Những cái chết được báo trước

Có lẽ không có bệnh truyền nhiễm nào đáng sợ như bệnh dại, một khi đã được chẩn đoán dại có nghĩa là đã cầm chắc án tử trong tay. Mới đây, một bác sĩ thú y tử vong do bệnh dại tại bệnh viện Bạch Mai trong khi hai người khác cũng bị cắn bởi cùng một con chó đó đã thoát chết do đi tiêm phòng dại. Lý do gì mà bác sĩ thú y lại không tiêm phòng kể cả khi con chó đã chết sau bốn ngày? Sự chủ quan vì chẩn đoán chó chết do viêm đường hô hấp hay nỗi lo tiêm phòng vắc-xin dại? Với lý do nào đi nữa thì cái chết được báo trước vẫn làm người nhà, người trong ngành thú y và những người làm ngành dự phòng cảm thấy đau đớn. Vẫn còn c&o

Louis Pasteur đã thành công gây miễn dịch cho bệnh nhân đầu tiên, cậu bé Joseph Meister (Nguồn Alamy.com).
Louis Pasteur đã thành công gây miễn dịch cho bệnh nhân đầu tiên, cậu bé Joseph Meister (Nguồn Alamy.com).

Nỗi ám ảnh mang tên “vắc xin phòng dại”

Trước hết, cần phải hiểu bệnh dại là bệnh do vi-rút dại gây nên, khi vi-rút đã tấn công vào thần kinh trung ương thì kết quả tử vong là chắc chắn. Không có một thuốc nào, huyết thanh kháng dại nào có thể tấn công được vi-rút khi nó đã xâm nhập thành công vào tủy sống. Có trường hợp đã thử điều trị bằng cách dùng huyết thanh cho bệnh nhân đã chẩn đoán xác định dại nhưng cũng vô phương cứu chữa. Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh chỉ có thể điều trị dự phòng, điều mà Louis Pasteur đã thành công gây miễn dịch cho bệnh nhân đầu tiên, cậu bé Joseph Meister, với vắc-xin của ông vào năm 1885.

Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Vi-rút dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết liếm vào vết thương của người hoặc một số động vật khác của động vật mắc bệnh dại. Những con đường lây nhiễm đặc biệt khác như từ người sang người qua ghép nội tạng, từ mẹ sang con (rất hy hữu) như trường hợp người mẹ bị chó cắn 34 ngày trước khi sinh và đứa trẻ được sinh ra đã chết trong vòng 40 giờ, xét nghiệm cả mẹ và con đều có vi-rút dại.

Kết quả thống kê gần đây cho thấy, phần lớn những người tử vong do dại là do không tiêm phòng hoặc tiêm không đủ mũi. Việc không tuân thủ tiêm vắc-xin phòng dại có thể đến từ một số nguyên nhân chính: lo ngại về an toàn của vắc-xin, sợ những phản ứng bất lợi sau tiêm như ảnh hưởng đến thần kinh, sốc phản vệ; Lo ngại về chi phí vắc-xin (khoảng một triệu đồng cho liệu trình phòng bệnh); chủ quan, nghĩ chó nhà nuôi, chó nhỏ, chó đã tiêm phòng không thể bị dại; Sử dụng một số biện pháp điều trị khác như dùng lá thuốc... hay đến cơ sở tiêm phòng quá muộn.

Điều đáng nói là vấn đề lo ngại chất lượng, tính an toàn của vắc-xin lại bị xếp lên hàng đầu chiếm tới 60% những lý do không đi tiêm phòng ở những bệnh nhân tử vong. Gần đây nhất, tác giả bài báo đã phải cố gắng thuyết phục một vị phụ huynh đem con đi tiêm phòng chỉ vì bà mẹ này lo lắng con sẽ bị ảnh hưởng thần kinh không thể học tập được nếu tiêm vắc-xin dại. Thực ra điều này cũng có căn nguyên của nó. Vắc-xin tiêm phòng dại tại Việt Nam trước đây là vắc-xin Fuenzalida được chuyển giao công nghệ từ năm 1974, hằng năm có khoảng 500 nghìn liều được sử dụng do vắc-xin sản xuất với số lượng lớn và giá thành rẻ. Đây là loại vắc-xin sản xuất từ não chuột nên trong quá trình tinh chế, vẫn còn một lượng nhỏ các mảnh tế bào từ não chuột còn sót nên tỷ lệ tai biến do vắc-xin cao. Từ năm 1996, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo ngừng sử dụng vắc-xin Fluenzalida và chuyển sang dùng các vắc-xin an toàn hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế cũng như chi phí cho vắc-xin mới khá đắt nên từ tháng 9 năm 2008, người dân trong nước mới chuyển hoàn toàn sang dùng vắc-xin nhập khẩu với độ tinh khiết cao và rất ít các phản ứng bất lợi như vắc-xin thế hệ cũ.

Mười năm sau khi chuyển sang vắc-xin mới, nỗi ám ảnh về những phản ứng bất lợi của vắc-xin vẫn còn lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng. Ngay cả với một số thầy thuốc, việc chỉ định tiêm vắc-xin dại cũng là một yếu tố cần phải cân nhắc rất kỹ. Đó là lý do việc trì hoãn chỉ định tiêm vắc-xin phòng dại để theo dõi tình trạng của súc vật cắn, nếu có biểu hiện bất thường hoặc mất theo dõi thì mới tiêm. Bởi vậy, nhiều người đến tiêm khi đã rất muộn, đơn cử như trường hợp gần đây ở Thái Nguyên, có bốn người bị một con chó con cắn, chỉ một người đi tiêm trong khi ba người còn lại chủ quan vì nghĩ chó nhà nuôi, có thể theo dõi được. Đến khi con chó bỏ đi đâu không rõ, chủ nhà cũng không liên hệ với người bị chó cắn, kết quả là có hai người bị mắc dại, người thứ ba không bị mắc dại cũng có thể do sự đào thải vi-rút của chó trong nước bọt là không liên tục nên may mắn bị cắn mà không nhiễm dại.

Những cái chết được báo trước ảnh 1

Chó nhiễm dại thể hung dữ.

Lấy lại niềm tin

Với những nghiên cứu bài bản, khoa học, phác đồ tiêm phòng dại mới nhất được áp dụng đã giảm bớt chi phí tiêm phòng. Việc chỉ định sớm, không cần quan tâm đến tiền sử tiêm phòng dại của con vật và vị trí cắn đã phần nào giúp khống chế bệnh dại thời gian gần đây. Không còn việc bác sĩ phải băn khoăn khi chỉ định vắc-xin cho người đến tiêm phòng, nhưng vẫn còn vấn đề về việc người bị súc vật nghi dại cắn có đến cơ sở y tế để được tiêm hay không? Công tác truyền thông về bệnh dại và vắc-xin phòng dại đã được phổ biến đến từng thôn bản, các phương tiện thông tin đại chúng đã đóng góp rất nhiều trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Sự thay đổi về kiến thức đến nhận thức cần một khoảng thời gian, tuy nhiên với 10 năm sau chuyển đổi vắc-xin, sự hiểu sai về vắc-xin vẫn chưa được thay đổi toàn diện. Một phần của vấn đề này có lẽ đến từ chính sự e dè của chính cán bộ y tế, lãnh đạo ban ngành đoàn thể đối với vắc-xin.

Gần đây nhất, một bê bối về vắc-xin kém chất lượng của Trung Quốc cũng gây lo lắng cho người dân vì lo sợ vắc-xin đó có thể lọt vào Việt Nam. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản chính thức khẳng định vắc-xin phòng dại Speeda do Trung Quốc sản xuất hiện đang lưu hành, sử dụng tại Việt Nam bảo đảm chất lượng; không phải là vắc-xin dại “dính” bê bối buộc phải thu hồi giấy phép sản xuất và điều tra hình sự tại Trung Quốc. Thực tế là, để một vắc-xin vào được thị trường Việt Nam, vắc-xin đó phải trải qua quy trình thử nghiệm lâm sàng hết sức nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, trước khi đưa vào thử nghiệm hay đưa ra thị trường, toàn bộ các vắc-xin đều phải qua khâu kiểm định chất lượng rất nghiêm ngặt do Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế thực hiện. Các kỹ thuật hiện đang thực hiện thậm chí còn có mức an toàn cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với kiểm định vắc-xin. Đây chính là rào chắn kỹ thuật mà Bộ Y tế dựa vào để có thể yên tâm với những vắc-xin đang lưu hành tại Việt Nam và vắc-xin dại cũng không nằm ngoài những quy định chặt chẽ đó.

Thay cho lời kết, vắc-xin phòng dại là biện pháp an toàn và hữu hiệu nhất để phòng bệnh dại. Thay vì chờ đợi, hãy chủ động đến các cơ sở tiêm phòng để có được sự tư vấn hợp lý nhất khi bị súc vật cắn hoặc liếm vào vùng da không lành lặn. Với những người thích du lịch hay làm nghề phải tiếp xúc với động vật máu nóng như nhân viên thú y, cán bộ phòng thí nghiệm thì việc chủ động tiêm phòng ngay cả khi không phơi nhiễm (tiêm phòng chủ động) là cần thiết bởi nếu có sự cố bị súc vật cắn khi đang ở những bản làng xa xôi, cách xa cơ sở y tế thì trong cơ thể đã có sẵn một lượng kháng thể phòng chống với bệnh dại. Làm tốt việc này thì những câu chuyện đau lòng như đã xảy ra với cô bác sĩ thú y sẽ không bao giờ lặp lại!

Bệnh dại ở người được cho là nguy hiểm nhất nhưng lại chỉ được xếp vào nhóm B các bệnh truyền nhiễm do đã có biện pháp dự phòng hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiếp tục là nguy cơ đối với người và động vật trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á và châu Phi. Hằng năm, khoảng 60 nghìn người tử vong do dại trên toàn cầu, khoảng 15 triệu người sử dụng vắc-xin phòng dại, 45% số đó đến từ các nước Nam Á và Đông - Nam Á. Tại hai khu vực này, có khoảng 2-5% dân số bị chó cắn hằng năm. Tại Ấn Độ, hằng năm có khoảng 20 nghìn người chết do dại chiếm 1/3 toàn cầu, 95% số đó có tiếp xúc với chó nhiễm dại trong đó 94% ghi nhận bị chó cắn.