Nhìn xuống đất, nhìn ra ruộng đồng

Những gì Con người tạo tác nên, hễ còn sót lại và còn có giá trị, ta mệnh danh là di sản văn hóa. Những gì của Đất Trời, hễ độc nhất vô nhị và chưa suy xuyển, ta mệnh danh là di sản Thiên nhiên. Sinh tồn trong bất tận của thời gian, Thiên nhiên không để lại di sản. Chỉ khi nó bị can thiệp, dùng dở bởi Con người, nó mới hiện hữu với những di sản.

Tốc độ đô thị hóa phá vỡ quy hoạch không gian.
Tốc độ đô thị hóa phá vỡ quy hoạch không gian.

Thời nay, Thiên nhiên cũng sa sút, cũng hủy hoại như đình chùa đền đài cổ xưa. Di tích có thể khôi phục. Thiên nhiên, tuyệt đối không. Nó chỉ có thể được hồi sức, nếu Con người biết điều, nương nhẹ và cộng sinh.

Nghìn xưa tổ tiên ta dời những vùng đất cao ráo, xuống những vùng đất bằng phẳng và trũng nước, khai khẩn, cày cấy, dần dà lấn ra biển. Thời nay, biển lăm le lấn đất. Con cháu, xem chừng, chỉ còn nước đi ngược.

Thời nay, nhanh gấp bội, đất bị chiếm dụng. Thôn quê, dân số tăng và con cái muốn ra ở riêng, làng phá bung những khuôn khổ cũ, lấn ra ruộng, san lấp ao ngòi. Thành phố, khai sinh hoặc mở mang, quy mô ấn định bởi diện tích, chứ không bởi những bài tính xây dựng thâm canh, mở rộng tuênh toang, chiếm đoạt sơ lược và xé vụn đất. Hạ tầng kỹ thuật, mạng nhện hóa, lèn nén đất bởi nhựa đường và bê-tông. Các khu công nghiệp, bề thế bởi kích cỡ, hễ đem cộng lại, chiếm dụng đất còn nhiều hơn các đô thị. Chưa ai tính thử, ở mỗi địa phương, nhất là những nơi quỹ đất hạn hẹp mà nhu cầu khai thác cao, tỷ trọng đất chưa bị chiếm dụng là bao và thu hẹp với tốc độ nào.

Đất chẳng những bị chiếm cứ. Đất bị xâm thực. Xâm thực từ khí quyển, trên bề mặt và, sinh tử hơn, vào lòng đất. Đất không còn khả năng và, đúng hơn, không có khả năng nuốt vào và tiêu hóa tất thảy những gì Con người làm ra - dùng rồi - thải ra. Giá mà có thể chụp cắt lớp những nơi cư ngụ lâu đời, những nơi các dòng sông cống rãnh hóa chảy qua... sẽ thấy rõ, đất đang lâm bệnh thế nào, đang vô sinh hóa đến đâu. Liệu con giun, con dế còn không? Trong đại hệ Đất Trời, thông minh hơn, chúng đều có vai cả.

Đã có thời, ta vẽ ống khói nhà máy để ám chỉ tương lai công nghiệp hóa. Đã có thời, ta xông xênh đi chợ mà không cần cầm theo cái làn, cái túi... Nay, đã đến lúc lập bản đồ ghi nhận mức độ tổn thương của đất ở mỗi địa phương, ở phạm vi vùng và cả nước. Nhìn vào những bản đồ - chân dung sức khỏe của đất, nhà bảo vệ thiên nhiên và nhà sinh thái học sẽ đưa ra những cảnh báo và những phương cách chữa trị còn có thể, nhà hoạch định và nhà đầu tư sẽ bớt vung tay, dụng đất dè xẻn và nương nhẹ. Nhìn vào những bản đồ ấy, ta sẽ ngộ ra: công cuộc kiến tạo cơ ngơi vật chất cho đời nay không thể tiếm phần của các đời sau và, khi nói đến tài nguyên thiên nhiên, là ta đã đụng chạm tới những giới hạn của nó.

... Dạo này hay nghe thông tin, ở tỉnh này tỉnh nọ, tỷ trọng GDP công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 90%, còn sản xuất nông nghiệp chỉ còn dưới 10%. Mừng, với tỷ trọng ấy, thu nhập bình quân tính theo đầu người đã đạt mức trung bình thế giới. Song, lòng cứ phân vân, liệu cái tỷ trọng nghiêng lệch ấy có liên quan gì không với những cánh đồng bị san lấp nham nhở, những cánh đồng bị hoang phế, những ngôi làng nhà cao cửa rộng như chốn thị thành mà thưa vắng dần bọn trẻ, những dòng sông đặc sệt nước thải, những khu trọ lèn kín dân làm công cho các xí nghiệp và công ty mà chưa biết đến bao giờ mới trở thành dân đô thị...

Ruộng đồng là một phần đất tự nhiên đã nhân văn hóa. Làng quê là những thiết chế cộng cư xã hội - lịch sử và văn hóa, những cái nôi - vườn ươm và chỗ tựa bền vững cho dân tộc mình tiếp bước. Bởi vậy, nghĩ đến đất, là nghĩ đến ruộng đồng, đến thôn quê, người dân quê, Nghĩ đến những biến đổi cần đến và không thể cản ngăn. Song, cũng không thể không nghĩ tới một đại cuộc,- duy trì sự cân bằng giữa Thiên nhiên và Con người, giữa tài nguyên và phát triển, giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa tiến bộ và truyền thống... Một nền sản xuất nông nghiệp hiền hòa, một nền sản xuất công nghiệp mi-ni hóa và một cuộc sống xã hội con người hướng về bình sinh tự nhiên, chắc hẳn sẽ là những đảm bảo bền lâu cho sự đại cân bằng hoặc, có thể, tái cân bằng, cần nghĩ tới giờ đây.

... Vài chục năm sau, hy vọng, trên những ruộng lúa xâm xấp nước, vẫn sinh sống những con cua, con cháu ta vẫn ưa cái món canh riêu cua từ thuở nào.