Người đảo nhỏ ấm ức... túi ni-lông”

Sau mười năm (2009-2019) vận động không túi ni-lông tại đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) như một thành công có một không hai trên cả nước, hiện nay, đảo nhỏ Cù Lao Chàm đang thực hiện một chương trình thứ hai: không ống hút nhựa, không đựng thức ăn, đồ uống và hộp nhựa chỉ dùng một lần.

Bãi Làng gần khu dân cư nhưng sạch bong.
Bãi Làng gần khu dân cư nhưng sạch bong.

Những câu chuyện nhỏ

Câu chuyện nói không với túi ni-lông ở đảo Cù Lao Chàm bắt đầu từ mười năm trước. Nhưng để có một cuộc vận động không túi ni-lông đi đến thành công, phải kể đến câu chuyện của mười năm trước đó nữa mà tính đến nay đã tròn 20 năm. Ngày đó, toàn bộ dân số ở đảo không dùng nhà vệ sinh, mọi nguồn thải đều được tấp ven bờ biển. Nhiều cụ già ở đây cho hay: “Đội nón lá che mặt mình, ngồi thản nhiên bên bờ biển...”. Khi đó, lãnh đạo thành phố Hội An cùng chính quyền các cấp đã xây tặng người dân vài chục nhà vệ sinh. Thay đổi một thói quen cũ, thiết lập thói quen mới cũng mất đến vài năm. Thấy được những lợi ích bờ biển không còn ô uế, người dân đã làm nhà vệ sinh cho chính mình. Mười năm sau đó, hình ảnh túi ni-lông trong ngõ xóm, bên bờ biển thành một vấn nạn. Chính quyền Hội An cùng người dân xã đảo đi vào cuộc vận động lần thứ hai: không dùng bao ni-lông trong mua bán, sinh hoạt... Điều đó đã được thấy rõ ngày hôm nay. Mùa du lịch, mỗi ngày có từ 2.000 - 2.500 lượt khách ra đảo, so với dân số ở đảo hơn hai nghìn người, có khi còn đông hơn. Vậy mà hòn đảo vẫn sạch sẽ không hề có rác thải ni-lông. Điều đó, là nhờ sự đồng lòng của cán bộ xã đảo cũng như sự ủng hộ từ mỗi người dân.

Người đảo nhỏ ấm ức... túi ni-lông” ảnh 1

Dùng túi báo tự tạo đựng bánh (tiệm bánh cô Hương).

Bước đến thôn Bãi Làng, đập vào mắt tôi là tấm biển bán đồ ăn vặt của gia đình anh Tuấn, chị Thám. Cái quán hàng nhỏ nằm dưới tán những cây bàng cổ thụ. Ghé quán ngồi ngắm biển, một không gian xanh thẳm, bãi cát vàng mịn không lởn vởn bao ni-lông, chai nhựa lăn lóc mé bờ, dập dềnh mặt nước. Cũng như lúc trước, khi bước chân khỏi con tàu lên cầu cảng, ngó mắt xuống chân cầu hàng cột bê-tông chạy dài, chỉ thấy nước trong xanh, không một sợi rác vô cơ lẫn hữu cơ dạt bám.

Trò chuyện ít phút, giữa những cơn gió mang theo cát mịn bay tầm thấp dưới đầu gối của mình- đây là đặc điểm tự nhiên của đảo nhỏ. Anh Tuấn mở tủ lạnh cho tôi xem, chỉ có một túi cước nhỏ (loại phân hủy) đựng cà chua, không có bất cứ bao túi nào là ni-lông đựng đồ trong tủ. Ngay lúc đó có khách hàng đầu tiên đến gọi đĩa ram cuốn cải, trong nhà chưa có rau nên anh Tuấn cầm chiếc túi sợi đi chợ mua rau. Hình ảnh khi anh quay trở về là những bó rau cải ghim bằng bẹ chuối. Một hình ảnh xưa trở về trong tôi: trong những phiên chợ quê, chờ đón mẹ về trong những bọc lá chuối. Lá chuối gói muối hạt, gói mắm tôm, gói ruốc khô, gói kẹo mấu... Mỗi một gói lá chuối mang theo một điều bí mật mà chúng tôi phải dùng ngón tay nắn nhẹ dò đoán, gói nào lộc khộc sẽ là gói kẹo mấu, mở ra, chia nhau ăn trong niềm vui mẹ đi chợ về.

Ký ức chợ quê đã dần phai nhạt vì những bịch ni-lông đựng mắm, muối, chè đỗ, chè khoai... Mấy năm sống ở TP Hồ Chí Minh tôi còn bị ám ảnh túi ni-lông đựng canh nóng trong các suất cơm trưa họ “síp” đến tận quán cà-phê. Bún riêu, cháo lòng... đựng vào bịch lớn, túi nhỏ, trông chẳng còn gì ngon mắt. Trở lại với cái chợ nhỏ có tên Tân Hiệp ở đảo Cù Lao Chàm. Mỗi một người bán hàng ở đây, họ giống như một người thợ thủ công, họ đã mua những cân báo cũ về, gấp mép, gắn hồ, thành những bao đựng, bán rau cho bà con trên đảo. Chị Mai Thị Nga, chủ một sạp rau cho biết: “Báo cũ giá năm ngàn một cân. Nó không đắt tiền nhưng mình phải có công làm thành những cái túi để bà con đựng khoai tây, hành khô...”.

Cũng như chị Nga, nhiều chủ sạp hàng ở chợ đều dùng bao tự tạo bằng giấy báo cũ. Riêng bao bót phân hủy, nếu bà con không mang từ nhà ra chợ mua đồ sẽ bị tính tiền, mỗi bao giá một ngàn năm trăm đồng một cái. Chị Nga cho biết: “Bao bót phân hủy, giá mua sỉ 145 ngàn đồng/100 bao. Bao lưới phân hủy, giá 80 ngàn đồng/1 kg. Hai thứ bao này, tiểu thương ở chợ đều khuyến khích bà con giữ lại cho những chuyến đi chợ sau. Nếu không mang theo, sẽ bị tính tiền”.

Cử chỉ người dân nâng tầm đảo nhỏ

Vì sao ở đảo Cù Lao Chàm lại thành công trong cuộc vận động không dùng bao gói ni-lông ở chợ, ở trong nhà? Câu hỏi đặt ra từ mốc mười năm trước đó với người dân ở đây, đó là sự bắt buộc từ bỏ bao ni-lông. Câu hỏi đặt ra bây giờ? Họ sẽ trả lời không còn thói quen đó nữa. Chị Nguyễn Thị Thảo, xóm Cấm, cho biết: “Nếu không mang túi đi chợ, chúng tôi bị tính tiền cho những chiếc túi. Do vậy, ngoài chuyện ra chợ mang theo tiền, chúng tôi mang túi đựng đồ luôn”. Nếu đứng một buổi sáng ở chợ Hội An sẽ thấy những tốp khách nước ngoài xách làn đi chợ, người Việt Nam thì không. Còn chợ Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm), sẽ thấy người Việt Nam và khách du lịch đều mang túi đi chợ. Nó như một cái nếp sinh hoạt, một quy định bắt buộc phải nói khi khách bước chân xuống tàu hoặc ca-nô ra đảo.

Tiệm bánh Cô Hương - một tiệm làm bánh gói lá chuối lâu đời ở đảo, với hai loại bánh phu thê, bánh ít, được gói bằng lá chuối, khách hàng mua bánh sẽ được chủ hàng đựng vào túi giấy báo tự làm. Cái cách làm ở đây khiến tôi liên tưởng đến điều gì? Đó là không vội vàng, không “tiện tay” để phá hỏng môi trường bằng những bọc gói ni-lông đựng sản phẩm cho khách. Đến đảo, tôi lại nhớ đến bữa tiệc cưới ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ năm trước. Trong cỗ cưới có đĩa bánh tẻ, những chiếc bánh được gói bằng lá dong nhỏ bên ngoài, bên trong lớp lá lại bọc bằng bao ni-lông khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa cảm thấy mất ngon. Hội chứng ni-lông từ món nem chua ở Thanh Hóa đã lan ra khắp các tỉnh thành. Ni-lông hóa nem chua, bằng việc không bọc bên trong thì cũng bọc bên ngoài lá chuối, khách hàng mua nhiều hay ít đều được đựng vào túi bóng, một túi chưa đủ cho thêm túi nữa. Khách hàng ăn trên xe, trên tàu hỏa sẽ được tặng thêm túi đựng tương ớt, túi đựng lá chuối... Một chục cái nem, chúng ta sẽ đếm được lượng túi bóng đi kèm. Một ngày, bao nhiêu cái nem xuất xưởng, bao nhiêu chiếc bánh tẻ ra chợ quê, đến những bữa tiệc cưới, đám ma?

Anh Nguyễn Văn Đức - cán bộ xã đảo Cù Lao Chàm dẫn tôi đi thăm đảo và có nói rằng, ở đảo không thể tránh hết được ni-lông từ các bao gói như bim bim, kiện nước giải khát, túi đựng giày dép... Đó là từ những nhà sản xuất. Hiện, ở đảo đang vận động các sạp hàng bán giày dép đựng trong bao ni-lông chuyển sang bày trong tủ kính. Bao ni-lông sẽ bị loại ra khỏi mặt hàng, khi hàng ra đảo. Ở đảo, cũng vẫn có nhiều hộ dùng bao ni-lông đựng mực khô, cá khô cho khách hàng. Câu chuyện của người ở đảo, có một điểm chung, đó là khi họ vào đất liền, nhìn các cửa hàng tạp hóa, chợ nhỏ, đến siêu thị lớn, đâu cũng bao đựng, bọc gói bằng ni-lông. Cô Nguyễn Thị Hường, thôn Bãi Bàng (đảo Cù Lao Chàm), cho biết: “Tôi cảm thấy ấm ức”.

Sự ấm ức của cô Hường khiến tôi liên tưởng đến những hình ảnh trong lần ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Tại một bãi sú vẹt cách xa khu dân cư, tôi đã tận mắt thấy túi ni-lông quấn quanh thân cây nhỏ. Những bao túi ni-lông này từ trong đất liền thải ra, bị sóng cuốn ra đảo và dạt vào đây. Như vậy, người đảo Cù Lao Chàm ấm ức là phải, bởi hằng tuần, họ vẫn tổ chức đi nhặt bao túi ni-lông, vỏ chai nhựa từ thành phố Hội An, thành phố Đà Nẵng... trôi theo sóng, dạt vào đảo nhỏ của họ.

Đảo nhỏ Cù Lao Chàm, mười năm về trước, từ một cuộc vận động không sử dụng túi ni-lông, mỗi gia đình được phát hai cái túi đựng đi chợ hằng ngày. Ngày đó, đội dân quân tự vệ đứng ngay ở chợ, nếu ai quên, nếu ai không có túi đựng thân thiện môi trường, kể cả khách du lịch mà dùng bao ni-lông thì sẽ được khuyên giải, thu lại bao ni-lông và được phát túi sợi thân thiện môi trường. Mười năm qua đã chứng minh Cù Lao Chàm là hòn đảo duy nhất, là nơi duy nhất trên đất nước Việt Nam không thấy bao ni-lông lởn vởn bên bờ biển. Đó là một sự thật, đó đã trở thành một nền nếp sinh hoạt, một thói quen tiêu dùng trong cộng đồng dân cư đảo nhỏ.

Phó Chủ tịch xã đảo Tân Hiệp - Mai Quốc Bảo (đảo Cù Lao Chàm) cho biết: “Hiện nay, ở đảo đang tiếp tục cuộc vận động lần hai không dùng ống hút nhựa, vật dụng bằng nhựa chỉ dùng một lần. Hiện ở đảo đang tìm những sản phẩm thay thế như ống hút bằng sậy, bằng tre, bằng cỏ thay thế. Mỗi người dân khi đi mua đồ ăn chế biến sẵn nên mang theo cà mèn... Cuộc vận động sẽ ra quân trong tháng 5 này”. Câu hỏi đặt ra, nơi khác muốn noi gương theo đảo nhỏ không dùng bao ni-lông. Nhưng không biết phải làm sao?