Sẻ chia mất mát, nhắc nhở bản thân

Mỗi năm, trên thế giới có hàng chục triệu người chết và bị thương do tai nạn giao thông, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông. Ảnh: Mạnh Trường
Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông. Ảnh: Mạnh Trường

Chính vì vậy, từ năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ trên toàn cầu. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông (ATGT). Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào ngày 19-11-2012 và từ năm 2013 được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước .

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT quý III và chín tháng đầu năm 2019, tình hình trật tự ATGT tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực; tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả ba tiêu chí, trong đó số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây nhiều lo lắng cho nhân dân và bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe mô-tô, xe tải nặng, do tài xế vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy. Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang diễn ra hằng ngày, khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người sống.

Năm nay là năm thứ tám, Việt Nam cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ, nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm nay được phát động và tổ chức trên phạm vi cả nước từ ngày 20-10 đến 19-11. Cùng với đó là hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông. Các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên và có hình thức giúp đỡ phù hợp các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông (đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn).Theo kế hoạch, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2019 vào Chủ nhật, ngày 17-11.

Nhằm hưởng ứng hoạt động này, đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến học sinh, sinh viên về mục đích, ý nghĩa của sự kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn dành một phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông của Ủy ban ATGT Quốc gia trong Lễ chào cờ sáng thứ hai ngày 11-11; các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm phát thông điệp ATGT trên hệ thống phát thanh của nhà trường vào đầu giờ và giờ tan học trong một tuần từ ngày 11 đến 16-11.

Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời cũng dịp để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự ATGT như: đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; thắt dây an toàn khi ngồi trên ô-tô... Mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy, cô giáo cũng cần nêu gương về văn hóa giao thông, về ý thức trách nhiệm với bản thân với cộng đồng khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm ATGT cho trẻ em.