Sinh viên tự chủ

Giáo dục ở ta, thường là một chủ đề được nhiều người bàn. Có lẽ, do cấp học nào cũng có những bất cập nhất định. Thôi thì không kể những vấn nạn ở tiểu học hay trung học mà ngay cả chuyện đám trẻ đang còn ngồi bô ở mẫu giáo cũng chịu dư luận xét nét.

Sinh viên tự chủ

Vì thế cũng không ngạc nhiên lắm khi giáo dục ở đại học được truyền thông quan tâm nhiều, đặc biệt là vấn đề tự chủ đại học. Thực ra, đây là vấn đề không mới, vì quyền tự chủ của trường đại học đã chính thức được thừa nhận hơn mười năm nay. Theo đó thì những quyền tự chủ về nguồn nhân lực, về tuyển sinh, về nghiên cứu giảng dạy hay về quản lý tài chính được nhiều diễn đàn chính thống quyết liệt tranh luận, nhất là giữa hai mô hình công và tư. Thế nhưng, dù hoạt động theo cơ chế nào thì một trong những mục đích quan trọng cuối cùng của giáo dục đại học vẫn là đào tạo ra những sinh viên có đủ tài đủ đức, nôm na là "vừa hồng vừa chuyên". Bởi đơn giản, những sinh viên đấy chính là thành tựu của một nền đại học biết "tự chủ", theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này.

Ở thời bao cấp chưa xa, việc thi để đỗ vào một trường đại học không quá rộn ràng như bây giờ. Cũng có thể hồi ấy người ta thích thực chất, tuyệt không nặng nề chuyện bằng cấp khi xét tuyển việc làm. Những công việc tương đối đơn giản trong các công sở, rồi những lao động không đòi hỏi tư duy phức tạp trong nhà máy xí nghiệp, thì chỉ cần tốt nghiệp một trường trung cấp nào đó, thậm chí chỉ cần qua một lớp đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ. Nó không giống hôm nay, một cô bé lễ tân xinh xinh cũng có bằng thạc sĩ. Và hơn hết, ở thời trong trắng đó, việc tuyển sinh được cả xã hội nghiêm túc trân trọng. Tiêu cực ở đâu thì không biết, nhưng tuyệt nhiên không có cái gọi là "chạy điểm". Bởi sâu xa ở cả người ứng thí lẫn người chấm thi, đều rưng rưng tôn trọng danh xưng "sinh viên".

Vấn đề không phải ở chỗ thi cử khó. "Cổng trường đại học cao vời vợi. Mười đứa đi thi thì chín đứa rơi", là câu thơ được truyền khẩu rộng rãi hồi trong trắng bao cấp. Vấn đề là ở chỗ, hầu như tất cả những người dám tham gia cuộc thi cao cả đó đều ý thức được mình đang là ai. Có thể đấy là học sinh vừa tốt nghiệp trung học, có thể đấy là bộ đội vừa phục viên, thậm chí có những người nhỡ lầm lỗi trót vướng vòng luật pháp nhưng đã mãn hạn. Tất thẩy bọn họ luôn xác định, đã thi đại học phải là chăm là giỏi. Làm gì có chuyện tổng kết các môn chính yếu toán, văn, sử, lý, sinh, hóa... dưới "năm phẩy" mà lại dám cả gan đăng ký thi. Làm gì có chuyện đã đỗ thủ khoa mà báo chí đến nhà lại mặt dầy "anh hùng núp". Người đã thi đỗ vào các trường "danh môn chính phái" kiểu như Y, Dược, Tổng hợp, Bách khoa... không những là hạnh phúc của một nhà mà còn là niềm vui chân thành của cả làng, cả xã, cả phường. Có phải thế chăng mà sinh viên ở thời hoang đường bao cấp trông "sang" lắm. Và hình như "sang" chính là manh nha dấu chỉ của một trí thức đích thực biết tự chủ.

Rất nhiều sinh viên của thời bây giờ không "sang". Sự kiêu hãnh ở họ nếu có, chỉ là một thứ dung tục "chảnh". Từ điển tiếng Việt cho rằng, "sang" có hai nghĩa. Một là "có tiền tài và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng". Hai là "có giá trị cao và đắt tiền, trông lịch sự". Hỡi ôi từ điển, nếu sự "sang" chỉ đơn giản như vậy thì ở ta đang ngập đầy những quý ông quý bà "mồm có gang có thép". Thảo nào mà ở giới showbiz cũng như giới thương gia Việt, có quá nhiều gã tỏ vẻ hợm hĩnh khi khoe rằng mình từng là sinh viên nghèo vượt khó, nay đã dư dật nên "sang trọng" diện bộ smoking nhưng lại may theo kiểu đồng phục.

Bởi đã là trí thức chân chính, cho dù sinh viên mới là giai đoạn khởi thủy, thì vẫn đương nhiên phải sở hữu một tư duy độc đáo độc lập. Nhiều người học đại học ở ta bây giờ, tuy phong cách đa phần cố mang vẻ tự chủ, nhưng a dua hao hao giống hệt nhau. Đã tuyệt truyền hẳn câu thành ngữ "giai khoa Lý, gái khoa Sinh". Vì không có một bản sắc riêng nên nhiều ngôi trường đại học có tên nghe rất "oách", thực chất cũng chỉ là một lớp phổ thông kéo dài. Thật dễ hiểu khi có một bộ phận không nhỏ sinh viên, luôn bị động chạy theo những định hướng xã hội nông nổi. Cứ thấy ngành nghề nào thời thượng thì đua nhau chen vào. Bởi chắc gì dòng chảy văn hóa nhân loại sẽ mặc định theo hướng từ xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp. Cái định đề "đô thị hóa" có thực phải là tiến bộ hay chỉ là cách áp đặt theo tư duy xu thời của một số thị dân dư dật thiển cận. Phong trào sinh viên lập nghiệp "bỏ phố về làng" đang lác đác ở ta và đặc biệt rầm rộ ở nhiều quốc gia văn minh khác, chính là một sự phản biện lành mạnh. Ngay cả những ầm ĩ quanh cuộc cách mạng 4.0 cũng đôi khi mang hơi hướng bốc đồng. Đành rằng nó là cái ta cần phải đón nhận nhưng nhất thiết chưa phải là cái quyết định. Một sinh viên mà nhoay nhoáy bàn phím cái gì cũng biết, nhưng không biết có hiếu với bố mẹ, có đễ với anh em, có tín với bè bạn, có một chung thủy trong ái tình trai gái thì đấy đâu phải là mục đích giáo dục của đại học tự chủ.

Thật ra, đã tự chủ thành sinh viên thì thời nào cũng hay. Có điều, sinh viên vào cái thời chưa có nhiều giáo sư, tiến sĩ đa phần đều có một phong độ khả ái dễ nhận, kể cả nội trú hay ngoại trú. Đặc biệt là lúc bọn trẻ đang lãng mạn yêu. Hồi vất vả bao cấp, đám nam sinh viên khi yêu tất thẩy đều biết viết thư. Thậm chí có những đứa viết "mả" đến mức, hành luôn nghề viết thư tình thuê. Những bức thư tỏ tình mẫu mực chuyên nghiệp luôn được đám nữ sinh đọc chung. Đại loại người đọc sẽ là một con bé oang oang đanh đá mồm to. Hầu hết những con bé này về sau đều trở thành những phóng viên văn hóa xuất sắc. Cả đám nữ sinh sẽ rũ rượi cười khi trong thư có những đoạn thơ "nhái" kiểu cao thượng Pushkin "cầu em được người tình như tôi đã yêu em". Vậy mà không hiểu sao vẫn có khá nhiều đứa ngồi nghe thút thít khóc. Bây giờ là thời đại của smartphone, những bức tình thư lãng mạn rộng dài viết tay đã tuyệt truyền, chỉ còn cụt lủn khô khốc những tin nhắn. Sinh viên yêu nhau hầu như không còn sai hẹn, nhỡ có đến lệch chỗ thì cái máy ma xó nheo nhéo trắng trợn mách. Thảm thay, bởi tất cả các ái tình có thủy có chung khi nghẹn ngào tự chủ yêu nhau, đều được xây dựng trên sự trong veo lầm lẫn và vô tư khờ dại.

Sinh viên ở hôm nay, hình như có thừa cả sự tự tin lẫn tự chủ, vậy mà không hiểu sao lúc yêu thường tinh và khôn quá.