Người học trò của nhà khoa học đoạt giải Nobel

Một vinh dự và cũng là cơ duyên trong đời của GS,TS,BS Tạ Thành Văn khi được trở thành học trò người Việt đầu tiên của GS Tasuku Honjo, Đại học Kyoto, Nhật Bản - người vừa được trao giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 - tác giả Liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm miễn dịch (liệu pháp miễn dịch) - cơ hội kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Thầy chính là tấm gương để người học trò không ngừng nỗ lực trong hành trình nghiên cứu và truyền dạy kiến thức.

GS Tasuku Honjo và GS, TS Tạ Thành Văn.
GS Tasuku Honjo và GS, TS Tạ Thành Văn.

Người thầy siêu phàm

Hôm biết tin GS Tasuku Honjo đoạt giải thưởng Nobel, cảm giác lâng lâng hạnh phúc trào dâng trong GS,TS,BS Tạ Thành Văn. Nhiều đóng góp to lớn của thầy với thành tựu y học của nhân loại được thế giới ghi nhận, đặc biệt công trình kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư là hướng đi đột phá chữa trị căn bệnh nan y này. Từ đất nước Việt Nam xa xôi, anh lặng lẽ nâng ly và gửi thư chúc mừng thầy. Thật ra, tin vui ấy không quá bất ngờ bởi tất cả học trò của thầy và cộng đồng khoa học Nhật Bản đều tin tưởng điều đó sẽ đến, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng đáng lẽ thầy được trao giải thưởng danh giá và cao quý này từ một công trình nghiên cứu khác cách đây hơn chục năm.

Người học trò của nhà khoa học đoạt giải Nobel ảnh 1

Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Tập đoàn Espoir, Nhật Bản (GS.TS Tạ Thành Văn ở hàng đầu, bên trái).

Một tháng sau, GS,TS,BS Tạ Thành Văn sang Nhật chúc mừng thầy. Vẫn cốt cách hiền hậu, điềm tĩnh nhưng nom thầy già hơn xưa. Từ khi thầy đảm nhiệm thêm vai trò cố vấn khoa học cho Thủ tướng Abe, công việc thêm bận rộn. Thầy trò chỉ tranh thủ trò chuyện được ít phút, trao đổi về định hướng phát triển của y học Việt Nam, gợi ý cần thực hiện ra sao... Thầy hoàn toàn không nhắc gì tới giải thưởng Nobel, bởi đoạt giải không phải là mục đích cuối cùng mà cứu người mới là giá trị nhân bản, là phần thưởng vô giá. Ấn tượng thầy không thể quên là hạnh phúc tột cùng khi một ông lão gần 80 tuổi bị ung thư tìm gặp thầy, bấu víu vào niềm hy vọng cuối cùng và hai tháng sau khỏi bệnh, trở lại cảm ơn. Toàn bộ tiền giải thưởng, thầy dành tặng cho trường làm quỹ khuyến học, nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu.

Cái tên Honjo đã quá quen thuộc giới khoa học ở nước Nhật và trên thế giới với nhiều công trình, phát minh đột phá và chỉ cần giới thiệu là học trò của giáo sư đã là bảo chứng. Mọi người vẫn truyền nhau câu ví “Nếu đã tồn tại được ở phòng thí nghiệm GS Honjo thì có thể tự tin ở bất cứ cơ sở nghiên cứu nào trên nước Nhật”. Sau này GS Văn mới hiểu hết hàm ý trong câu hỏi “Bạn đã suy nghĩ kỹ chưa?” của một số giáo sư đến từ Đại học Kyoto khi biết anh quyết định làm sau tiến sĩ tại phòng nghiên cứu của giáo sư Honjo.

Phòng thí nghiệm lúc nào cũng sáng đèn. Anh cùng gần 40 nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ quay cuồng trong guồng quay áp lực. Mọi người cạnh tranh với nhau, chạy đua với các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới vì công bố muộn hơn, bao công sức nghiên cứu bỗng thành tay trắng. Gian nan, khổ cực, thức thâu đêm nghiên cứu không bằng những lúc chán nản lên đến tột cùng bởi kết quả không như mong đợi, công sức và tiền bạc bấy lâu đổ xuống sông xuống biển, dẫu biết làm khoa học có khi 90% là thất bại, kể cả có tư duy và logic đúng đắn. GS Văn chỉ biết đi lang thang cho vơi bớt nỗi buồn rồi tự nhủ “được thầy nhận làm học trò là vinh dự, không thể trở về trắng tay”. Nghị lực và ý chí phi thường cũng được đền đáp khi đề tài nghiên cứu về cơ chế hoạt động của gen mã hóa enzym tham gia quá trình điều hòa tổng hợp và chuyển dạng kháng thể ở người, có ứng dụng quan trọng trong bệnh lý ung thư, suy giảm miễn dịch và bệnh tự miễn mà anh kiên trì theo đuổi được công bố trên tạp chí quốc tế nổi tiếng Nature Imunology và được giới khoa học đánh giá rất cao.

Những năm nghiên cứu ở Mỹ và Nhật, Tạ Thành Văn tiếp cận kiến thức, ý tưởng mới và cả sự ưu việt trong tư duy, phương pháp nghiên cứu. Ba năm theo học thầy Honjo, anh học được nhiều điều. Ở độ tuổi thất thập nhưng nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu của người thầy có trí tuệ siêu phàm không hề giảm sút. Thầy nhớ chính xác công việc từng người và tiến độ đến đâu, rồi trong những lúc trò bí bách, thầy từ tốn gợi mở hướng tháo gỡ. Kỷ niệm anh Văn không quên về tấm chân tình, gần gũi của một người thầy nổi tiếng nghiêm túc trong công việc là những lần thầy tham gia liên hoan, leo núi cùng trò, vào chùa lễ phật và viết sớ cầu mong nội dung nghiên cứu của trò thành công. Những tấm thiệp chúc mừng năm mới của thầy thông tin về những thành tựu khoa học ấn tượng mà phòng nghiên cứu đạt được trong năm, anh luôn nâng niu cất giữ.

Và trò thông minh, thành đạt

Mặc dù có nhiều cơ hội ở lại làm việc tại các nước tiên tiến với mức lương cao nhưng GS Văn vẫn quyết định về nước, trở lại Đại học Y Hà Nội công tác. Biết tin, thầy ủng hộ và khuyên anh chịu khó tham gia các hội nghị, hội thảo để biết các nhà khoa học trong nước đang làm gì và có báo cáo tham luận để đồng nghiệp biết mình có thể làm gì, giúp hai bên hiểu nhau. Anh Văn bỏ tiền túi tích cực tham gia các hội thảo, cố gắng làm nhiều việc để tích lũy kinh nghiệm, nhanh chóng bắt nhịp, hòa nhập. Tố chất khiêm tốn, ham học hỏi từng được trui rèn trong những năm tháng ở xứ người bởi anh luôn đinh ninh lời dặn dò gan ruột của thầy trưởng bộ môn trước khi đi “làm nghiên cứu sinh như người lính nghĩa vụ quân sự, cần cố gắng học được nhiều kỹ thuật càng tốt, biết cả lái máy bay, lái xe tăng, bắn súng trường..., khi về nước tùy thuộc nhu cầu và tình hình thực tiễn có thể dễ dàng linh hoạt thích nghi phù hợp”. Được cấp trên, đồng nghiệp cảm mến, nhiệt tình cộng tác giúp đỡ, lại có thêm thầy Honjo và bạn bè sẵn sàng hỗ trợ hậu thuẫn, Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein thuộc Đại học Y Hà Nội ngày càng phát triển. Biết bao khó khăn về điều kiện nghiên cứu, hóa chất thí nghiệm, cơ chế, kinh phí dần được khắc phục, bởi tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo luôn được đề cao. Nhiều ý tưởng độc đáo được hiện thực hóa thành đề tài và những thành công nhỏ tích lũy tạo đà cho những đề tài nghiên cứu lớn, dần thuyết phục được cộng đồng khoa học trong và ngoài trường.

Gánh vác trọng trách hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Y Dược Việt Nam, điều GS Tạ Thành Văn trăn trở là mô hình và chương trình đào tạo Y quá cũ, không còn phù hợp. Cần đổi mới, chuyển từ đào tạo “cắt lớp” theo từng năm sang block (dạy theo vấn đề), giảm tải lý thuyết, tăng cường thực hành để chẩn đoán chính xác. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, làm giàu bằng kinh tế tri thức, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm ứng dụng từ bản quyền nghiên cứu khoa học, sáng chế của đội ngũ chuyên gia, trí thức hàng đầu của nhà trường, không chỉ đơn thuần trông chờ nguồn thu từ học phí là hướng đi khả quan.

“Khi bắt đầu một công việc đừng tham vọng danh lợi, có công trình, báo cáo gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học, được đồng nghiệp nể trọng mới là điều quý giá nhất. Hãy sống trọn với đam mê và kiên trì, lặng lẽ cố gắng chinh phục đỉnh cao rồi “trái ngọt” sẽ đến” - lời thầy dạy là kim chỉ nam, tạo động lực để GS Văn vượt qua mọi gian nan, thử thách. Đau đáu trước nỗi đau các bệnh nhân ung thư cũng như người thân họ trước căn bệnh dường như “vô phương cứu chữa” giày vò, anh và cộng sự dốc hết tâm lực nghiên cứu một hướng đi mới khác với GS Honjo: lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ung thư ra ngoài cơ thể sau đó nhân lên, biệt hóa trong những điều kiện đặc biệt, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh, đặc hiệu rồi truyền lại cho bệnh nhân để tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi, cuối năm 2017, Bộ Y tế chính thức đồng ý thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh tại hai bệnh viện Đại học Y Hà Nội và K Trung ương. Kết quả điều trị ban đầu của 30 bệnh nhân cho thấy triệu chứng lâm sàng được cải thiện khá tốt, làm tăng chất lượng cuộc sống, nhất là bệnh nhân ung thư nặng, giai đoạn cuối.

“Tài sản quý giá nhất của thầy không chỉ là sáng kiến, phát minh của bản thân mà chính là trò. Càng nhiều trò giỏi, thầy càng tự hào, hạnh phúc”, GS Văn trải lòng. Và ở đất nước mặt trời mọc, thầy Honjo hẳn cũng tự hào khi học trò thành đạt: GS,TS, NGND, Hiệu trưởng trường đại học danh tiếng với gia tài quý báu là hơn 250 bài báo khoa học đã được công bố trong nước và quốc tế, chủ biên hàng loạt sách chuyên khảo và giáo trình trong lĩnh vực Hóa sinh học phân tử và tế bào.