PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

“Sau dịch Covid-19 nền kinh tế phải có chân dung khác”

Đâu là “cơ trong nguy” và đâu là “nguy trong cơ” của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch Covid-19? Cứu các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó như thế nào và làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam bứt lên? PGS, TS Trần Đình Thiên (ảnh bên), nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc đối thoại với Nhân Dân hằng tháng chung quanh những vấn đề này.

“Sau dịch Covid-19 nền kinh tế phải có chân dung khác”

PGS,TS Trần Đình Thiên chia sẻ: Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam và cộng hưởng với hàng loạt yếu tố bất lợi khác. Đó là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; của xu hướng giải ngân đầu tư công ngày càng chậm; của xu thế tăng trưởng chậm lại của nhiều “đầu tàu tăng trưởng” - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Với một nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, mức lệ thuộc thị trường thế giới cao, thực lực chưa mạnh của Việt Nam, nguy cơ là rất lớn và khó lường. “Cú đòn” cộng hưởng đó sẽ có thể làm chao đảo nền kinh tế Việt Nam vốn đang có đà tăng trưởng tốt. Ngân sách sẽ phải chi nhiều hơn trong khi thu yếu đi; sẽ có nhiều doanh nghiệp không chống chịu được sức tàn phá của cơn bão đại dịch; thất nghiệp sẽ tăng khi các chuỗi cung ứng bị đứt.

Covid-19 cũng đang đẩy nhiều vấn đề trở nên quyết liệt hơn, là tình thế phát triển mới cho Việt Nam. Covid-19 có giá trị đánh thức, giúp chúng ta nhận thấy cần phải và có thể sống khác. Chúng ta chỉ cần một chiếc điện thoại di động là có thể ở nhà cả ngày, mua sắm, đi chợ mà không cần ra đường. Thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Nếu dịch bệnh Covid-19 chỉ là yếu tố kích phát thì khi dịch bệnh này qua đi, việc thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu còn diễn ra khốc liệt hơn. Đối với Việt Nam, nếu không nhận diện sự thay đổi này tốt thì chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội mới.

Nên cứu doanh nghiệp khởi nghiệp để có nguồn lực mới

Thưa ông, chúng ta vẫn hay nói “trong nguy có cơ”, vậy đâu là “cơ” của nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong bối cảnh cơn “cuồng phong” của đại dịch Covid -19 đang càn quét khắp nơi?

Người ta vẫn nói “trong nguy có cơ”, rằng cần tận dụng “cơ trong nguy”. Song phải hiểu nhiệm vụ cơ bản bây giờ là “trụ vững” chứ không phải là ra sức tìm kiếm “cơ trong nguy” theo nghĩa “kiếm chác”, nhặt nhạnh các cơ hội bằng tư duy cũ. Lúc này, ta cần thật bình tĩnh, lo bảo vệ doanh nghiệp, quan sát kỹ tình thế, nương theo sự phục hồi của nền kinh tế thế giới để chuẩn bị cho mình. “Cơ trong nguy” phải chú ý tìm trong dài hạn chứ không phải là cơ hội ăn ngay.

Ngược lại vẫn “có nguy trong cơ”, bởi lẽ nếu không có sự chuẩn bị, không có đủ năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ các cơ hội lớn. Vấn đề chúng ta đang đối mặt không chỉ riêng trong vấn đề kinh tế, nếu tách riêng ra chúng ta sẽ gặp bế tắc. Dịch Covid-19 là một trong những bối cảnh phát triển không bình thường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thoát khỏi cách tư duy cũ, trói buộc cũ; Tiến vượt bậc để “đuổi kịp thế giới” và “đi cùng thời đại”; Thoát khỏi lệ thuộc; Vươn lên đẳng cấp mới.

Việt Nam có nắm bắt được cơ hội để bật lên sau đại dịch hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng “đứng dậy” của bộ phận doanh nghiệp, nhưng có thể không phải là tất cả doanh nghiệp. 96% số doanh nghiệp hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Với cấu trúc kinh tế này, tồn tại trong trạng thái bình thường cũ đã khó chứ đừng nói phát triển được trạng thái “bình thường mới”. Nguồn lực có hạn của nền kinh tế giống như chiếc chăn quá hẹp, người này co thì kẻ kia hở, vậy phải lựa chọn phân bổ sao cho hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra là chúng ta nên cứu nhóm doanh nghiệp nào? Tôi cho rằng việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (siêu nhỏ, nhỏ và vừa). Nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Tôi xin nhấn mạnh là phải cứu nền kinh tế tương lai, tức là nền kinh tế mà sau này Covid-19 đi qua thì nó có chân dung khác.  Dịch Covid-19 có thể coi là cơ hội để thay máu nền kinh tế tốt nhất, để bước sang một trạng thái mới, với một thể trạng mới. Cứu doanh nghiệp ốm yếu không phải đổ nhiều sâm, sữa vào là họ khỏe đâu. Đổ rất nhiều nhưng vẫn yếu và không đứng nổi thì cứu để làm gì? Vừa tốn kém và không hiệu quả. Cứu đại trà hay là chọn người để cứu phải có định tính, định lượng rõ ràng.

Đại dịch Covid-19 này giống như một trận cuồng phong, bão gió có thể khiến cỏ cây nhỏ rạp xuống nhưng không giết chết được chúng. Sau bão, cỏ cây lại hồi sinh. Trong khi đó, gió lớn có thể dễ dàng quật ngã những cây đại thụ.

Tất nhiên, có những doanh nghiệp lớn, với tiềm lực mạnh sẽ vượt qua được bão Covid-19; còn nhiều doanh nghiệp nhỏ yếu sẽ phá sản và đóng cửa. Nhưng chắc chắn, nhiều doanh nghiệp lớn, khi chuỗi cung ứng bị đứt, sẽ không thể vực dậy được vì nợ nần nhiều. Để vận hành các dự án lớn, họ cần dòng tiền đủ lớn liên tục được duy trì. Nếu dòng tiền bị đứt, doanh nghiệp lớn sẽ đổ sập. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ lại dễ xoay trở hơn để sinh tồn.

Chuyển đổi sang nền kinh tế số để bứt lên

Thưa ông, nói như vậy, chẳng lẽ chúng ta lại tán dương những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với những cuộc chơi tầm thấp?Ông có cho rằng thể trạng mới của doanh nghiệp phải bao gồm cả sự thay đổi trong cách thức kinh doanh và văn hóa kinh doanh?

Nói như vậy không có nghĩa là ca ngợi những doanh nghiệp siêu nhỏ, cổ động cho cuộc chơi tầm thấp. Đừng hãnh diện với tầm thấp của mình. Doanh nghiệp nhỏ luôn cần phải vươn lên thành lớn, ở đẳng cấp cao. Nhưng đi liền với đó là phải tạo ra khả năng chống chịu tương ứng. Dĩ nhiên, khả năng chống chịu đó không phải là chuyện riêng của doanh nghiệp mà cần hành động của Chính phủ, bằng cách không tạo ra những rủi ro chính sách. Sức chống chịu của nền kinh tế trong giai đoạn này tùy thuộc rất lớn vào mức độ rủi ro của môi trường vĩ mô. Chính phủ phải nỗ lực giảm thiểu rủi ro chính sách để giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy chưa lúc nào chân lý “phải cùng nhau” lại sáng rõ như lúc này. Để thoát nạn, cả thế giới phải hành động cùng nhau, cùng chung sức dập dịch, khi đó cung - cầu mới khôi phục, các chuỗi sản xuất mới hồi sinh, các giải pháp kích thích kinh tế mới phát huy tác dụng. Còn nếu lúc này ai đó chỉ lo ăn mảnh, lừa dối đối tác, tập trung kiếm chác, làm ăn chụp giật, tuy có thể được lợi ít nhiều nhưng chắc chắn khi bão tố qua đi, sẽ trở thành kẻ “độc hành” bị xua đuổi. Hơn ai hết, các doanh nghiệp phải thấm nhuần bài học này.

Ông cho rằng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu còn diễn ra khốc liệt hơn. Vậy sự thay đổi cấu trúc đó là là gì và Việt Nam cần nhận diện sự thay đổi đó để nắm bắt cơ hội như thế nào?

Trong đại dịch Covid-19, mặc dù con người xảy ra tình trạng bị cô lập, nhưng chúng ta vẫn giải quyết được vấn đề chính là nhờ một hệ thống số. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức đời sống xã hội, thông qua hệ thống trực tuyến... của chuyển đổi số mà khiến khía cạnh này cũng thay đổi.

Nhìn chung, chuyển đổi số khiến cho tất cả các phương diện từ kinh tế đến xã hội và hoạt động quản lý nhà nước đều thay đổi. Sự thay đổi này khẳng định: nền kinh tế số đang thay đổi nền kinh tế thực, hay còn gọi là nền kinh tế vật thể. Nền kinh tế vật thể muốn tồn tại được cần phải số hóa và tích hợp với nền kinh tế số, nếu không sẽ không thể lớn mạnh. Chẳng hạn như ở Việt Nam có một cuộc tranh luận về kinh tế số rõ rệt nhất đó là cuộc chiến của hai hãng ta-xi Grab, Uber với ta-xi truyền thống. Sự xung đột cho thấy sự khác nhau ở điểm cơ bản là “quyền lực hiện nay không phải thuộc về người có tài sản mà quyền lực thuộc về thông tin, thuộc về hệ thống điều hành”. Khi nguồn lực thay đổi thì cấu trúc quyền lực thay đổi. Và khi quyền lực thay đổi thì các tổ chức điều hành cũng thay đổi. Trên nền tảng quản lý, quản trị và điều hành trong nền kinh tế số thì phải dựa trên một cấu trúc như vậy. Điều này cho thấy không phải chỉ có các doanh nghiệp mà cả Nhà nước, xã hội cũng cần có một hệ thống quản lý và cơ chế vận hành để thay đổi. Tất cả các cuộc cách mạng công nghệ trước đây đều diễn ra trong khuôn khổ của nền kinh tế vật thể. Nhưng đến cách mạng công nghệ 4.0 thì logic diễn ra khác hẳn, tạo ra cơ hội rất lớn cho các nước không trải qua phát triển tuần tự để nhảy vào logic mới. Cách mạng công nghệ 4.0 thật sự là một cuộc cách mạng gắn liền với thể chế, cách mạng về quản trị...

Trong bối cảnh hiện nay, nước nào biết cách tập trung vào nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực nhiều hơn, tập trung khởi nghiệp sáng tạo nhiều hơn thì nước đó bứt lên. Mặt khác, nước nào chuyển sang quản lý số nhanh hơn, hiệu quả hơn thì nước đó sẽ thắng. Và những nước nào có nhiều trung tâm khởi nghiệp, đặc biệt là liên kết cơ sở hạ tầng thì lại càng phát triển... Chính vì thế, cơ hội của nước ta giờ đây không thể đo bằng GDP, đo bằng xuất khẩu, mà phải bằng sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, bằng thực lực nền kinh tế phải lớn mạnh, cấu trúc kinh tế phải thay đổi, có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, trình độ cao. Việt Nam không thể chuyển sang nền kinh tế số khi mà nhân lực chủ yếu vẫn là lao động chân tay, làm gia công trong các khu công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!