Ông Bùi Văn Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang:

Phát triển công nghiệp phải nghĩ đến lợi ích lâu dài

Ông Bùi Văn Hải (ảnh bên), Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trò chuyện về những đổi thay ở một tỉnh nông nghiệp lạc hậu đã chuyển mình trở thành tỉnh có cơ cấu công nghiệp, điểm sáng thu hút đầu tư của cả nước, và cả những vấn đề thú vị như trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo hay bệnh quan liêu...

Phát triển công nghiệp phải nghĩ đến lợi ích lâu dài

Thường vụ Tỉnh ủy xuống thôn, xã “ba cùng” với dân

Bắc Giang vừa sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh, ông thấy tâm đắc với những thành tựu nổi bật nào?

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, gần ba năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bắc Giang đã nỗ lực vươn lên, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XVIII đã đề ra và thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt. Về kinh tế, Bắc Giang đã chuyển từ tỉnh nông nghiệp sang tỉnh có cơ cấu công nghiệp. Đó là một sự đảo chiều. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm 51%, cơ cấu nông nghiệp còn hơn 17%. Năm 1997, tách tỉnh, cơ cấu nông nghiệp chiếm 57%, chủ yếu cấy cày là chính. Nông nghiệp từ sản xuất tương đối phân tán, quy mô nhỏ, bây giờ tỉnh đã hình thành các mảng tập trung.

Bước chuyển quan trọng nữa là đầu tư về hạ tầng giao thông, hiện đang là cao trào về làm đường. Tỉnh cấp đủ xi-măng mác 200 miễn phí để làm tất cả đường thôn, xã trong tỉnh. Với địa bàn đặc biệt khó khăn, ngoài cấp xi-măng còn hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho mỗi cây số làm đường. Tỉnh khuyến khích làm đường càng dài càng tốt, to càng tốt, nhưng không cho làm đường nhỏ. Đường làng nhưng rộng không dưới 3,5 m, đạt đủ tiêu chuẩn đường cấp tỉnh. Trường hợp đường đi qua giữa làng, không thể mở được nữa thì quy định cứ dài 500 m phải có điểm mở rộng ra để xe ô-tô tránh nhau. Ở Bắc Giang, làm đường giao thông nông thôn đã thành phong trào, nơi nào làm nhanh nhất, tốt nhất, tỉnh có thưởng.

Trước khi có chủ trương này, Tỉnh ủy đề nghị tất cả các đồng chí trong Thường vụ phải xuống tận thôn, xã “ba cùng” với dân trong 10 ngày, nắm bắt thực tế, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua đó mới biết mong mỏi lớn nhất của bà con là làm đường. Đến nay tỉnh đã làm được hơn 1.000 km đường giao thông nông thôn và kế hoạch đến hết năm 2019 là hoàn tất 2.000 km. Và người dân được hưởng lợi nhiều.

Đường của tỉnh thì tỉnh làm, đường quốc lộ đi qua tỉnh, tỉnh làm nốt. Sang năm đồng loạt triển khai tám tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ từ thành phố về các huyện. Những đường hẹp trước đây chỉ 8 m, 9 m, bây giờ nâng lên hết thành 12 m và xây nhiều cầu qua sông. Sở Giao thông Vận tải phải vạch sẵn quy hoạch làm đường, năm nay không làm được đường mới thì chuyển sang những năm kế tiếp. Trước mắt, đầu tư đường tốt mới phát triển được các khu công nghiệp, khu đô thị. Thế nên mới có chuyện, đường chưa hoặc đang làm thì đã có nhiều nhà đầu tư vào xin đất để làm nhà máy... Chỗ nào hẻo lánh quá thì tỉnh nói rõ, tỉnh làm đường, nhà đầu tư làm nhà máy. Giao thông là huyết mạch, thì đừng để huyết mạch bị vón cục, tắc nghẽn.

Thời gian qua, Bắc Giang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và công nhân đến làm ăn sinh sống, tạo môi trường thuận lợi cho họ an cư lạc nghiệp. Ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn?

Tỉnh chú trọng phát triển dịch vụ và các khu đô thị. Công nhân hay nhà đầu tư cần an cư lạc nghiệp, phải có nhà ở cho họ, có dịch vụ đi kèm, chi phí giảm. Bên cạnh đó, phải tạo môi trường an ninh trật tự tốt. Nhà đầu tư từ xa đến, “lạ nước lạ cái”, tất yếu trông chờ ở chính quyền. Nếu nghe có chỗ nào có hiện tượng mất an ninh trật tự, chính quyền phải chỉ đạo xử lý ngay. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương đến làm việc với tỉnh có hỏi tôi: “Đồng chí Bí thư nắm tình hình thế nào?”. Tôi báo cáo: “Thưa đồng chí, đánh nhau, giết người, cháy nhà... trên địa bàn tỉnh, chỉ trong ngày, tôi biết ngay, vì có bốn nơi phải báo cáo lên, Bí thư hoặc Chủ tịch huyện phải đích danh báo cáo, công an báo cáo, quân sự báo cáo, mặt trận hoặc dân vận báo cáo. Nếu không báo cáo là mắc bệnh quan liêu”.

Phát triển công nghiệp phải nghĩ tới lợi ích lâu dài. Với tầm nhìn chiến lược, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã bàn và sẽ ban hành chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Nếu không quy hoạch đất đai cho công nghiệp từ bây giờ thì trong tương lai sẽ không có đủ quỹ đất để phát triển công nghiệp. Mà quy hoạch công nghiệp còn gắn liền với quy hoạch cả đường sá, hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân, dịch vụ đô thị. Bây giờ mới là đời công nhân thứ nhất, 10, 20 năm nữa tới đời con họ, mấy chục năm nữa là đời cháu họ, chẳng lẽ cứ nay chỗ này, mai chỗ kia. Thế nên không thể không nghĩ cho tương lai, cho thế hệ sau.

Ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, hẳn ông có nhiều quyết sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thì các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước mới tìm đến với tỉnh nhà?

Chính sách kêu gọi đầu tư đã có, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là thái độ của mình. Mời gọi chỉ một phần, cái chính là phải để “hữu xạ tự nhiên hương”. Đối xử với nhà đầu tư nghiêm túc, trách nhiệm, thì người nọ truyền tai người kia. Về chính sách, bây giờ tỉnh cũng chẳng có gì ưu đãi cho các nhà đầu tư, thủ tục về đất đai, nộp thuế tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước. Thế nên, ngoài làm tốt hạ tầng, tỉnh luôn đề cao tinh thần trách nhiệm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Tôi nói thẳng với họ “chỗ nào gây khó khăn cho các anh cứ bảo tôi, nếu ngại không nói cụ thể, nêu rõ tên cán bộ thì nói chung chung cũng được, tôi sẽ có cách xử lý”. Mình nghiêm khắc, sâu sát thì anh em cán bộ cấp dưới cũng không dám gây khó dễ ,“cà khịa” doanh nghiệp.

Bây giờ người nước ngoài muốn đầu tư vào khu công nghiệp, nộp hồ sơ chỉ trong một tuần là hoàn tất thủ tục. Họ không cần gặp mình, mình cũng không biết họ. Kể cả doanh nghiệp trong nước, có đủ giấy phép thì tiến hành làm, không cần hỏi nhiều. Có những dự án đầu tư trong khu công nghiệp đã được quy hoạch, lãnh đạo tỉnh quyết định chỉ trong một phút.

Nếu lãnh đạo thu vén cho mình thì cấp dưới cũng sẽ như vậy

Ông có nhắc đến bệnh quan liêu, theo ông căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?

Bác Hồ nhấn mạnh: bệnh quan liêu sinh ra các loại bệnh. Tham ô, lãng phí cũng từ bệnh quan liêu. Nếu sát sao, cụ thể thì cấp dưới có muốn làm sai cũng khó. Cái gì cũng qua loa đại khái, cái gì cũng không sao cả, cuối cùng chẳng có gì ra sao. Quan liêu có nhiều loại, như xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng, việc phải làm ngay mà không làm... Người lãnh đạo phải gần dân, sâu sát quần chúng, nắm chắc tình hình thực tiễn và công việc cấp dưới. Khi đưa ra chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân phải biết dân nghĩ gì, muốn gì, chứ không thể hô hào chung chung: “phải thương dân ”. Chính sách đề ra chung chung có thể dẫn đến sai đối tượng thụ hưởng, gây lãng phí: người không đáng được hưởng lại được hưởng và ngược lại. Đánh giá cán bộ cũng vậy, phải hiểu rõ mới sắp xếp, bố trí đúng người trúng việc. Đánh giá không đúng cũng là một biểu hiện của quan liêu. Các Mác khẳng định phải quan tâm đến tính toàn diện, cụ thể và phát triển. Nhìn nhận, xem xét một sự vật, hiện tượng không thể theo kiểu “thầy bói xem voi”, phải đặt trong hoàn cảnh, điều kiện, môi trường cụ thể và thời điểm vì sự phát triển mỗi lúc mỗi khác. Nhưng quả thực việc tránh được bệnh quan liêu không dễ.

Vừa qua, Hội nghị Trung ương 8 đã thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương. Là lãnh đạo đứng đầu địa phương, ông thực hiện trách nhiệm nêu gương thế nào?

Với người lãnh đạo, nếu có tư tưởng thu vén cho mình thì cấp dưới cũng sẽ như vậy. Mình lấy một thì cấp dưới sẽ lấy hai. Vì thế lãnh đạo phải nêu gương và đó cũng là lẽ đương nhiên. Việc này không phải hô hào lên gân lên cốt mà phải thành lẽ sống bình thường. Khi mới nhận chức, tôi khẳng định trụ sở Tỉnh ủy sẽ không mua sắm mới. Văn phòng đề xuất làm lại trụ cổng đã cũ, kinh phí gần một tỷ đồng, tôi ghi rõ: “Không quá ba trăm triệu”. Tiết kiệm đồng nào hay đồng đó nhưng quan trọng hơn là để trở thành nếp nghĩ thường trực trong mỗi người. Dùng ngân sách hoang phí thì tiền núi cũng hết. Đơn cử, nhiều lớp mẫu giáo bàn ghế hư hỏng, chỉ cần tiết kiệm tiền xây cổng trụ sở Tỉnh ủy thì nhiều lớp học sẽ có bàn ghế đẹp. Mình không thể trực tiếp mang mấy trăm triệu đồng tiền tiết kiệm xây cổng xuống dưới để mua bàn ghế, nhưng cán bộ ai cũng nghĩ thế, thì sẽ còn kinh phí để làm những việc cần thiết hữu ích khác. Thực hành tiết kiệm phải từ những việc nhỏ như vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!