Chuyện đời chuyện nghề

“Người nhà quê” Đức Ban

Khi bắt tay vào viết chân dung nhà văn Đức Ban, bật ra ngay trong đầu tôi cái tít “Người nhà quê Đức Ban”. Cái tít như mặc định của tôi về vị nhà văn gốc Can Lộc, Hà Tĩnh này đã khiến tôi bật cười thích thú. Tại sao lại như thế?
Ký họa chân dung nhà văn Đức Ban của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà văn Đức Ban của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Đừng nghĩ tôi lấy cái quê gốc của ông để đặt tít này. Cả nghìn nhà văn Việt Nam có được bao nhiêu người gốc gác thành thị, ít lắm. Ở xứ ta, quê với thành phố dường như không có khái niệm rạch ròi phân định. Người Việt vốn đa phần gốc gác nông thôn cả. Vả lại nhà văn khi đã thành danh ít ai ở lại quê gốc mà đều ra thành phố sinh sống. Bởi đó mới là đất lành để các nhà văn dựng nghiệp.

Gọi Đức Ban là người nhà quê bởi chính cái gương mặt tạc “quê” của ông. Một khuôn mặt nom dầu dãi nắng gió hiện sự gân guốc nhưng lại vô cùng chân chất, thật thà điểm xuyết sự phong phú của hồn quê bóng nước với những nét khắc dân dã, hóm hỉnh hồn nhiên. Hiếm người nhà quê nào lại mang đầy đủ đặc trưng quê như nhà văn Đức Ban. Thú vị vô cùng!

Cái nét quê ở trên mới chỉ chạm đến vỏ ngoài của nhà văn Đức Ban. Tức là hình dong, tướng mạo. Tôi đồ rằng ai chỉ tiếp xúc với ông một lần là đủ cảm nhận cái chất quê của Đức Ban hay như thế nào. Chả cần ai, lấy ngay thằng tôi, một người tuy gặp Đức Ban không nhiều nhưng ông luôn để lại trong tôi dư vị ấm áp, thân tình. Đến mức nói đến Hà Tĩnh là tôi nhớ ngay đến Đức Ban. Đi qua Hà Tĩnh không thể không gọi, không gặp ông. Mỗi lần lưu lại Hà Tĩnh vắng Đức Ban vì một lý do nào đó bất khả kháng là một sự thiếu hụt không hề nhỏ với tôi.

Tôi gặp Đức Ban quãng gần ba chục năm trước. Hôm ấy tôi vào làm việc ở trạm điện 500 kV thuộc Công ty Truyền tải điện Hà Tĩnh. Giám đốc Nguyễn Trọng Thược hồ hởi khoe với tôi, Hà Tĩnh có nhà văn Đức Ban hay lắm anh có biết không? Đức Ban sao lại không biết được, bởi ông là một tên tuổi văn chương nổi bật ở dải đất miền trung. Chưa hề gặp Đức Ban nhưng ở thời điểm ấy tôi đã đọc nhiều tác phẩm của ông. Những truyện ngắn của Đức Ban có những nét đặc sắc rất riêng về một vùng đất miền trung khốc liệt ở cả trong chiến tranh lẫn thời hậu chiến. Cũng ở mốc thời gian đó, Đức Ban có cuốn tiểu thuyết “Trăng vỡ” đang tạo ấn tượng mạnh trong dư luận. Thấy tôi hứng thú, Nguyễn Trọng Thược phấn khích, ông này hơn nhiều tuổi nhưng bạn tôi đấy, Đức Ban hay lắm, hay lắm. Tối ấy Thược mời tôi gặp gỡ Đức Ban.

Đôi khi ta có được ấn tượng tốt đẹp ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trong bất kể quan hệ nào. Đức Ban với tôi là như vậy. Chẳng cần cái điệp khúc “hay lắm” của anh bạn ngành điện Nguyễn Trọng Thược, tôi cũng đủ nhận biết cái hay của Đức Ban. Đó là sự mộc mạc, chân tình không hề khách sáo, thật đến cả từ ánh nhìn đến từng ứng xử. Tôi thật sự cảm động khi Đức Ban nhắc đến những truyện ngắn tôi viết với lời khen tôi biết là thật lòng. Với một người mới viết chưa hẳn thành danh như tôi, được một nhà văn đàn anh đọc và thấu cảm, chia sẻ là một hạnh phúc, một nguồn động viên lớn lao nhất ngay ở lần đầu gặp gỡ.

Bấy giờ, lớp nhà văn thuộc thế hệ Đức Ban - những người sinh trước hòa bình 1954 đều từng tham gia chiến tranh. Họ là những người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ đất nước. Đức Ban thì khác, anh sinh năm 1949 cùng lứa với thế hệ nhà văn khoác áo lính nhưng lại tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Tôi không hỏi tại sao lại như thế, nhưng khi đọc những truyện ngắn của ông nhất là tiểu thuyết “Trăng vỡ” thì tôi ngờ ngợ lý do có thể nằm ở lý lịch. Dạo đó những người thuộc thành phần con cháu địa chủ hoặc lý lịch có vấn đề đều không được chấp nhận cho đi học đại học trong nước hoặc ngoài nước. Ngay cả việc nhập ngũ cũng bị từ chối. Thế nên có một số người trong diện này tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP để góp sức cùng đất nước đánh giặc. Tiểu thuyết “Trăng vỡ” (1992) của Đức Ban viết về một tổng đội TNXP và nhân vật ở ngôi thứ nhất trong vai trò kể chuyện chính là một người có vấn đề về lý lịch. Ở cuối tiểu thuyết, nhân vật này bắt tay vào viết cuốn sách đầu tay của mình, manh nha cho sự xuất hiện một nhà văn của tương lai. Tôi đọc và hiểu rằng thân phận đó có thể chính là bản thân nhà văn Đức Ban. Chuyện lý lịch suy ra chẳng quan trọng gì bởi đất nước đã qua cái thời kỳ nặng nề về xuất xứ ấy. Cũng chẳng bao giờ tôi hỏi Đức Ban về chính những điều đó.

“Trăng vỡ” là một cuốn tiểu thuyết hay, giúp nâng tầm văn chương của Đức Ban lên rất nhiều. Giống như những cuốn sách cùng thời kỳ, “Trăng vỡ” viết về thân phận những con người đi ra từ cuộc chiến tranh bước vào một giai đoạn mới kiến thiết đất nước và những gì được thể hiện là mặt trái của chính những tấm huân chương, trong đó cảnh báo sự tha hóa của những con người đang dấn vào những bi kịch mới của hiện thực u ám với những ngổn ngang bắt đầu của nền kinh tế thị trường.

Tôi đọc “Trăng vỡ” với một sự mến phục, bởi vậy khi gặp Đức Ban, ông đã chinh phục tôi hoàn toàn ở góc độ con người tác giả. Sau lần gặp gỡ ấy, tôi và Đức Ban mặc nhiên có một sự gần gụi không chỉ nghề nghiệp. Những lần Đức Ban ra Hà Nội có thể là một chuyến công tác hay một kỳ đại hội Hội Nhà văn, có thể là một lần gặp thoảng qua hay một cuộc hội ngộ thù tạc bạn bè đồng nghiệp vui vẻ thì tôi và ông luôn dành cho nhau những vị trí đặc biệt thân tình.

Sau khi rời khỏi lực lượng TNXP với những tác phẩm đầu đời, ông được chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Năm 1983, Đức Ban nhập học khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp lại trở về công tác ở Hội và tờ “Tạp chí Hồng Lĩnh” trong cương vị biên tập viên rồi lãnh đạo Hội và tạp chí. Trước khi về hưu, Đức Ban đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh. Mặc dù là quan chức nhưng Đức Ban chưa một ngày ngơi nghỉ công việc sáng tác kể cả lúc đã về nghỉ chế độ. Với chừng 20 tập sách từ truyện ngắn, truyện thiếu nhi đến kịch và tiểu thuyết, Đức Ban thật sự là một nhà văn có nhiều thành tựu đóng góp cho mảnh đất Hà Tĩnh. Không có gì ngạc nhiên khi năm 2016, Đức Ban được Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm tiểu thuyết “Trăng vỡ” và tập truyện ngắn “Đêm thức”. Một thành tựu xứng đáng của “người nhà quê Đức Ban”.

Bóng đêm và những khoảng tối luôn là những không gian chủ đạo trong tác phẩm của ông. Chẳng khó lý giải điều này bởi sáng tác của Đức Ban luôn xoay trở về thân phận của con người một vùng đất với chiến tranh và thời kỳ hậu chiến cùng một hiện thực nhiều chiều, xoay trở giữa cuộc đấu sinh tử của thiện ác, tốt xấu. Có lần tôi hỏi Đức Ban về dòng sông Nghẽn xuất hiện trong các tác phẩm. Đức Ban cười hiền lành bảo là con sông Nghèn quê tôi đấy, chuyển nó thành Nghẽn như một trở lực với cuộc đời tôi để tự thân phải vượt qua nó. Ra là vậy, cái lý của một người quê viết văn thật đơn sơ nhưng lại bội phần trong trẻo.

Hà Tĩnh với tôi có rất nhiều kỷ niệm với Đức Ban. Chính anh là người đứng ra tổ chức hôn lễ cho bạn tôi - giám đốc Nguyễn Trọng Thược ở những ngày khó khăn dạo đó. Những lần qua Hà Tĩnh, bao giờ tôi cũng ghé lại cùng Đức Ban. Một Đức Ban hiền hậu, hết mình với anh em bạn bè và công việc. Mỗi lần gặp, Đức Ban hay giới thiệu bạn bè văn thơ Hà Tĩnh. Tôi để ý chưa một lần thấy anh phàn nàn về cơ quan, về công việc. Với ai cũng thấy Đức Ban nhiệt thành giúp đỡ, đặc biệt là với những lớp người viết trẻ.

Trước Tết vừa rồi, tự nhiên tôi nhận được điện thoại của Đức Ban thông báo người bạn chung Nguyễn Trọng Thược của ông và tôi vừa nhập viện vì căn bệnh ung thư. Tôi thoáng lặng người xúc động trước tấm lòng của Đức Ban. Trong khoảnh khắc đó tôi bất chợt hình dung một Đức Ban lúc tôi gặp lần đầu sau mấy chục năm vẫn là khuôn mặt ấy. Một khuôn mặt dầu dãi gân guốc, chân chất, thật thà, hóm hỉnh hồn nhiên của một người quê tốt bụng.

Có điều này Đức Ban chưa biết, ông là một nhà văn đặt nhiều dấu ấn trong tôi, không chỉ ở sự chân thành bè bạn. Tôi học nhiều ở ông từ những trang viết gan ruột về dòng sông Nghẽn, về những phận người của dải đất miền trung nắng lửa.

Xiết bao trân quý, “người nhà quê” Đức Ban.