Phòng bệnh mùa nắng nóng

Con người là “tiểu vũ trụ” và phụ thuộc chặt chẽ vào “đại vũ trụ” mà cụ thể là môi trường sống trên trái đất. Khí hậu nước ta có đặc điểm là mùa hè rất nóng nực với nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 55 - 60oC và cũng là mùa bão lũ, nên gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe mỗi người.

Những đợt nắng nóng cao điểm, các bệnh viện thường tiếp nhận đông bệnh nhân. Ảnh | Thanh Lâm
Những đợt nắng nóng cao điểm, các bệnh viện thường tiếp nhận đông bệnh nhân. Ảnh | Thanh Lâm

Nóng nực và bệnh tật

Chưa bao giờ thời tiết lại khắc nghiệt như năm nay với những đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài trong dịp hè ở nhiều nơi làm đảo lộn sinh hoạt của người dân. Nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên hơn 40oC dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cháy nắng, say nắng, đột quỵ, sốc nhiệt... Những đợt nắng nóng cao điểm, các bệnh viện tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến, đa số là người già và trẻ em với các biểu hiện như: đau đầu, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn điện giải, choáng ngất... Trời nắng nóng, thấy con bị sốt cao, co giật, anh Vàng A Vinh, ở Chiềng On, Yên Châu (Sơn La) đưa đi khám ở trạm y tế xã rồi chuyển xuống điều trị tại bệnh viện huyện, tỉnh, ba ngày sau mới dần hồi phục. Những ngày nóng nực đỉnh điểm, lượt bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La tới hơn 100 trường hợp mỗi ngày, khi vào viện thường có biểu hiện sốt cao 39°C - 40°C. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, hai bệnh nhân bị hôn mê sâu và sốt cao vì làm việc nhiều giờ trong thời tiết nắng nóng cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhưng không thể qua khỏi. Một bác sĩ ở Hà Nội cũng bị đột quỵ khi đang đá bóng giữa trời nắng nóng đầu hè và tử vong sau đó.

Thân nhiệt của cơ thể được bảo đảm nhờ sự tương tác giữa nhiệt độ môi trường và nhiệt độ sinh ra do chuyển hóa các chất trong cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể tăng 1oC sẽ kích thích trung tâm thân nhiệt vùng dưới đồi dẫn đến phản xạ dãn mạch toàn thân và tăng lượng máu dưới da để tăng thải nhiệt và ngược lại. Việc tăng lượng máu dưới da làm tăng lượng mồ hôi. Ước tính cứ 1,7 ml mồ hôi khi bay hơi sẽ mang theo 1 Kcal nhiệt và trong môi trường khô, trong một giờ, mồ hôi có thể làm giảm tới 600 Kcal nhiệt.

Cơ thể có thể chịu đựng được nhiệt độ cao từ 41,6oC đến 42oC từ 45 phút đến 8 giờ. Ở nhiệt độ 50oC, gần như tất cả cấu trúc các tế bào đều bị phá hủy và quá trình hoại tử diễn ra trong vài phút. Sự thích nghi với khí hậu hoặc môi trường làm việc nóng ẩm cho phép cơ thể có thể chịu đựng với nhiệt độ và độ ẩm cao đòi hỏi khoảng vài tuần.

Bệnh do nắng nóng rất đa dạng, biểu hiện từ mức độ rất nhẹ có thể tự khỏi sau khi nghỉ ngơi đến mức độ nặng, nguy kịch có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về thần kinh cho dù được điều trị tích cực. Đột quỵ do nắng nóng (ĐQDNN) trên lâm sàng là tình trạng thân nhiệt trung tâm cao hơn 40oC kèm theo da nóng, khô với các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật, và thậm chí hôn mê. ĐQDNN cổ điển xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao như ngoài trời nắng nóng hoặc ở gần các lò luyện kim còn ĐQDNN do vận động gắng sức là bởi vận động gắng sức liên tục kéo dài. Biến chứng nặng nề nhất của ĐQDNN là hội chứng suy đa tạng với các tổn thương về thần kinh, tiêu cơ vân, suy thận cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương cơ tim, tổn thương gan và tụy, thiếu máu hoặc nhồi máu mạc treo, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.

Bên cạnh tổn thương trực tiếp của cơ thể do nắng nóng, khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột và tăng cao cũng là nguy cơ khởi phát của các loại bệnh lý mãn tính như cơn tăng huyết áp, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ não, đột quỵ tim... hết sức nguy hiểm.

Hệ lụy sau bão lũ

Bão lũ là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường luôn xảy ra vào mùa hè hằng năm. Lũ lụt, ngập úng vừa xảy ra ở Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa), Tây Nguyên, Phú Quốc gây thiêt hại nặng nề. Ngoài những tác hại trực tiếp như ngập lụt, đổ cây, sập nhà... thì những tác hại gián tiếp như các loại bệnh tật phát sinh hậu mưa bão cũng không nhỏ...

Môi trường luôn bị ô nhiễm nặng nề sau bão lũ. Nhiều loại thực vật bị chết, rụng lá, các loại động vật nhỏ như giun, côn trùng, rắn, chuột... bị chết do ngâm lâu trong nước hoặc do thiếu thức ăn. Những “sản phẩm” này nhanh chóng bị thối rữa trong điều kiện nóng ẩm và mang mầm bệnh như vi khuẩn, virus “lang thang” khắp nơi theo nguồn nước. Lũ lụt còn là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước nhanh và rộng. Ở đô thị, úng ngập khiến nước tràn khắp nơi, đặc biệt là các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, dầu xăng, nước thải từ các khu công nghiệp. Những dòng nước siêu bẩn này mang hàng tỷ tỷ mầm bệnh “trộn” vào các bể nước ăn, bể tắm, nhà cửa, khu vực công cộng... Còn ở nông thôn, ô nhiễm nguồn nước sau bão lũ còn có thêm đóng góp của thuốc trừ sâu diệt cỏ vừa mới sử dụng từ những cánh đồng, trang trại; nước bẩn ngập lụt từ các khu chăn nuôi gia súc; từ các nghĩa địa có nhiều người chết mới được an táng. Các mầm bệnh này nhanh chóng nhân lên trong điều kiện dinh dưỡng tốt và thời tiết nóng ẩm của miền nhiệt đới và có thể lây lan trên diện rộng gây những trận dịch lớn. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch để dùng trong sinh hoạt hằng ngày, thiếu thức ăn, thuốc men, ăn uống, đại tiểu tiện trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, quần áo, giường chiếu không được khô ráo... cũng góp phần phát sinh dịch bệnh.

Sau bão lũ, có hai nhóm bệnh lớn thường bùng phát trong các khu vực dân cư. Thứ nhất là nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vũng bão lũ bao gồm một số bệnh da liễu (chiếm tỷ lệ cao) như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân; mẩn ngứa; viêm da... với các biểu hiện như ngứa, sẩn, nổi mụn nước, loét (kẽ chân tay); các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp. Viêm gan virus A, E, đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn... cũng có thể xảy ra, mặc dù tần suất ít gặp hơn. Thứ hai là nhóm các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh, thường rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng, điển hình là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người.

Đã có những bằng chứng rất rõ ràng về sự nóng lên của trái đất bởi môi trường bị hủy hoại do chính con người. Ở nước ta, nạn phá rừng khiến đồi núi ngày một khô cằn, các công trình bê-tông liên tiếp mọc lên không chỉ ở nội đô các thành phố mà còn ở cả nông thôn; sông, suối cạn trơ đáy bởi tác động tiêu cực từ đập thủy điện... Sau những trận mưa bão là lũ ống, lũ quét, ngập lụt và dịch bệnh phát sinh. Đáng báo động, các bệnh lý ung thư, đột biến gene... có căn nguyên từ ô nhiễm môi trường cũng ngày một gia tăng.

Trước những đợt nắng nóng gay gắt xuất hiện ngày càng nhiều, mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức và chủ động bảo vệ cơ thể như bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu, tránh làm việc và tập luyện vào thời điểm nắng nóng nhất; uống đủ nước, tránh mất nước và muối; mặc áo chống nắng, đeo kính bảo hộ khi ở ngoài trời nắng; tăng cường rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt... Và để bớt phải gánh chịu hậu quả bệnh tật từ thời tiết cực đoan, mỗi người hãy bắt đầu ngay bằng một hành động cụ thể để bảo vệ môi trường.

PGS, TS, BS Vũ Đức Định
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec