GS Hà Minh Đức chỉ sẻ chia đem tới những bao dung hồn hậu với đời thường và đời viết...