Chính sách & Cuộc sống

Sức mạnh của người tiêu dùng

Vừa qua, slogan quảng cáo của Coca-Cola "Mở lon Việt Nam" đã bị Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) "thổi còi", vì cho rằng quảng cáo như vậy là vi phạm thuần phong, mỹ tục, và từ "lon" có thể bị thêm mũ, thêm dấu thì sẽ rất nhạy cảm. Cách lý giải của Cục quả thật không được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Nếu hình ảnh công chúng của Coca-Cola không được cải thiện, người tiêu dùng có thể sẽ tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Ảnh | THÀNH SƠN
Nếu hình ảnh công chúng của Coca-Cola không được cải thiện, người tiêu dùng có thể sẽ tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Ảnh | THÀNH SƠN

Tuy nhiên, công bằng mà nói, "Mở lon Việt Nam" là một slogan quảng cáo không chỉ tối nghĩa, mà còn thiếu cả sự khiêm tốn cần thiết. Kiểu gì thì kiểu, một lon Coca-Cola không thể nào có được sức mạnh biểu tượng để một lúc nào đó trở thành một "lon Việt Nam".

Vấn đề của Coca-Cola không chỉ nằm ở slogan quảng cáo không giống ai nói trên, mà chủ yếu nằm ở chỗ doanh nghiệp này gần 20 năm không chịu đóng thuế thu nhập và hiện nay đang đóng thuế thu nhập rất thấp.

Báo chí và các cơ quan chức năng nghi ngờ Coca-Cola (và một số các doanh nghiệp FDI khác) đã tìm cách chuyển giá để gian lận thuế. Nghi ngờ này không phải là không có cơ sở. Bởi vì rằng, cái việc càng lỗ, càng đầu tư mở rộng sản xuất, như cách Coca-Cola đang làm, nghe ra thật bất hợp lý. Hoặc là có chuyện đầu óc không bình thường ở đây, hoặc là có chuyện đầu óc quá xảo hoạt ở đây. Sự thành đạt trên phạm vi toàn cầu của Coca-Cola cho phép chúng ta loại trừ khả năng thứ nhất. Vậy thì, hiện hữu chỉ là khả năng thứ hai. Tuy nhiên, với vị thế độc quyền về hương liệu, Coca-Cola có thể gửi giá vô tận vào đấy. Các cơ quan chức năng của Việt Nam có cố gắng điều tra, soi xét đến mấy đi chăng nữa, thì vẫn có thể hoàn toàn bế tắc trong việc xác định giá cả thật của hương liệu. Mà như vậy thì Coca-Cola chẳng việc gì phải lo sợ. Các cơ quan chức năng không thể xử phạt Coca-Cola được!

Tuy nhiên, Coca-Cola đã quên mất một điều hết sức cơ bản. Đó là các cơ quan chức năng có thể bất lực với hành vi chuyển giá của Coca-Cola, nhưng người tiêu dùng Việt Nam thì không. Chỉ cần các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp tục bày tỏ sự nghi ngờ về cách hành xử của Coca-Cola, thì hình ảnh công chúng của doanh nghiệp này sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Hình ảnh công chúng này còn bị tổn hại nghiêm trọng hơn, khi người tiêu dùng biết được rằng nhiều doanh nghiệp nội địa của Việt Nam cũng sản xuất nước giải khát đều đóng thuế hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cho dù, sự cố slogan quảng cáo vô tình hay cố ý đã giúp cải thiện một ít hình ảnh công chúng của Coca-Cola, thì tác dụng của nó chỉ là tức thời. Với một hình ảnh công chúng ngày càng ít được cải thiện, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng những lời kêu gọi tẩy chay Coca-Cola trên mạng xã hội đang thưa thớt hiện nay, ngày càng trở nên đông đảo hơn. Khi hàng vạn, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu nói không các sản phẩm của Coca-Cola, thì đó sẽ là sự trừng phạt không thể nào vô hiệu hóa được bằng khả năng lách luật.

Nhân đây cần nhấn mạnh một điều, các doanh nghiệp FDI không chỉ biết làm giàu, mà còn biết đóng góp bao giờ cũng có được hình ảnh công chúng tốt đẹp hơn. Quảng cáo, tiếp thị không thể thay thế được cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.