TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam

Sức khỏe của người dân là mục tiêu tối thượng

Những thông tin về chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội được cập nhật trên một số ứng dụng công nghệ thời gian qua đã thu hút sự chú ý của dư luận rộng rãi... Tuy nhiên, mối quan tâm của người dân chỉ rộ lên theo phong trào rồi lại lãng quên, mặc dù “ô nhiễm không khí chính là một kẻ giết người thầm lặng” theo nhận định của Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (ảnh bên), Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường).

Sức khỏe của người dân là mục tiêu tối thượng

Sức khỏe của người dân là mục tiêu tối thượng ảnh 1Thật ra không đợi cảnh báo từ các ứng dụng đo chất lượng không khí thì bằng các giác quan, người dân bình thường cũng có thể cảm nhận được, không khí Hà Nội và một số địa phương trên cả nước hiện nay đã không còn trong lành như trước. Điều đó liệu có đúng không, thưa ông?

Khi có những thông tin trên một ứng dụng thông báo, trong một thời điểm nhất định ở một vị trí nhất định nào đó, chỉ số không khí Hà Nội ô nhiễm bậc nhất thế giới, người dân cả nước trở nên lo lắng. Mặc dù vậy, có cơ quan, cá nhân có thẩm quyền lại không công nhận. Thay vì để ý đến vị trí nhất nhì, chúng ta nên đối diện với sự thật và có hành động kịp thời. Giờ ở đâu cũng nói đến đô thị thông minh, đến 4.0. Như một trào lưu, thành phố thông minh thành cụm từ cửa miệng của nhiều người. Nhưng smart city, 4.0 hay 5G, big data, A.I gì nữa thì cuối cùng cũng để phục vụ cuộc sống của con người. Công nghệ phải làm cho cuộc sống của con người tốt hơn, tiện nghi hơn lên. Smart city mà không khí ô nhiễm, môi trường không trong sạch thì sao gọi là thành phố thông minh được bởi sức khỏe của con người phải được đặt lên hàng đầu, luôn là mục tiêu tối thượng. Từ giao thông thông minh, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu thủ tục hành chính đều góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân và trong đó, ở smart city ấy, bắt buộc phải có môi trường thông minh. Muốn có được môi trường thông minh trước hết phải thu thập được những số liệu để phân tích, rồi đưa ra cảnh báo...

Nếu thật sự không khí ô nhiễm thật, thì phải có thông tin chính xác và công khai, minh bạch các thông tin ấy, thưa ông?

Đúng vậy. Mà muốn thu thập được số liệu về không khí thì đầu tiên phải có các trạm quan trắc. Giờ mà ta cứ nói số liệu do người này người kia, đơn vị này đơn vị kia cung cấp không đạt chuẩn, không có tính đại diện thì cũng khó thuyết phục nếu ta không đưa ra được số liệu chính xác thay thế. Không còn cách nào khác là Nhà nước phải mở rộng hệ thống các trạm quan trắc đủ tiêu chuẩn, tăng cường thêm các thiết bị quan trắc. Chứ ở Hà Nội hiện mới có hai trạm quan trắc cố định, thêm một trạm của Tổng cục Môi trường là quá ít. Chúng ta không thể lấy lý do ngân sách hay kinh phí để giải thích cho việc chưa có đủ các trạm quan trắc theo yêu cầu thực tế, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc quốc gia từ lâu rồi.

Đầu tư cho một trạm quan trắc môi trường tốn kém như thế nào, thưa ông?

Có tốn kém thì cũng không là gì nếu đặt mục tiêu vì sức khỏe người dân. Thí dụ Hà Nội, cứ cho tám tỷ một trạm quan trắc, đầu tư 20 trạm, cũng có 160 tỷ. Thậm chí có những thành phố lớn khác chưa có trạm quan trắc nào, lý do đưa ra là không có đất, không có kinh phí. Họ nhờ tôi tư vấn là có nên làm không, tôi nói đây không còn là vấn đề nên hay không nên, mà trách nhiệm của chính quyền phải lo cho dân, làm cái có lợi cho dân. Không có hệ thống các trạm quan trắc, lấy đâu số liệu về ô nhiễm không khí, làm sao biết được là ô nhiễm cái gì, ô nhiễm do ai? Có số liệu rồi công khai số liệu đó, để đối mặt và đưa ra các giải pháp hành động, chứ đâu phải chỉ trích hay đổ trách nhiệm cho nhau. Minh bạch số liệu, tìm ra nguyên nhân, cũng giúp dư luận xã hội hiểu thêm. Tự phát đốt rác ở khu dân cư, hút thuốc lá nơi công cộng, hay đổ hóa chất làm một cái cây cổ thụ án ngữ ở mặt tiền ngôi nhà của mình chết dần đi... cũng là lý do làm ô nhiễm không khí. Không ai vô can cả, người dân không hề vô can. Tăng cường thiết bị quan trắc, đưa số liệu để chứng minh, đúng là không khí ô nhiễm thật, tìm ra nguồn ô nhiễm, ô nhiễm bao nhiêu phần trăm do phát thải của các phương tiện giao thông, của các cơ sở sản xuất, các làng nghề... thì lúc đó, các giải pháp nếu có cũng dễ được người dân đồng tình, chấp thuận hơn.

Tc là minh bch thông tin môi trường là hết sc quan trng?

Vấn đề thu thập số liệu môi trường để phân tích nguyên nhân, đưa ra cảnh báo là hết sức cấp bách. Giờ thống kê rõ ràng, ô nhiễm không khí do nguồn phát thải từ xe máy là bao nhiêu phần trăm, thì có đề cập tới lộ trình hạn chế xe máy, người dân cũng thuận tình dễ hơn. Đấy là tôi làm cho chính tôi, vì sức khỏe của tôi, gia đình tôi, cộng đồng tôi, tôi sao thể dửng dưng? Chứ nói vo, chúng ta chưa bao giờ có những con số chính xác, thì gặp khó khăn và phản ứng khi đưa ra giải pháp là đương nhiên. Hành động về môi trường, về ô nhiễm không khí không chỉ được người dân đánh giá, mà cả thế giới cũng đang nhìn vào, nên không thể trốn tránh nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí được...

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân luôn là gạch đầu dòng trước tiên được đề cập để giảm thiểu ùn tắc trong đô thị, giảm thiểu ô nhiễm không khí. Thế nhưng nhiều người lý luận rằng, trong mỗi lít xăng mua để di chuyển bằng xe máy đã có thuế bảo vệ môi trường rồi?

Hiện tại Nghị định về phí khí thải đang được soạn thảo quy định đã thải khí ra môi trường là phải đóng phí, dù thải đạt quy vẫn phải nộp phí. Mục tiêu là để giảm phát thải, để mỗi cá nhân doanh nghiệp cân nhắc tính toán khi sử dụng nhiên liệu. Theo các quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí, thì thuế là để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu quốc gia, phí và lệ phí quay trở lại phục vụ cho việc quản lý lĩnh vực ấy tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay mình chưa thực hiện được như thế, có thể thu phí, lệ phí xong rồi lại hòa vào ngân sách địa phương, chỉ một phần rất ít không đáng kể dành cho quản lý trực tiếp, nên vấn đề phí, lệ phí hay bị phản ứng là vì vậy...

Người ta có thể chọn lựa mua thực phẩm, nước uống ở nguồn mà họ cho an toàn hơn, thậm chí nhập khẩu, nhưng không khí thì không thể mua từ đâu được ngoài chuyện chính mỗi cá nhân, tổ chức... phải tham gia vào quá trình giữ gìn, bảo vệ, làm sạch nó, thưa ông?

Thật ra kinh phí dành cho giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ bằng 1/10 so với xử lý nước thải, nhưng chúng ta lại ít quan tâm. Ai cũng phải thở, không khí không phân biệt người giàu người nghèo, người chức to người chức bé, người nông dân hay người trí thức. Dân mình hay trực quan, luôn ưu tiên đến những cái nhìn thấy được, thí dụ nước thải, đen ngòm đấy, bốc mùi đấy, uống thì đau bụng ngay... nên được quan tâm. Rác thải cũng vậy, đập vào mắt luôn. Không khí có ai nhìn thấy đâu, bụi cũng không làm chết ngay, có bệnh cũng bệnh dần dần, nên những mối lo đấy thường thoảng qua rồi lại thôi. Chúng ta cũng tìm ra nhiều lý do để đổ lỗi, đổ lỗi cho cả điều kiện khí hậu. Thực tế ngay ô nhiễm không khí trong nhà cũng là vấn nạn lớn. Theo WHO, một năm có khoảng 3,5 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí trong nhà. Ở trong không gian hẹp cũng có nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí, nguồn ô nhiễm trong nhà và ngoài trời khác nhau nên biện pháp cũng khác nhau. Thí dụ trong các tiêu chí công nhận nông thôn mới, nên có tiêu chí về cấm đốt rơm rạ. Điện đường trường trạm đủ chuẩn mà không khí bụi mờ, ngột ngạt vì đốt rơm rạ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thì vẫn không thể công nhận nông thôn mới được. Giống như smart city, thành phố thông minh mà sức khỏe người dân bị ảnh hưởng vì ô nhiễm thì chạy theo phong trào làm gì chứ...

Đúng vậy, trân trọng cảm ơn ông!